Lệ Thủy chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh

Cập nhật lúc 10:25, Thứ Sáu, 26/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 9, thời tiết ở tỉnh ta nói chung và địa bàn huyện Lệ Thủy nói riêng  thường chuyển sang khô hanh, nắng nóng kéo dài (lúc cao điểm, nhiệt độ từ 39 đến 40 độc C ), gió Tây Nam thổi mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến cho thảm thực bì khô dẫn tới nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô năm 2013, UBND huyện Lệ Thủy đã sớm triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về rừng xảy ra...

“Khoanh vùng” để chủ động PCCC hiệu quả

Huyện Lệ Thủy có diện tích tự nhiên 141.611 ha, trong đó diện tích rừng chiếm gần 70%. Những năm trở lại đây, công tác PCCCR đã được UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể, các chủ rừng... ở Lệ Thủy luôn quan tâm và thực hiện đạt nhiều kết quả khá tích cực. So với những năm trước đây, cháy rừng tại địa bàn huyện Lệ Thủy đã giảm hẳn cả về số vụ và mức độ thiệt hai. Năm 2012, trên địa bàn huyện Lệ Thủy chỉ để xảy ra 1 vụ cháy rừng tại xã sen Thủy (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Quảng Bình) khiến 1,5ha bị cháy, thiệt hại về rừng khoảng 30 đến 40%.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết khí hậu năm 2013 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, mùa khô sẽ đến sớm và khắc nghiệt..., nguy cơ dẫn tới cháy rừng là rất cao. Trước tình hình đó, ngay từ đầu mùa nắng nóng, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR huyện Lệ Thủy đã sớm triển khai các phương án BVR và PCCC rừng năm 2013. Đặc biệt, Lệ Thủy đã tiến hành khoanh vùng “trọng điểm” để chủ động xây dựng các phương án PCCCR một cách cụ thể, sát khớp với tình hình thực tế ở mỗi một khu vực có diện tích rừng...

Căn cứ vào thực tế tình hình rừng tự nhiên, rừng trồng, hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản... tại địa bàn trong những năm trở lại đây, bước vào mùa khô năm 2013, UBND huyện Lệ Thủy đã đưa ra nhận định những vùng “trọng điểm” có nguy cơ bị tổn hại về rừng như sau: vùng có khả năng xảy ra tình trạng phát, đốt, xâm chiếm đất lâm nghiệp, phát thực bì trồng rừng trái phép gồm Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy; vùng có nguy cơ khai thác gỗ trái phép nằm ở thượng nguồn sông Kiến Giang, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Trường Sơn, Chi nhánh Lâm trường Phú Lâm, vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình v­à Quảng Trị.

Nhờ làm tốt công tác BVR và PCCCR, nhiều hộ dân ở Lệ Thủy đã có thu nhập cao từ trồng rừng kinh tế.
Nhờ làm tốt công tác BVR và PCCCR, nhiều hộ dân ở Lệ Thủy đã có thu nhập cao từ trồng rừng kinh tế.

Bên cạnh đó, huyện Lệ Thủy cũng đưa 2.000ha rừng thông nhựa ở vùng quốc lộ 1A (Sen Thủy, Hưng Thủy...); 4.000ha rừng ở vùng phía trước (Mỹ Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Thái Thủy, Văn Thủy, Làng Thanh niên lập nghiệp...); 4.000ha rừng thuộc Lâm trường Kiến Giang, các xã Kim Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy, thị trấn Lệ Ninh cùng một số diện tích rừng cao su của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, một ít diện tích rừng tại các xã Lâm Thủy, Ngân Thủy... vào nguy cơ dễ bị xảy ra cháy rừng cao vào mùa nắng nóng.

Trên cơ sở xác định các vùng “trọng điểm” có nguy cơ xảy ra cháy rừng, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR huyện Lệ Thủy đã tích cực chỉ đạo các địa phương, chủ rừng, các cơ quan chức năng sớm xây dựng phương án PCCCR phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi vùng; khẩn trương thành lập các tổ, đội và tiến hành mua sắm các thiết bị, dụng cụ, phương tiện PCCCR để chủ động dập lửa khi có cháy rừng xảy ra...

Phương châm “4 tại chỗ” được đặt lên hàng đầu

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, triển khai công tác BVR và PCCCR năm 2013, huyện Lệ Thủy đã xây dựng phương án và đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp phù hợp với thực tiễn ở mỗi khu vực có diện tích rừng cần bảo vệ. Phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đã được Lệ Thủy chú trọng đặt lên hàng đầu. Khi cháy rừng xảy ra, chính quyền cơ sở, chủ rừng ở nơi xảy ra cháy phải chủ động huy động mọi lực lượng, phương tiện... tham gia PCCCR. Trường hợp vượt tầm kiểm soát của lực lượng cứu chữa tại chỗ phải khẩn trương báo về Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR của huyện để huy động lực lượng ứng cứu...

Bên cạnh chú trọng phương châm 4 tại chỗ, UBND huyện Lệ Thủy cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân ở gần rừng, hoạt động trong rừng.... khi phát hiện cháy rừng cần phải khẩn trương dập lửa và báo ngay cho lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở nơi gần nhất; Chủ tịch UBND xã, thị trấn, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR các cấp có quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện, dụng cụ trên địa bàn để chữa cháy kịp thời trong trường hợp cấp thiết; lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm cần thực hiện tốt công tác PCCCR; sau khi dập tắt lửa cháy rừng, chính quyền cơ sở, chủ rừng phải tiến hành lập biên bản...

Được biết, ngày 20-3-2013, huyện Lệ Thủy đã tiến hành thành lập Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR cấp huyện gồm 11 đồng chí, bầu 3 đồng chí vào tổ giúp việc của huyện. Bên cạnh đó, tại các xã, thị trấn trong huyện cũng khẩn trương thành lập Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR cấp cơ sở, đồng thời thành lập hàng trăm tổ, đội tại các thôn, bản, chủ rừng...

Ngoài ra, huyện còn thành lập đội liên ngành gồm Kiểm lâm, Quân đội, Công an, Biên phòng để tham gia vào công việc nói trên. Cùng thời điểm này, Lệ Thủy đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 20-3-2013 về việc triển khai các biện pháp quản lý BVR và PCCCR năm 2013; xây dựng Phương án BVR và PCCCR năm 2013.

Một trong những nội dung của chỉ thị, phương án BVR và PCCCR trọng tâm năm 2013 của huyện Lệ Thủy đưa ra, đó là: giao trách nhiệm quản lý cho các trạm kiểm lâm, đưa lực lượng này về tận địa bàn để kiểm tra từ đó tham mưu cho chính quyền cơ sở, chủ rừng thực hiện tốt  công tác BVR và PCCCR; bám sát vào thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng của Trung ương, tỉnh để xây dựng cấp dự báo cháy rừng cho từng vùng, từng khu vực ở huyện; tiến hành tu sửa các chòi canh chính và làm thêm các chòi canh tạm, chăm sóc, tu sửa hệ thống đường ranh cản lửa, phát dọn thực bì trước mùa khô nhằm chủ động PCCC rừng một cách hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về rừng, đặc biệt là những người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, chống người thi hành công vụ; tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến, sử dụng gỗ bất hợp pháp...

                                                              Văn Minh

 

,
.
.
.