Các trường phổ thông dân tộc nội trú: Gian nan còn ở phía trước

Cập nhật lúc 08:18, Thứ Sáu, 05/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp, 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh ta (1 trường PTDTNT tỉnh cấp THPT, 4 trường PTDTNT ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa cấp THCS) đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Quan trọng hơn, đội ngũ thầy cô giáo đã thực sự trở thành những người cha, người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, tận tâm các em trong học tập và cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, đối với mỗi trường PTDTNT, vẫn còn đó nhiều vất vả, chông gai, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành để hoàn thiện công tác dạy và học nơi đây.

Còn lắm những cái thiếu...

Từ thiếu phòng học, thiếu thiết bị dạy học, thiếu nhà ăn, thiếu nước sạch... cho đến thiếu áo quần... đó là những cái khó mà hầu hết các trường PTDTNT ở tỉnh ta đang gặp phải.

Nằm ngay trên địa bàn TP.Đồng Hới, Trường trung học PTDTNT tỉnh có 11 lớp với 355 học sinh, nhưng trên thực tế trường mới chỉ có 8 phòng học xây từ năm 1991 hiện đang xuống cấp. Thầy Trần Đức Tài, Hiệu trưởng Trường trung học PTDTNT tỉnh, cho biết trường vẫn đang thiếu nhà hiệu bộ, nhà sinh hoạt cộng đồng và phòng họp hội đồng. Bên cạnh đó, khu nhà nội trú dành cho nam sinh lại đang trong tình trạng bị hư hại nặng nề. Mặc dù UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng một khu nội trú mới ngay cạnh, nhưng tiến độ dự án lại khá chậm do phải đợi nguồn vốn từ tỉnh. Vì vậy, để giúp các em vượt qua mùa mưa bão năm nay, nhà trường tạm thời tiến hành giăng bạt che mưa, tu sửa lại giường, nhà vệ sinh, các cánh cửa...

Trường PTDTNT huyện Quảng Ninh (thôn Long Đại, xã Hiền Ninh) mới thành lập từ năm 2009, do đó, khó khăn vẫn còn đang ngổn ngang. Trường có 5 lớp với 137 học sinh, nhưng mới có 8 phòng học và 10 phòng nội trú cho học sinh. Theo thầy Lê Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Quảng Ninh, Trường không có hệ thống phòng chức năng, nên chỉ sử dụng 3 phòng phục vụ công tác giảng dạy, 5 phòng còn lại được sử dụng làm phòng hành chính, thư viện, phòng thiết bị, phòng ăn cho học sinh. Học sinh phải học 2 ca, do đó không đảm bảo được ngày học 2 buổi theo quy định của Sở Giáo dục-Đào tạo đối với các trường PTDTNT. Do điều kiện khó khăn, mỗi phòng nội trú cũng ở từ 10-12 em trong khi theo quy định chỉ được phép ở 6 em trong một phòng. Tin vui cho nhà trường khi sắp tới UBND tỉnh sẽ đầu tư một số công trình quan trọng như nhà ăn, nhà hiệu bộ, tường rào, giảm bớt phần nào khó khăn thầy trò nơi đây đang gặp phải.

Sự xuống cấp của khu nhà nội trú nam  ở Trường trung học PTDTNT tỉnh
Sự xuống cấp của khu nhà nội trú nam ở Trường trung học PTDTNT tỉnh

Trường PTDTNT huyện Bố Trạch (xã Thượng Trạch) cũng nhiều vất vả không kém. Trường có 295 em, chia làm 10 lớp nhưng lại chỉ có 6 phòng học. Nhà ở dành cho giáo viên không chỉ chật hẹp, xuống cấp mà còn thiếu trầm trọng. Với 31 giáo viên nhưng lại chỉ có 7 phòng ở. Trường còn “nổi tiếng” với “ba không”: không điện, không thiết bị nghe nhìn, không gần chợ. Vào buổi tối, thầy trò tận dụng nguồn sáng ít ỏi từ máy phát điện, đèn dầu, nến... để ôn bài và sinh hoạt tập thể. Thiếu điện, các thiết bị nghe nhìn như tivi, máy tính, đài... đều hầu như không được sử dụng. Sắp tới, điện sẽ đầy đủ hơn khi một hệ thống dàn năng lượng mặt trời sẽ được đưa vào sử dụng. Trường cách chợ hơn 50 km đường rừng, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn, do đó, nhà trường phải thuê người đi chợ 3 ngày/lần, giá cả vì thế mà khá đắt đỏ.

Bên cạnh đó, nước sạch được xem là một vấn đề đáng lo ngại ở nhiều trường PTDTNT. Trường PTDTNT huyện Bố Trạch sử dụng nguồn nước từ sông suối, chính vì vậy, việc đảm bảo chất lượng của nước vẫn đang còn bỏ ngỏ. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch, lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ việc thiếu nước sạch lại càng trở nên trầm trọng hơn. Trường PTDTNT huyện Quảng Ninh sử dụng 2 giếng đào và 1 giếng khoan để cung cấp nước. Nhưng nguồn nước từ giếng đào thường xuyên cạn kiệt vào những tháng cuối và đầu năm học, khiến nước sạch đã thiếu lại càng thêm thiếu. Nhà vệ sinh cũng là nỗi lo chung của một số trường PTDTNT. Trường PTDTNT huyện Quảng Ninh chỉ có 1 nhà vệ sinh chung cho 137 học sinh và 27 thầy cô, trong khi đó, công trình vệ sinh của Trường PTDTNT huyện Bố Trạch lại rất tạm bợ, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, vào ngày mưa bão cả thầy và trò lại “cùng khổ”.

Một cái thiếu vô cùng khó nói khác của các em chính là... thiếu áo thiếu quần(!). Theo thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch, 100% học sinh của nhà trường là người dân tộc Ma Coong, kinh tế gia đình rất khó khăn, do đó, nhiều em không có đủ áo quần để mặc, về trường chỉ độc một cái áo, một cái quần. Nhà trường trong điều kiện của mình cũng chỉ đủ để cấp một số ít áo quần cho các em mà thôi, do đó, mong mỏi lớn của học sinh nghèo nơi đây là có đủ áo quần mới, sạch sẽ, thơm tho để đến trường, nhất là trong hoàn cảnh mùa đông sắp đến. Cùng chung cảnh ngộ, học sinh Trường PTDTNT huyện Quảng Ninh chủ yếu đến từ hai xã nghèo miền núi Trường Sơn và Trường Xuân, hoàn cảnh gia đình cũng rất vất vả, khó khăn. Gia đình đủ ăn đủ mặc đã khó, việc mua sắm áo quần mới cho con em đi học lại càng trở nên “xa xỉ” hơn. Em Nguyễn Văn Triền, học sinh lớp 6 (thôn Trung Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) sinh ra và lớn lên trong gia đình có 7 anh chị em. Em tâm sự, được Đảng, Nhà nước cho đi học, em và cả gia đình rộn ràng vui hơn Tết, nhưng “tài sản” gói gọn mà mẹ cho em mang theo khi xuống trường chỉ là một ít áo quần cũ, đã sờn rách gần hết. Học ở trường, em được các thầy cô tặng một chiếc áo trắng mới tinh nguyên, và đó là “tài sản” mà em yêu quý, nâng niu nhất.

Và những cái khó không tên

Đa số học sinh ở các trường PTDTNT trên toàn tỉnh đều là con em dân tộc ít người. Bên cạnh học và nói tiếng Việt, các em cũng thường xuyên sử dụng tiếng dân tộc mình trong giao tiếp với nhau. Chính vì vậy, việc nắm bắt và hiểu rõ tiếng dân tộc của học sinh, để từ đó hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của các em là một việc làm rất cần thiết. Sở Giáo dục – Đào tạo đã kết hợp với Sở Nội vụ tổ chức Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều cho 38/41 cán bộ giáo viên, nhân viên Trường Trung học PTDTNT tỉnh. Tuy nhiên, ở một số trường khác công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy (xã Mai Thủy) hiện mới có 2 thầy giáo được cử đi học lớp tiếng Bru – Vân Kiều. Nhà trường rất mong muốn sẽ có thêm nhiều thầy cô giáo có cơ hội được học tiếng dân tộc để nâng cao chất lượng công tác dạy học và chăm sóc các em.

Trường PTDTNT huyện Bố Trạch may mắn có một thầy giáo người Ma Coong dạy học ở đây. Chính vì vậy, thầy là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa các thầy cô trong Trường và các em học sinh. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch cho biết, thầy cô dù rất cố gắng cùng chỉ mới hiểu từ 30 – 40% những gì các em trò chuyện với nhau, do đó, việc mỗi thầy cô trong trường học và hiểu tiếng người Ma Coong là rất quan trọng. Theo ông Trương Đình Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở đã và đang tích cực đẩy mạnh phối hợp với các phòng giáo dục huyện để tăng cường công tác giảng dạy tiếng dân tộc cho đội ngũ thầy cô giáo trường PTDTNT trên toàn tỉnh. Sắp tới, nhiều lớp dạy tiếng dân tộc sẽ được mở và thu hút số lượng lớn sự tham gia của các thầy cô giáo.

Những chiếc áo trắng quý như “bảo vật” này thường được  các em học sinh Trường PTDTNT huyện Quảng Ninh  để dành mặc vào thứ 2 đầu tuần
Những chiếc áo trắng quý như “bảo vật” này thường được các em học sinh Trường PTDTNT huyện Quảng Ninh để dành mặc vào thứ 2 đầu tuần

Đối với các thầy cô dạy ở các trường PTDTNT, việc dạy học và chăm sóc cho các em khó một, thì việc vận động, thuyết phục các em yên tâm học tập lại khó gấp mười. Trường PTDTNT huyện Bố Trạch trong năm học 2011 – 2012 đã có 30 em tự ý bỏ về bản. Sau quá trình nhà trường kiên trì kết hợp với Bộ đội biên phòng, Già làng, Trưởng bản động viên gia đình và cá nhân mỗi em, đã có 22 em quay trở lại trường học, chỉ có 8 em nghỉ học hẳn. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch cho hay nguyên nhân chủ yếu là do đường xá đi lại khó khăn, thói quen phong tục tập quán có nhiều điểm khác biệt, hơn nữa, do hủ tục ở một số bản khi các em được dựng vợ gả chồng từ khá sớm.

Mặt khác, đối với học sinh dân tộc  thiểu số sau khi hoàn thành bậc học THCS, nếu không đỗ vào Trường trung học PTDTNT tỉnh hoặc các trường THPT khác, các em thường sẽ quay trở lại bản và bắt đầu cuộc sống quẩn quanh như trước đây: đi nương, làm rẫy, lập gia đình sớm... Chính vì vậy, cơ hội việc làm để cải thiện cuộc sống là rất hiếm hoi. Trường PTDTNT huyện Bố Trạch năm học 2011 – 2012 chỉ có 9/45 em đỗ vào Trường trung học PTDTNT tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc 36 em còn lại sẽ chỉ dừng lại ở trình độ cấp THCS mà thôi. Cũng trong năm học này, Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy chỉ có 12/58 đỗ vào Trường trung học PTDTNT tỉnh, 46 em còn lại quay trở về bản làng mình. Thầy Nguyễn Đăng Lực, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy, khẳng định: “Điều này gây khó khăn trong công tác tuyển sinh của nhà trường. Nhiều gia đình cho rằng nếu có đi học, con em họ cũng sẽ lại quay về bản làm nương rẫy, không khác gì không đi học. Do đó, họ khăng khăng cứ ở nhà là khỏe nhất”. Do đó, theo ý kiến của các trường PTDTNT huyện, nên chăng tạo cơ hội để các trường này nâng lên thành cấp 2 – 3 để tránh sự “lãng phí” công sức giáo dục của thầy cô?

Trả lời câu hỏi này, ông Trương Đình Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, cho biết Sở đang xem xét cụ thể vấn đề trên, bởi vẫn còn nhiều khó khăn ở các trường PTDTNT huyện như về cơ sở vật chất, chất lượng học sinh... Hướng giải quyết trước mắt là sẽ phân luồng cụ thể từng đối tượng học sinh, từng vùng miền cụ thể. Học sinh nếu sau khi tốt nghiệp THCS đủ năng lực sẽ tiếp tục học bậc THPT, còn nếu không đủ năng lực hoặc không muốn học lên, có thể sẽ được đào tạo nghề theo nhu cầu của các em và có sự hỗ trợ theo chế độ chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, mặc dù cùng học giáo trình chung theo quy định đối với trường PTDTNT của Bộ Giáo dục – đào tạo, nhưng chất lượng giáo dục ở mỗi trường lại mang những đặc thù riêng. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch, khá lo lắng cho chất lượng học sinh nơi đây bởi trong năm học 2011 – 2012, nhà trường không có học sinh giỏi, 17 học sinh tiên tiến, 263 học sinh trung bình và 3 học sinh yếu. Thầy lý giải do chất lượng đầu vào thấp, sức tiếp nhận của các em còn nhiều hạn chế, học sinh dân tộc lại quen sống hoang dã, cho nên chương trình, phương pháp học còn chưa phù hợp với mức độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi đứng lớp. Chính vì vậy, không chỉ riêng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch mà còn ở các trường PTDTNT khác vẫn rất cần những cải tiến và đổi mới phù hợp trong chương trình, phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh dân tộc, phù hợp hơn với điều kiện hoàn cảnh từng khu vực.

                                                                                       Mai Nhân

,
.
.
.