.

Làm lại cuộc đời từ nghề học trong trại tạm giam

Chủ Nhật, 26/10/2014, 11:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Trở về sau những chuỗi ngày tù tội, cảm giác buồn chán, tự ti, mặc cảm đã làm anh chán nản, muốn buông xuôi mọi thứ. Thế nhưng, được sự quan tâm, động viên từ những người thân trong gia đình, chính quyền, địa phương, anh đã vượt qua mặc cảm, làm giàu từ 2 bàn tay trắng.

 

Anh Nguyễn Xuân Thủy đang đúc chậu cảnh.
Anh Nguyễn Xuân Thủy đang đúc chậu cảnh.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Thủy, ở thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn. Khi hỏi đến anh, bà con lối xóm ai cũng biết, bởi anh là một gương sáng về nghị lực vượt qua lỗi lầm, làm lại cuộc đời.

Nhìn anh bây giờ, ít ai nghĩ rằng đã có một thời kỳ, người đàn ông này cảm thấy chán nản. Vào tù với án 2 năm vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng nhờ cải tạo tốt, anh đã được ân xá ra tù trước thời hạn.

Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết: “Khi tôi vào tù, nhà cửa phải bán hết để có tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân, con cái còn quá nhỏ, gánh nặng gia đình  dồn vào vai  người vợ. Thương vợ, thương con mình chỉ biết cố gắng cải tạo thật tốt để mau chóng trở về giúp đỡ vợ con”. 

Ra tù với hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn đủ đường, nhưng với nghị lực sống, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Với kinh nghiệp về nghề đúc ghế đá, đúc chậu cảnh học được trong thời gian thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, cùng với sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình, chính quyền địa phương, anh Nguyễn Xuân Thủy đã mạnh dạn mua máy móc, công cụ để cho ra những sản phẩm ghế đá, chậu cảnh  đạt tiêu chuẩn, phục vụ người dân trên địa bàn và khu vực lân cận.

Ông Hoàng Ngọc Lâm, Trưởng thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn chia sẻ: Anh Nguyễn Xuân Thủy  là gương sáng về nghị lực vượt qua khó khăn để làm giàu chính đáng. Trước đây, khi anh Thủy mới ra tù, người dân và chính quyền thôn, xã thường xuyên lui tới động viên, tạo điều kiện để anh vững tin hơn khi quyết định đầu tư vốn để phát triển kinh tế.

Đến nay, nghề đúc ghế đá đã mang lại cho gia đình anh một cuộc sống no đủ, nhà cửa khang trang, con cái có điều kiện học hành. Không những vậy, anh còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều con cháu trong họ hàng. Khi bộc bạch với chúng tôi, anh cười bảo: Trước đây, khi chưa vào tù, anh làm thợ sơn, làm quần quật suốt ngày nhưng sao cuộc sống cứ cơ cực mãi. Vậy mà nghề đúc anh học được từ những ngày trong Trại tạm giam lại là “cần câu” để anh có cuộc sống như bây giờ.

Gương sáng của anh Nguyễn Xuân Thủy là một trong những điển hình về nghị lực  hoàn lương. Đó cũng chính là minh chứng cho thấy, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sẽ thực sự tiến bộ khi toàn xã hội có một cách nhìn đúng đắn, đồng thời tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ cho người chấp hành xong án phạt tù bằng tình thương và trách nhiệm của mình.

Ngọc Oanh