.

Phát triển nghề công tác xã hội: Đợi "bột" để… "gột nên hồ"

Thứ Bảy, 01/03/2014, 18:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32) với nguồn tổng kinh phí lên tới hơn 2.300 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 21-1-2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu, hoạt động cụ thể và một lộ trình triển khai hiệu quả với nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách trung ương. Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án 32 ở tỉnh ta, bên cạnh những thành công bước đầu, vẫn còn đó những ngổn ngang trong tiến trình đưa một ngành nghề đặc thù, mới mẻ, nhưng ngày càng quan trọng-nghề công tác xã hội-bám rễ vào cuộc sống.

Nghịch lý thiếu và thừa...

Một ngày như mọi ngày, chị Hoàng Thị Thanh Trà (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) tất tả bận rộn với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em sơ sinh, từ thay tã, cho ăn uống... rồi đến ru ngủ, chơi đùa, giặt giũ...

Ngoài công việc chăm sóc các bé, chị cũng thường xuyên tham gia nuôi dưỡng các cụ già, người tàn tật của Trung tâm và làm công việc hành chính văn phòng.  Vậy mà, ít ai ngờ chị Thanh Trà tốt nghiệp khoa kế toán, Trường đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng). Chị tâm sự, lần đầu mới làm những công việc như thế này, vì cũng chưa có gia đình, nên chị còn nhiều bỡ ngỡ, vụng về. Lâu dần thành quen, 2 năm qua, cùng với nỗ lực, niềm yêu nghề, yêu trẻ, chị đã thành thục và vững vàng hơn.

Theo ông Trần Đình Năm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, với hơn 60 đối tượng đang được nuôi dưỡng và đội ngũ nhân viên vẻn vẹn 26 người, toàn thể bộ máy đều được huy động để kiêm nhiệm nhiều phần việc khác nhau, cả nhân viên hành chính, quản lý đối tượng hay y tế... đều tham gia chăm sóc đối tượng.

Thống kê cho thấy, Trung tâm mới có 4 nhân viên tốt nghiệp hệ đại học, cao đẳng chuyên ngành công tác xã hội, các nhân viên còn lại đều từ nhiều ngành khác nhau, như: văn, luật, kế toán, kinh tế, sử, y... Bù đắp cho những thiếu hụt về chuyên môn công tác xã hội, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên. Đồng thời, Trung tâm cũng động viên, khuyến khích anh chị em tự học, tự nâng cao trình độ để theo kịp sự phát triển của nhu cầu xã hội. Trong tương lai, Trung tâm sẽ thành lập 1 phòng công tác xã hội, trực tiếp tham gia công tác nắm tình hình, phân loại, quản lý, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tinh thần... đối với các đối tượng cần sự bảo trợ.

Số liệu thống kê từ Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho thấy hiện nay số lượng đối tượng cần bảo trợ xã hội ở tỉnh ta khá lớn với 31.796 hộ nghèo (chiếm 14,18%) và 40.848 hộ cận nghèo (chiếm 18,22%), 19.927 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng, 3.213 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 98.198 người cao tuổi... Toàn tỉnh có 10 trung tâm, làng trẻ có chức năng nuôi dạy, điều dưỡng, giáo dục, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội. Nhu cầu lớn như vậy, nhưng trên thực tế, việc đáp ứng về cả số lượng và chất lượng đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội lại hết sức khó khăn.

Theo một cuộc điều tra, khảo sát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2011, số lượng cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội trong toàn tỉnh chưa được tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về công tác xã hội chiếm tới 915/1.714 người. Số lượng cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội chưa được đào tạo dài hạn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội thậm chí còn lớn hơn 1.342/1.714 người. Và hơn 50% cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội có nhu cầu đào tạo dài hạn về công tác xã hội (lĩnh vực tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội...).

Mới khoảng 20% số cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội ở tỉnh ta được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Mới khoảng 20% số cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội ở tỉnh ta được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Thế nhưng, theo TS. Nguyễn Thế Hoàn, Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Trường đại học Quảng Bình, một số lượng lớn sinh viên chuyên ngành công tác xã hội sau khi tốt nghiệp lại không tìm được việc làm hoặc phải làm việc trái ngành nghề đã học. Đây chính là nguyên nhân khiến ngành công tác xã hội dần trở nên mất sức hút trong quá trình tuyển sinh, mặc dù nhu cầu thực tế tại địa phương lại rất lớn. Năm 2007, trường tuyển sinh khóa đầu tiên chuyên ngành công tác xã hội, hệ cao đẳng với 97 sinh viên, năm 2008 với 158 sinh viên, năm 2009 với 104 sinh viên.

Tuy nhiên, đến năm 2012 và 2013, với số lượng đầu vào quá ít ỏi, trường không thể tuyển sinh thêm một lớp nào và hiện tại, chỉ còn 1 lớp với 17 sinh viên theo học. Nếu trong năm nay, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thì việc mã ngành bị xóa là “một sớm, một chiều”. Đội ngũ giảng viên chuyên ngành này đảm bảo chất lượng với 3 giảng viên trình độ thạc sĩ và sẽ tiếp tục học lên nữa trong thời gian tới. TS. Nguyễn Thế Hoàn chia sẻ, rõ ràng ở tỉnh ta vẫn chưa có một đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội theo đúng nghĩa, được đào tạo chuyên sâu, bài bản, hoạt động đúng chuyên môn và làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

Kỳ vọng một bước đột phá!

Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 hướng tới mục tiêu chung phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở tỉnh Quảng Bình. Theo đó, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển, hình thành các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại địa phương, nỗ lực xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Các giai đoạn, điểm mốc cụ thể của lộ trình được vạch ra rõ nét, chi tiết với nhiều kỳ vọng mới.

Đáng chú ý trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh sẽ xây dựng tối thiểu 1 mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh và 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn và cán bộ thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ được tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng.

Năm 2015, mỗi huyện, thành phố có 1 cán bộ chuyên trách nghề công tác xã hội, mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi cơ sở giáo dục phải có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu.

Sau hơn 3 năm thực hiện, do nguồn kinh phí bố trí triển khai Đề án hạn chế, các hoạt động mới chủ yếu tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nhiều hoạt động quan trọng khác như tuyên truyền, tham quan học tập kinh nghiệm... vẫn chưa thực hiện được. Đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng, năm 2011, chưa tổ chức đào tạo, tập huấn; năm 2012 có 5 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ nghề công tác xã hội cho 318 cán bộ làm công tác lao động, thương binh, xã hội và văn hóa, thông tin cấp xã; năm 2013 có 6 lớp bồi dưỡng với 455 đối tượng.

Năm 2013, mặc dù được phân bổ 10 chỉ tiêu đào tạo hệ vừa học vừa làm ngành công tác xã hội, nhưng do chỉ tiêu đào tạo ít nên không liên hệ để tổ chức được lớp đào tạo. Cũng trong năm nay, tỉnh được Trung ương hỗ trợ 1, 5 tỷ đồng để xây dựng mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tỉnh đã nâng cấp, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ thực hiện dịch vụ công tác xã hội cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và giữa năm 2014 sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Thực tế cho thấy mới khoảng 20% số cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí ở cấp cơ sở đội ngũ này còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Mặt khác, việc triển khai Thông tư 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 8-11-2010 quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội và Thông tư 07/2013/TT-BLĐTBXH ngày 24-5-2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh phí thực hiện.

Chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa các mục tiêu của giai đoạn 2011-2015 của Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội của tỉnh ta sẽ phải hoàn thành. Đó sẽ là chặng đường tuy ngắn nhưng nhiều khó khăn với số lượng công việc lớn, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư về nhiều mặt từ cấp trung ương, cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Phía Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng vấn đề gian nan nhất hiện nay là vấn đề kinh phí, bởi ngoài nguồn kinh phí phụ thuộc từ trung ương, tỉnh ta vẫn chưa có nguồn kinh phí nào để triển khai, không có "bột", thật khó để "gột nên hồ".

Trước mắt, Sở vẫn đang kiến nghị, đề xuất với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các hoạt động của Đề án 32, bố trí thêm nguồn kinh phí để mở lớp đào tạo hệ đại học vừa học vừa làm về công tác xã hội ngay tại tỉnh và tăng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cũng như công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

Mai Nhân