Cảnh đời:

Những nỗi đau xuyên suốt cuộc đời

Cập nhật lúc 08:32, Thứ Sáu, 26/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trở về quê sau những năm trận mạc, năm 1975, người thương binh Cao Ngọc Lan lập gia đình với bà Trương Thị Hồng Nghinh, ở thôn 3 Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa. Gần 4 thập kỷ chung sống, đôi vợ chồng này cùng 6 người con phải gánh chịu những nỗi đau xuyên suốt cuộc đời vì bệnh tật và chất độc da cam.

Ông Cao Ngọc Lan đi bộ đội năm 1972, Khi hòa bình lập lại, ông chuyển từ lính bộ binh qua lính công binh sang tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Đó là vùng đất đã từng bị đế quốc Mỹ rải rất nhiều chất độc da cam xuống trong những năm chiến tranh ác liệt. Trong một lần đang làm nhiệm vụ, một quả bom bi phát nổ cướp đi 4 ngón tay trái của ông. Năm 1980, ông trở về nước với chế độ thương tật 41%.

Bà Nghinh cũng là một cựu thanh niên xung phong trong những năm tháng chống Mỹ. Hai ông bà cưới nhau năm 1975 nhưng mãi đến năm 1980 mới sinh được người con trai đầu lòng khỏe mạnh bình thường. Nhưng càng về sau, chân tay của người con này co quắp lại, não bộ không phát triển, cả ngày không nói không cười mà cứ khóc lóc nằm liệt giường một chỗ. Anh vật vã, đau đớn như thế đã 33 năm nay. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh đều do ông bà làm thay hết.

Cả gia đình ông Lan, bà Nghinh đang chịu những nỗi đau xuyên cả cuộc đời.
Cả gia đình ông Lan, bà Nghinh đang chịu những nỗi đau xuyên cả cuộc đời.

Dù con bị tật nguyền nhưng ông bà tự an ủi nhau và sinh đứa thứ 2 năm 1981. Đứa con này khỏe mạnh và phát triển bình thường về thể chất nhưng trí tuệ không phát triển. Tính tình rất nóng nẩy và phát khùng bất cứ lúc nào. Học xong lớp 5, đứa con này cũng bỏ học và nay đã lấy một cô vợ mắc bệnh thần kinh (hưởng chế độ 202). Hai vợ chồng sinh được 3 đứa con nhưng chỉ có một đứa khỏe mạnh, hai đứa còn lại thì thường xuyên bệnh tật đau ốm. Cô vợ bị thần kinh, anh chồng tính khí thất thường nên thường chửi và hành hung vợ.

Cô con gái thứ 3 sinh năm 1983 khỏe mạnh nhưng trí tuệ cũng không phát triển. Người con này còn lấy phải một người chồng mắc bệnh thần kinh (hưởng chế độ 202). Người con trai thứ 4 sinh năm 1985 cũng vậy. Anh cũng lấy cô vợ mắc chứng bệnh thần kinh. Đôi vợ chồng như hai cái xác không hồn suốt đời ăn bám ông Lan, bà Nghinh chứ không làm nổi một việc gì cả. May là họ sinh được đứa con trai khỏe mạnh và khá thông minh.

Người con trai thứ 5 sinh năm 1987 không có dấu hiệu của bệnh tật nhưng cũng chỉ học đến lớp 9 rồi bỏ học để ở nhà giúp đỡ gia đình. Còn cô con gái út sinh năm 1991 cũng đang hưởng chế độ chất độc màu da cam hàng chục năm nay. Cô bé này người to, mập nhưng gương mặt lúc nào cũng bất thần, không biết tự chăm sóc cho bản thân nên cũng trở thành gánh nặng cho gia đình hơn 20 năm nay.

Bà Nghinh gạt nước mắt nói: “Nhìn thấy con cháu đau ốm, khổ cực mà thương. Gia đình tôi lại nghèo nên nhiều khi không đủ lo cơm cháo, thuốc thang cho con được”. Ông Lan tiếp lời vợ: “Thương con rứa nhưng bà có làm được việc chi nặng nhọc mô. Cứ toàn đau ốm rồi lên xuống viện suốt. Tôi cũng thế, mỗi khi trái gió trở trời là vết thương cũ tái phát. Có khi cả nhà đau ốm những vẫn cố gắng chăm sóc lấy nhau”.

Tài sản lớn nhất của gia đình này là 5 con bò nhưng bị trận lũ năm 2010 cuốn trôi hết. Ngôi nhà được các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền tu sửa giờ cũng đã tuềnh toàng dột nát. Nhà còn hai sào lúa, hơn 1 sào ngô nhưng cũng không được chăm sóc chu đáo nên được hay mất mùa cũng nhờ trời. Cách đây gần 10 năm trước, ông Lan vay vốn ngân hàng trồng 2 ha cao su (khoảng 1.000 cây) nhưng năm 2008 bị cháy gần hết. Số cây còn lại đã đến thời kỳ khai thác mủ nhưng nhiều đêm ông vẫn không đi khai thác được vì đau ốm.

Ông Cao Ngọc Uyên, Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết: “Gia cảnh nhà ông Lan vô cùng khó khăn vì cả nhà thường xuyên đau ốm, bệnh tật. Các tổ chức đoàn thể cũng đến thăm hỏi và động viên nhưng vẫn không thể giúp được gì nhiều”. 

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Cao Ngọc Lan xin gửi về địa chỉ: Cao Ngọc Lan, thôn 3 Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa.

                                                                           P. V




 

,
.
.
.