.
Chuyện quản lý:

Phải giải quyết từ cơ sở

Thứ Ba, 04/03/2014, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Có những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) là chuyện không mới. Giai đoạn này cũng vậy, địa phương nào cũng có. Chỉ có điều cần phân loại, trường hợp nào đáng được gọi là vướng mắc bởi chủ trương, chính sách chưa rõ ràng, tính toán của cơ quan chức năng chưa sát đúng và loại thứ hai là khi chính sách đã rõ ràng nhưng người dân vẫn cố tình chèo kéo để có thêm những khoản hỗ trợ...

Trong GPMB thực hiện các dự án mở rộng quốc lộ 1 (QL1) có những vướng mắc rơi vào trường hợp thứ hai mà hình như địa phương nào cũng có, đó là người dân đòi được đền bù phần đất mà trước đây các hộ gia đình đã đắp để làm đường đi từ nhà ra đến QL1, hoặc tạo mặt bằng để sử dụng cho gia đình. Với tình huống này, xem qua việc xin được hỗ trợ là có lý vì dẫu sao người dân đã bỏ tiền của, công sức để tạo mặt bằng...

Bạt núi để mở rộng và nắn thẳng QL1 đoạn qua đèo Lý Hoà.
Bạt núi để mở rộng và nắn thẳng QL1 đoạn qua đèo Lý Hoà.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, chính sách đã quy định khá rõ trường hợp này. Theo Quyết định số 22/2013/QĐ- UBND ngày 16-10-2013 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh ban hành theo Quyết định số 02/2010/ QĐ- UBND ngày 5-2-2010 thì trường hợp được bồi thường các khoản chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất chỉ đối với trường hợp đất được giao, được thuê và phải sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê và phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thực tế chứng minh. Trường hợp thu hồi đất mà đã được bồi thường về đất thì không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất...

Theo quy định nói trên, thì đối với trường hợp đất đắp, tôn tạo nằm trong hành lang an toàn giao thông là đất không được phép sử dụng thì không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng. Những trường hợp đất hợp pháp khác thì đã bồi thường về đất nên cũng không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng.

Như vậy vấn đề trên đã rất rõ ràng, không thể có trường hợp ngoại lệ nào cho hộ dân nào, địa phương nào và cũng không có ai có quyền làm trái những quy định của Nhà nước. Mặt khác trong thực tế khối lượng đất đá các hộ dân đã tôn tạo, khi thi công làm đường các đơn vị thi công cũng phải bốc dỡ chứ không thể sử dụng làm nền đường.

Có lẽ tình huống trên chỉ là một ví dụ trong nhiều tình tiết khác trong GPMB mà các hộ dân ở các địa phương vẫn còn thắc mắc, chưa thông, mặc dù các chính sách về GPMB đã khá rõ ràng. Vấn đề là cán bộ các địa phương, đặc biệt là ở thôn, xóm phải đọc kỹ văn bản, chế độ chính sách để có thể đả thông ngay cho người dân, không để tình trạng dân đòi hỏi, thắc mắc kéo dài. Trong thực tế có không ít địa phương hoặc do cán bộ không nắm hết chủ trương, chính sách trong công tác GPMB nên giải thích không rõ ràng làm người dân hy vọng có thể kỳ nèo Nhà nước để có thêm tiền hỗ trợ, hoặc là đã đánh mất chức năng thuyết phục quần chúng, thậm chí còn có trường hợp cơ hội, hùa theo...

Có lẽ qua đợt GPMB QL1, các địa phương cũng cần đánh giá lại năng lực cán bộ ở cơ sở, làm cơ sở cho đề bạt, phát triển lâu dài.

V.H