Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Vấn đề cần quan tâm

Cập nhật lúc 14:11, Thứ Tư, 26/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh chính là giải pháp quan trọng nhất nhằm hạ thấp tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Thế nhưng do nhận thức chưa đúng, nhiều bà mẹ trẻ, gia đình sản phụ vẫn thờ ơ với việc này.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được tỉnh ta triển khai từ năm 2009, đề án chủ yếu tập trung vào phát hiện các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down, hội chứng Edward,  đặc biệt 2 bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là bệnh thiếu men G6PD (nguyên nhân gây bệnh lý di truyền vàng da, dễ tử vong) và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, đây là những dị tật có hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Theo đánh giá, mỗi thai phụ được sàng lọc trước sinh kết hợp với sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% các trường hợp thai nhi bất thường, trẻ sinh ra tránh được nguy cơ mắc các bệnh lý nói trên. Nghịch lý ở chỗ phần nhiều người dân chưa mấy mặn mà với việc làm này, dù nó đem lại lợi ích to lớn cho sức khỏe và sự phát triển của mỗi trẻ thơ.

Có mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, khi được đề cập làm sàng lọc sơ sinh, chị Nguyễn Thi Hoa (Phú Định, Bố Trạch), một sản phụ vừa sinh con ngần ngại: Chưa biết là sàng lọc thế nào, nhưng con chị vừa mới sinh ra non nớt thế mà đã chích lấy bao nhiêu máu thì thấy tội nghiệp lắm. Chị cũng không hiểu việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh có những lợi ích gì, đến đây sinh, bác sĩ hướng dẫn sao thì làm theo thế đó. Các bác sỹ ở đây cho biết, khó khăn ở chỗ, đa phần sản phụ sau khi sinh thường xuất viện sớm trước 24 giờ nên không lấy được máu làm xét nghiệm (vì để xét nghiệm có hiệu quả cao nhất thì mẫu máu cần lấy từ 36-72 giờ sau sinh).

Các bà mẹ cần làm sàng lọc trước sinh và sơ sinh để loại bỏ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Ảnh: B. Ánh
Các bà mẹ cần làm sàng lọc trước sinh và sơ sinh để loại bỏ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Ảnh: B. Ánh

Những sản phụ sinh con lần đầu được các y bác sỹ tư vấn rất kỹ lưỡng rằng, phụ nữ có thai nên theo một lịch cố định để khám và chẩn đoán trước sinh, siêu âm vào 3 thời điểm của tuổi thai là 12, 22 và 32 tuần. Tốt nhất là 12 tuần đo độ mờ da gáy, 14 - 17 tuần làm test sàng lọc, 22 tuần siêu âm hình thai. Trong vòng 2 tháng, không mất nhiều thời gian và không tốn kém, người mẹ có thể biết được chính xác đến 95% thai nhi của mình khỏe mạnh hay có vấn đề gì bất thường. Đó cũng chính là ý thức của mỗi người với sức khoẻ của mình và là trách nhiệm với những đứa trẻ được sinh ra.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là số lượng sản phụ chủ động đi sàng lọc trước sinh và sơ sinh quá thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các bà mẹ đi khám thai đều ở giai đoạn muộn, khi thai đã ngoài 28 tuần tuổi, hoặc đã có biểu hiện nghi ngờ khá rõ, nên hiệu quả của việc can thiệp sàng lọc trước sinh không cao và rất khó giải quyết. Nhiều sản phụ đi khám thai cũng chỉ với mục đích biết con trai hay con gái mà thôi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm tỉnh ta có khoảng 500 đến 600 bà mẹ sinh con bị khuyết tật, dị tật. Trong đó, có rất nhiều trường hợp bác sỹ phát hiện dấu hiệu dị tật nặng của thai nhi và tư vấn bỏ thai, tránh đau đớn cho đứa bé khi sinh ra, tránh gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nhưng nhiều thai phụ không hiểu được mức độ dị tật nặng nên nhất định giữ thai.

Vô hình trung, nó sẽ làm gia tăng tỷ lệ người tàn tật hàng năm. Trong khi nhận thức của người dân vẫn còn thiếu hiểu biết thì nhiều cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng chỉ hiểu sơ sài về vấn đề sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cũng chưa nhiệt tình với việc thực hiện lấy mẫu máu cho trẻ để sàng lọc. Về điều này, Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ cho rằng, mặc dù đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng bằng nhiều hình thức như tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, phát thanh phường, xã, cấp phát tờ rơi, sách, tạp chí… nhưng nhiều chị em vẫn chưa nhận thức được sâu sắc lợi ích, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Ở một số tuyến cơ sở, các hoạt động phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan như Trung tâm Dân số, Trung tâm Y tế và bệnh viện còn hạn chế. Hơn nữa, việc sàng lọc trước và sơ sinh đang được triển khai miễn phí, trong khi kinh phí của chương trình hạn chế nên khi thực hiện các hoạt động tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, thù lao cho cán bộ lấy máu thấp (7.000-10.000 đồng/ca) nên chưa kích thích được cán bộ tại các bệnh viện tham gia lấy máu sàng lọc cho trẻ…

Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đã đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dân số giai đoạn 2010 - 2020. Để đề án triển khai có hiệu quả cao, đạt được các mục tiêu đề ra, rất cần công tác truyền thông của cả cộng đồng, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ truyền thông dân số từ tỉnh đến cơ sở, giúp cho các bà mẹ mang thai sinh ra những đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh…

                                                                                                                B. Ánh

,
.
.
.