Kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2013):

Những người góp sức cho lịch sử

Cập nhật lúc 09:04, Thứ Hai, 29/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - ...Ký ức 38 năm qua vẫn vẹn nguyên, tươi mới trong tâm khảm mỗi người lính Cụ Hồ, những con người đã hy sinh tuổi xuân góp phần khắc tạc nên dáng hình của một Việt Nam ngày hôm nay. Cuộc đời của những người lính già năm ấy đến bây giờ vẫn là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay soi vào, để ngẫm mình sống sao cho thật xứng đáng.

Anh hùng trong chiến đấu

Đến xã Quảng Châu (Quảng Trạch) hỏi thăm ông Phạm Văn Lái (1952), hầu như không ai là không biết. Chính cuộc đời chiến đấu sôi nổi đáng tự hào trước đây và nghị lực vươn lên trong cuộc sống đời thường đã khiến ông trở nên “nổi tiếng” như vậy. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh quê hương bị giày xéo vì bom đạn chiến tranh cộng với việc người chị gái bị bom Mỹ giết chết đã biến nỗi đau trong ông thành lòng căm thù giặc tột độ.

Tháng 5-1972, ông viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ ở đơn vị C3 D7 Công binh Quảng Bình. Đến tháng 10-1973, Phạm Văn Lái được điều chuyển qua đơn vị bộ binh C9 D9-E 266, Sư đoàn 341 làm chiến sỹ liên lạc. Với phương châm “đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến ngày đất nước thắng lợi mới về”, đơn vị ông Lái lên đường hành quân ròng rã hơn một tháng trời mới đến được chiến khu D (miền Nam) chuẩn bị cho trận đánh Xuân Lộc, đây được xem là trận đánh khốc liệt, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tại trận đánh vào “bức tường thép” Xuân Lộc, đơn vị ông phải giành giật với địch từng ngách phố, căn nhà, từng đoạn hào giao thông nhỏ. Mỗi tổ, mỗi người đều tự ghép mình thành từng bộ phận, tự hiệp đồng, hỗ trợ nhau chiến đấu. Chiến sỹ liên lạc Phạm Văn Lái cùng Phó đại đội trưởng Đặng Xuân Dần và 3 chiến sỹ khác được giao nhiệm vụ hình thành một mũi đánh vào một đoạn chiến hào của địch. Bị đánh bất ngờ, bọn địch bỏ chạy. Lái đuổi theo và thọc sâu vào chiến hào của địch, trong lúc đó đơn vị ông được lệnh chuyển hướng tiến công. Phạm Văn Lái chỉ còn một mình với khẩu AK hết đạn.

Lao động và niềm tin vào cuộc sống đã giúp  Anh hùng Phạm Văn Lái chống chọi được với bệnh tật.
Lao động và niềm tin vào cuộc sống đã giúp Anh hùng Phạm Văn Lái chống chọi được với bệnh tật.

Nhờ mưu trí, sáng tạo cộng với sự táo bạo, ông Lái đã nhanh chóng chuyển từ thế bị động sang chủ động, lấy súng địch để tiêu diệt địch. Và sau hơn một ngày chiến đấu trong hoàn cảnh một mình một hướng tiến công, độc lập chiến đấu, bị thương vẫn không rời vị trí, Phạm Văn Lái đã diệt 31 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, nêu cao tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng. Và với chiến công ấy, ông Lái được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lúc chỉ mới 25 tuổi.

Cũng từng là một chiến sỹ thuộc Sư đoàn Sông Lam, cựu chiến binh Trần Văn Bường (phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới) ngày ấy là chính trị viên thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266. Sau khi học xong ở Trường sỹ quan Lục quân, ông Bường lên đường nhập ngũ, trở thành một trong những chiến sỹ cảm tử của Sư đoàn Sông Lam, trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận đánh ở Xuân Lộc ngày đó.

Qua lời kể của vị cựu chiến binh già, chúng tôi như được sống cùng khí thế hào hùng của những năm tháng ấy. Lúc đó, đơn vị ông được lệnh đánh vào cửa mở Xuân Lộc, là phòng tuyến kiên cố tập trung toàn bộ lực lượng mạnh nhất của Mỹ, ngụy - “cánh cửa thép” phía đông bắc Sài Gòn để làm bàn đạp đánh thẳng vào dinh tỉnh trưởng. Đúng 18 giờ ngày 8-4-1975, tất cả các đơn vị của Sư đoàn 341 nhận nhiệm vụ đánh vào Xuân Lộc xuất phát. Đêm 8 rạng ngày 9-4, đơn vị ông Bường đã đánh chiếm và làm chủ được khu gia binh và nhà máy điện. Bị dồn cả vào một khu vực, địch lợi dụng các dãy nhà nhiều tầng kiên cố đặt đại liên, trung liên, M79... bắn chặn các mũi tiến công của quân ta.

Trước tình thế nguy cấp, trước sau đều có địch, ông Bường đã cùng với các đồng chí cốt cán hội ý và quyết định cử 1 tiểu đội đại liên, 1 tiểu đội bộ binh tiến công phá vòng vây địch. Với khí thế “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lực lượng của ta đánh thẳng vào dinh tỉnh trưởng, song lại bị quân địch đánh dội trở lại. Không nao núng, các chiến sỹ của ta lại tiếp tục tiến công vào Dinh tỉnh trưởng lần nữa. Lúc này, cuộc chiến trở nên vô cùng quyết liệt. Ta và địch tranh chấp từng chiến hào, từng góc phố. Sau 3 ngày chiến đấu, ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch, song chiến sự vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Tuy rối loạn, đổ vỡ lớn, nhưng biết được vị trí quan trọng của Xuân Lộc, lại có công sự vững chắc và được tăng cường lực lượng, nên địch vẫn chống trả quyết liệt, gây cho ta tổn thất và tạm thời ngăn được sức tiến công của ta... Trung đoàn 266 giữ vững bàn đạp đã chiếm được, duy trì áp lực thường xuyên lên quân địch trong thị xã, thực hiện biện pháp nghi binh, làm địch tin rằng ta đang chuẩn bị tiến đánh tiếp. Ngày 19-4, trong lúc chỉ huy đơn vị đánh vào Dinh tỉnh trưởng, địch tấn công bất ngờ, Ông Bường và nhiều đồng đội khác bị thương. Bị thương khi trận chiến chưa kết thúc, ông Bường “ức lắm, chỉ mong sớm khỏe lại để được tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu, giành chiến thắng trọn vẹn cho Xuân Lộc”.

Hai ngày sau khi ông Bường bị thương (21-4), “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đánh sập, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng. Người chiến sỹ trẻ Trần Văn Bường lúc đó đã khóc òa trong hạnh phúc ngập tràn  bởi ông biết bao hy sinh của biết bao đồng đội nằm lại nơi chiến trận.

Ngời sáng giữa đời thường

Trở về với cuộc sống đời thường, mang theo những chiến công hiển hách thời chống Mỹ, những chiến sỹ của Sư đoàn Sông Lam ngày ấy vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trên trận tuyến mới, trận tuyến chống đói nghèo, xây dựng quê hương, đất nước. Để rồi giữa biết bao ngổn ngang của cuộc sống hôm nay, dù ở cương vị nào, những con người ấy vẫn luôn ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ở tuổi 63, ông Trần Văn Bường vẫn luôn đầy ắp nhiệt huyết với công tác Hội.
Ở tuổi 63, ông Trần Văn Bường vẫn luôn đầy ắp nhiệt huyết với công tác Hội.

Tìm về nhà ông Phạm Văn Lái ở thôn Lý Nguyên, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi gặp ông. Nhìn dáng vẻ tinh nhanh, rắn rỏi của ông ít ai có thể ngờ được người cựu chiến binh ấy đang mang trong mình căn bệnh ung thư dạ dày quái ác từ hơn 5 năm nay. Chúng tôi đến nhà đúng lúc ông đang sửa soạn đi chăn bò. Bà Lê Thị Thiết, vợ ông cười nói: “May cho cháu đó, muộn chút nữa là không gặp được ông ấy rồi. Có bệnh trong người nhưng ông ấy có chịu ở yên trong nhà mô. Không cày ruộng thì chăn bò, cắt cỏ, chăm bạch đàn, cứ như làm việc là liều thuốc với ông ấy rứa”.

Rời quân ngũ, ông Lái trở về quê nhà chỉ mang theo trong chiếc ba lô những bộ quần áo đã cũ sờn, cuốn sổ tay ghi lại những dòng tâm tình mà đồng đội nhắn nhủ với nhau trước lúc chia tay và những ký ức hào hùng đánh Mỹ không quên. Bốn lần bị thương trên chiến trường đã làm hao kiệt sức khỏe của anh chiến sỹ liên lạc ấy. Với tỷ lệ thương tật 75%, ông Lái gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hồi đó, trở về quê làm anh nông dân, ông Lái không nghĩ mình lại có thể vượt qua được những năm tháng khó khăn đó, bởi gia cảnh quá nghèo lại đông con, sức khỏe yếu, gia sản chẳng có gì ngoài mấy sào ruộng.

Thế nhưng chính bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ, tinh thần “thép” có sẵn trong máu đã thắp thêm cho ông nghị lực vượt lên mọi khó khăn, gian khổ nhất. Không chỉ trồng lúa nước, ông bắt tay vào cải tạo vườn nhà trồng các loại rau, quả kiếm thêm thu nhập, rồi ông lại nhận đất rừng để trồng bạch đàn, kết hợp nuôi thêm bò, lợn, chim bồ câu. Cuộc sống gia đình nhờ đó từ chỗ nghèo nhất nhì xã đã vươn lên thoát được nghèo, “có thêm được “đồng ra đồng vô” để nuôi các con ăn học, tạo dựng sự nghiệp. Cũng nhờ có thêm đồng lương theo chế độ của Nhà nước nên so với nhiều hộ nghèo ở đây, nhà tui cũng được xếp vô diện khá đó”, ông Lái hóm hỉnh khoe với chúng tôi. Biết chúng tôi thắc mắc về “thâm niên” căn bệnh ung thư dạ dày của mình, ông quả quyết: “Chính lao động và niềm tin vào cuộc sống đã giúp tôi chống chọi lại được với bệnh tật”.

Phải hẹn đến lần thứ 3 chúng tôi mới tìm gặp được đại tá Trần Văn Bường tại cơ quan nơi ông làm việc. Những công việc không tên của một vị Chủ tịch Hội CCB tỉnh đã “ngốn” gần trọn thời gian trong ngày của người cựu chiến binh ấy. Ông kể, ngày đó, sau khi được đưa đi điều trị do bị thương, ông về làm quân quản ở Sài Gòn, rồi làm cán bộ tuyên giáo Bình - Trị - Thiên, sau đó tham gia vào công tác Hội CCB ở các cơ sở.

5 năm làm Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh và hơn 11 năm hoạt động Hội, ông luôn gương mẫu, làm tròn mọi nhiệm vụ được giao, tạo được uy tín, sự tin tưởng với các hội viên. Mọi người đều nghĩ sau hơn 45 năm cống hiến (35 năm ở chiến trường và hơn 10 năm làm công tác hội), người lính ấy đã có thể yên tâm về quê an dưỡng tuổi già. Nhưng không, mang trong mình bầu nhiệt huyết của "Bộ đội Cụ Hồ", được Đảng tin cậy, đồng đội tín nhiệm, nên mới đây, dù tuổi đã cao ông vẫn vui vẻ đứng ra đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội CCB với bộn bề công việc.

Khi được hỏi điều gì làm ông vui nhất sau ngần ấy năm, ông trả lời ngay, đơn giản, dứt khoát: “Đó là việc từ nguồn quỹ của Hội, quỹ "Nghĩa tình đồng đội", hằng năm đã giúp nhiều CCB xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, động viên kịp thời các CCB có hoàn cảnh khó khăn, giảm được tỷ lệ hộ CCB nghèo. Qua các phong trào thi đua, chất lượng hội viên ngày càng nâng lên, mỗi năm có thêm nhiều CCB gương mẫu, xứng danh bộ đội Cụ Hồ. Nhưng đó là thành tích chung của tất cả anh em, chứ mình có làm được gì đâu”.

Ở tuổi 63, là thương binh mất sức 42% nhưng ông Bường vẫn luôn đầy ắp nhiệt huyết với công tác Hội, luôn trăn trở làm sao để tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đời sống của các hội viên ngày càng được nâng cao.

                                                                                    Đào Vân




 

,
.
.
.