.

Ghi nhận từ mô hình sản xuất nấm của Đoàn thanh niên thôn Thuận Phước

Thứ Tư, 29/10/2014, 13:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới", nhiều đoàn viên thanh niên nông thôn đã phát huy tính năng động, dám nghĩ, dám làm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của Chi đoàn thanh niên thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) là một trong những điển hình đó.

Phát huy tính xung kích của tuổi trẻ trong học tập, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế địa phương và chung tay xây dựng nông thôn mới, chi đoàn thanh niên thôn Thuận Phước đã sáng tạo và mạnh dạn liên kết đầu tư để thành lập mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu.

Chị Trần Thị Thanh Lam, Bí thư Chi đoàn thôn Thuận Phước, cũng là người quản lý mô hình, chia sẻ, với mục đích tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương như mùn cưa gỗ cao su và nguồn phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ), giúp thanh niên lao động tại xã có việc làm, có thêm thu nhập ổn định nên mô hình đã được nhiều thanh niên trong chi đoàn nhiệt tình ủng hộ thực hiện.

Tuy nhiên, khó khăn ban đầu không phải là ít, bởi hầu hết thanh niên tại địa phương chưa được làm quen và tiếp cận với kỹ thuật của mô hình này. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho mô hình khá lớn nên đòi hỏi phải huy động nhiều đoàn viên thanh niên cùng tham gia góp vốn. Chưa kể khi triển khai trồng nấm cần phải có mặt bằng nhà xưởng, kinh nghiệm quản lý, phân công chăm sóc...

Vì vậy, chi đoàn đã cử các thanh niên tham gia mô hình đi tập huấn kỹ thuật trồng nấm do Thành đoàn Đồng Hới phối hợp với Trung tâm ứng dụng KHKT (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức trong thời gian 15 ngày.

Mô hình trồng nấm của Chi đoàn thôn Thuận Phước mở ra hướng làm ăn mới cho đoàn viên, thanh niên.
Mô hình trồng nấm của Chi đoàn thôn Thuận Phước mở ra hướng làm ăn mới cho đoàn viên, thanh niên.

Sau đợt tập huấn, các đoàn viên thanh niên đã nắm bắt được các nội dung và kỹ thuật cơ bản về nghề trồng nấm như: đặc tính sinh học, điều kiện nuôi trồng, phương pháp, kỹ thuật nuôi trồng, các loại sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ... của một số loại nấm. Đặc biệt, với phương thức “cầm tay chỉ việc”, các đoàn viên thanh niên còn được hướng dẫn thực hành trực tiếp cách cấy nấm, đóng bịch nấm, treo bịch và cách chăm sóc sau treo bịch.

Đến đầu tháng 6-2014, từ nguồn kinh phí do đoàn viên thanh niên của Chi đoàn Thuận Phước tham gia tổ sản xuất tự đóng góp, mô hình trồng nấm đã được triển khai thực hiện. Lúc đầu, chi đoàn chỉ trồng 2 loại nấm là nấm sò và nấm rơm vì đây là hai loại nấm dễ làm và cũng là loại thực phẩm dễ tiêu thụ tại địa phương.

Sau hơn một tháng sản xuất, mô hình đã thu được gần 100kg nấm, giá bán trên thị trường là 30-40 nghìn đồng/kg, chi đoàn đã có nguồn thu đáng kể. Một số đoàn viên thanh niên thôn Thuận Phước tham gia mô hình cho biết, đối với mô hình trồng nấm, thời gian chăm sóc và thu hoạch linh động lại không tốn nhiều công sức.

Vì vậy nấm được trồng liên tục để rút kinh nghiệm. Khi đã có kinh nghiệm, chi đoàn tiếp tục mua giống nấm linh chi về trồng thử. Đây là loại nấm dược liệu quý hiếm có rất nhiều tác dụng trong y học. Đến nay, quy mô nhà trồng nấm của Chi đoàn thôn Thuận Phước có diện tích khoảng 200m2, trồng 700 bịch nấm linh chi, 400 bịch nấm sò và trên 400 bịch nấm rơm. Các loại nấm đang sinh trưởng, phát triển bình thường, không bị bệnh hại. Riêng đối với nấm linh chi, Sở Khoa học Công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn thu hoạch, bảo quản, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho chi đoàn với mức giá 700-800 nghìn đồng/kg.

Theo chị Trần Thị Thanh Lam, với thành công bước đầu của mô hình sản xuất nấm, chi đoàn đang dự định kết hợp với Hội Nông dân xã Thuận Đức phổ biến kỹ thuật sản xuất nấm thực phẩm (nấm sò, nấm rơm) trên nguyên liệu rơm ra đến bà con nông dân tại địa phương và tiến tới mở rộng mô hình trồng nấm trong gia đình các đoàn viên thanh niên, nhằm tạo ra một hướng làm ăn mới, góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho đoàn viên, thanh niên trong xã. Hiện tại, chi đoàn đã chuẩn bị xong nhà xưởng và nguyên liệu để đầu tư sản xuất mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu cho thị trường tiêu thụ vào dịp cuối năm.

Có thể nói, mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu của Chi đoàn thôn Thuận Phước đã mở ra hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, giải quyết, tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương, nhằm thu hút họ tham gia vào các hoạt động của Đoàn-Hội cơ sở, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

N.L