.

"Phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao, góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà"

Thứ Hai, 06/07/2015, 22:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Bình.

- PV: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có quyết định thành lập Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Nghề Quảng Bình. Xin ông cho biết cảm nghĩ của mình trước sự kiện này?

- Ông Dương Vũ Nhật Đồng: Khi nhận được Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thành lập Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Nghề Quảng Bình, toàn thể đội ngũ giáo viên và học sinh Trường trung cấp Nghề Quảng Bình rất phấn khởi, ý thức trách nhiệm càng cao trước nhiệm vụ nặng nề do Đảng, Nhà nước giao về việc phấn đấu đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao, góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà.

Chúng tôi nghĩ, đây cũng là niềm vui chung của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh nói chung, bởi sự kiện này sẽ là động lực mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả quy hoạch của UBND tỉnh về “Phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo nghề tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2011- 2020”. Đây là dịp để giáo dục đào tạo nghề có thêm điều kiện phát triển, đối với người học là con em tỉnh nhà sẽ được đào tạo trình độ cao đẳng nghề ngay tại quê hương mình, đỡ tốn kém kinh phí vì phải học ở những cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh.

- PV: Những thuận lợi cho trường khi thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc thành lập trường cao đẳng thưa ông?

- Ông Dương Vũ Nhật Đồng: Sau khi Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình được thành lập sẽ trực thuộc UBND tỉnh; về chuyên môn sẽ chịu sự quản lý về đào tạo nghề của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với nhiều sự thay đổi khác theo hướng có lợi cho người dạy và người học. Giáo viên sẽ được hưởng chế độ của giảng viên, học sinh sẽ là sinh viên. Cơ hội để tuyển sinh đào tạo theo đó cũng sẽ thu hút nhiều học sinh hơn.

Đây là định hướng chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của  Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành hữu quan, đặc biệt các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh. Riêng cơ quan chủ quản của trường là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội luôn tạo điều kiện cho trường kể từ khi thành lập trường trung cấp nghề đến khi lập đề án và hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét và có văn bản đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thành lập Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.

Từ tiền thân là Trường dạy nghề Quảng Bình và được chuyển thành Trường trung cấp Nghề Quảng Bình theo Quyết định số 469, ngày 13-3-2007 của UBND tỉnh, trong những năm qua, nhà trường vừa thực hiện đầu tư xây dựng vừa tổ chức đào tạo và có những bước phát triển đáng kể. Trường có diện tích 62.033m2, tọa lạc tại tổ dân phố 1, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới.

Đến nay quy mô đào tạo của trường khoảng 2.000 học sinh hệ trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý trên 60 người, trong đó gần 30% có trình độ trên đại học; cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; chương trình, giáo trình dạy nghề đã được chuẩn hóa. Trường trung cấp Nghề Quảng Bình đã khẳng định được thương hiệu của mình. Từ năm 2007 đến 2013, nhà trường đã đào tạo trên 2.000 học sinh trình độ trung cập nghề cho 7 nghề đào tạo. Tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp trung bình đạt trên 80%, có thu nhập tương đối cao và ổn định. Cơ khí- Động lực và điện là 2 ngành trọng điểm của trường. Từ năm 2010, trường xác định du lịch là ngành có tiềm năng để phát triển của tỉnh, từ đó trường phát triển thêm 2 nghề là kỹ thuật chế biến món ăn và hướng dẫn du lịch.

Thực tế hiện nay, yêu cầu chất lượng nhân lực ngày càng cao nhưng do hạn chế về nguồn lực đầu tư, phát triển đội ngũ giáo viên nên chất lượng đào tạo của trường chưa thể theo kịp đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, vì vậy việc nâng cấp lên trường cao đẳng nghề là cần thiết và phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia.

Giờ học thực hành nghề sửa chữa động lực.
Giờ học thực hành nghề sửa chữa động lực.

- PV: Ông có thể cho biết thực trạng nhu cầu đào tạo trình độ cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh ta?

- Ông Dương Vũ Nhật Đồng: Cơ cấu lao động qua đào tạo nghề ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề dưới 3 tháng theo mục tiêu đề ra của quy hoạch mạng lưới trường nghề tỉnh ta thời kỳ 2011- 2020 cần đạt được như sau: đến năm 2015 là: 3,4%; 19,6%; 77%, đến năm 2020 là: 5%; 25%; 70%. Từ cơ cấu và số liệu nhu cầu đào tạo nghề cho thấy, giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm Quảng Bình cần bổ sung 14.264 lao động qua đào tạo nghề vào làm việc trong nền kinh tế, trong đó cơ cấu trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cụ thể như sau: cao đẳng nghề: 700 người, trung cấp nghề: 2.100 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng: 11.416 người, trong khi tỉnh chỉ có 3 trường trung cấp nghề, chưa có trường cao đẳng nghề.

Từ thực trạng này cho thấy, việc thành lập Trường cao đẳng Nghề là nhu cầu bức thiết của địa phương. Các tỉnh lân cận Quảng Bình như Quảng Trị chưa có trường cao đẳng nghề, tỉnh Hà Tĩnh có khu công nghiệp Vũng Áng (giáp Quảng Bình) là nơi có nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo nghề cao. Việc thành lập Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình là hết sức cần thiết nhằm góp phần giải quyết nhu cầu đào tạo nghề trình độ cao ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình ra đời sẽ hỗ trợ cho các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề cấp huyện về phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từ đó tạo nên sự phát triển đồng bộ có hệ thống cho các cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh.

- PV: Ông có đánh giá gì về hiệu quả kinh tế-xã hội từ việc nâng cấp Trường trung cấp Nghề Quảng Bình lên thành Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình?

- Ông Dương Vũ Nhật Đồng: Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Nghề Quảng Bình có ý nghĩa chính trị và hiệu quả kinh tế lâu dài, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Với quy mô của một trường cao đẳng nghề đầy đủ trang thiết bị máy móc mới, hiện đại, sinh viên sẽ được thực hành nhiều hơn, từ đó sẽ dễ dàng thích ứng với thiết bị máy móc sau khi ra trường và đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất có tính công nghệ cao của các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất kinh doanh. Chính điều này sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao phục vụ quy hoạch phát triển trong tỉnh đồng thời nâng cao số lượng chất lượng sản phẩm xã hội. Việc thành lập Trường cao đẳng Nghề sẽ nhanh chóng thu hút đông đảo học viên thuộc nhiều đối tượng theo học. Từ đó sẽ tạo được nguồn thu lớn góp phần tích lũy cho việc tái đầu tư vào những năm tiếp theo, trên cơ sở đó sẽ giảm nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho trường hàng năm. Đối với người học, theo học cao đẳng nghề tại trường sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí học tập so với việc tìm đến một trường cao đẳng nghề khác ngoài tỉnh như hiện nay.

Về hiệu quả xã hội mang lại rất thiết thực: Trường cao đẳng nghề ra đời sẽ góp phần tích cực trong việc khắc phục thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” trong nguồn nhân lực tỉnh ta hiện nay. Nhà trường ra đời sẽ mở rộng cánh cửa cho nhiều đối tượng khác nhau, từ đó tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho số đông thanh niên thất nghiệp cũng như con em các gia đình thuộc diện chính sách; đồng thời sẽ giúp xã hội giảm bớt gánh nặng phát triển kinh tế-xã hội về giảm thiểu các tệ nạn như ma túy, mại dâm, cờ bạc... Học viên sau khi ra trường sẽ yên tâm làm việc với thu nhập cao và ổn định hơn, từ đó góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài cho bản thân, gia đình và xã hội.

Việc tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học bị thất nghiệp đang chiếm tỷ lệ rất cao khiến công tác giáo dục đào tạo phải định hướng lại theo hướng: sớm phân luồng trong hệ thống đào tạo ở bậc THPT, trong đó học phải đi đôi với vấn đề tìm kiếm được việc làm, đáp ứng được nhu cầu cần lao động được đào tạo nghề của xã hội. Nên sớm tuyên truyền giáo dục cho mọi bậc phụ huynh thấy rõ: Tầm quan trọng của của đào tạo nghề. Thực tế đào tạo tại trường chúng tôi cho thấy, nhiều em học sinh sau khi đã tốt nghiệp đại học đã quay trở lại học nghề để tìm kiếm việc làm. Bởi cơ hội tìm kiếm việc làm hiện nay ở các trường dạy nghề cao hơn hẳn các trường đại học khác. Tại trường chúng tôi có tới 15% học sinh tốt nghiệp đại học quay trở lại học nghề. Thức tế có gần 80% học sinh trường nghề sau khi ra trường đã tìm được việc làm phù hợp. Giữa học và hành của các học sinh trường nghề luôn là động lực để thanh niên lập thân lập nghiệp.

Nhân dịp thành lập Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, thay mặt nhà trường, cho phép tôi được tỏ lời biết ơn sâu sắc tới sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thành lập trường, sắp tới nhà trường sẽ trực thuộc UBND tỉnh nhưng về phương diện quản lý nhà nước trên địa bàn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội lại tiếp tục giúp đỡ quản lý nhà trường trên bước đường mới.

Vinh dự càng lớn trách nhiệm càng cao, thời gian tới, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình sẽ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn vươn lên đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình trong hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà trong công cuộc đổi mới.

- PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Phan Hòa (thực hiện)