Tháng mười ở làng Na...

Cập nhật lúc 14:10, Thứ Hai, 24/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tôi, vốn dĩ không có ý định đến làng Na (Sơn Trạch, Bố Trạch), nhưng rồi lại tình cờ có mặt ở đó trong một ngày tháng mười, khi làng Na mờ mịt trong mưa. Từ bên này nhìn sang bên kia sông Son là khu du lịch Phong Nha, dẫu trong mịt mù mưa gió, vẫn thấp thoáng nét ồn ào, sôi động của cuộc sống qua bóng dáng của những du khách tứ phương. Tôi được Thành, cậu bé làng Na cùng trú mưa trong căn chòi nhỏ buổi trưa hôm ấy, kể rất nhiều chuyện về cuộc sống người dân nơi đây...

Thành bảo, nhà cháu có mười một anh em, cháu là đứa thứ chín. Nhà cháu ở sâu trong làng, đi khoảng một cây số nữa mới đến. Cháu mười sáu tuổi, vừa học xong lớp chín một năm. Hồi xưa làng cháu chẳng có ai học lên đến cấp ba, nhưng giờ thì có khoảng mươi người, vài người nữa học cao hơn rồi về đi dạy, đi làm. Cháu nghỉ học một năm rồi, ở nhà nuôi cá, chèo đò du lịch, làm ruộng, việc chi cũng làm...

Tôi nghe Thành kể chuyện trong khi nước sông Son đục ngầu bởi đang bước vào mùa lũ. Đường đến làng Na nhỏ hẹp và quanh co theo triền sông, chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người lẫn xe sẽ rơi xuống sông với bên bờ dựng đứng. Trước đây vài năm, khi chưa có con đường này, trên 200 hộ với gần 900  khẩu trong làng muốn ra khỏi làng bắt buộc phải đi đò. Những con đò mỏng manh ngày ngày chở học trò qua sông, chở dân làng đi chợ, về trung tâm xã, trạm y tế hay tiễn con gái làng Na đi lấy chồng xa...

Từ ngày có đường, người làng Na vui như mở hội. Học trò thôi không phải tự mình chèo đò qua sông ngày mấy bận để đến trường, con gái, con trai lấy chồng, lấy vợ khác làng, khác xã đã có thể dùng xe máy để đưa dâu, người làng Na ốm đau có thể nhanh chóng ra trạm y tế xã hay về bệnh viện trung tâm ở huyện, học trò tiểu học làng Na đã có một ngôi trường ngay giữa làng... Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trạch, anh Hoàng Minh Chiêm tâm sự: Từ ngày có đường, người làng Na như được đổi đời...
Tôi thấy được sự đổi đời của người làng Na như lời anh Chiêm khi bắt gặp những chiếc xe máy chạy qua, chạy lại trên con đường quanh co dọc bờ sông. Cả khoảnh sân vuông vắn được lát xi măng của gia đình Thành, cậu bé đủ mến khách và bạo dạn để mở cửa căn chòi nhỏ của gia đình và mời tôi vào nhà trú mưa. Thành bảo, mỗi khi vào mùa, nhà cháu đưa lúa, khoai, sắn ra đây phơi. Một ít được mang về cất ở nhà, một ít nữa sẽ được đưa ra chợ trung tâm để bán. Làm ruộng vất vả, có khi chưa kịp thu hoạch đã bị lũ ào về cuốn phăng hết như trận lũ năm ngoái, nước sông Son ngập hết mấy trăm nóc nhà, lúa má, khoai sắn tất cả đều bị đổ ra sông.

Nhiều người làng cháu bỏ nghề làm ruộng và có thêm nghề mới là đưa đò khách du lịch trên sông Son. Bữa cuối tháng chín vừa rồi, chỉ mới mưa sơ sơ mà nhiều nhà ở đây đã ngập gần hết vách... Nhưng mà quen rồi nên nhà cháu và mọi người trong làng chẳng sợ. Cả làng cứ chạy ra chạy vào tránh lũ, hết lũ rồi lại đổ ra sông, ra ruộng làm ăn...

Cái sự “quen rồi” với lũ ấy có lẽ từ thời cha ông của Thành đã vậy. Ông Trần Thanh Chịnh, một cộng tác viên kỳ cựu của Báo Quảng Bình tại xã Sơn Trạch kể cho tôi nghe về nguồn gốc tên làng. Ấy là từ xa xưa, sông Son cũng đỏng đảnh như bây giờ, mỗi năm vài bận dâng nước lên cao nhấn chìm cả ngôi làng nhỏ bé ấy. Hễ nước lũ dâng cao, dân làng lại cùng nhau dọn nhà đến chỗ cao hơn. Khi lũ rút, sông bình yên trở lại, người làng ở nơi mới chợt thấy nhớ bờ sông, nhớ tiếng nước vỗ ì oạp, nhớ tiếng cá quẫy mơ hồ những đêm trăng..., nên lại dắt díu nhau quay về bến sông. “Mỗi lần thay đổi chỗ ở, người dân mang theo mình đủ thứ tài sản. Na, tiếng địa phương có nghĩa là mang theo, mang vác... Nhiều lần chạy tới chạy lui với bao đồ đạc, của nả, tự nhiên làng được gọi là làng Na, đơn giản rứa thôi!”, ông Chịnh hào hứng kể.

Nguyễn Hải Thành, công dân làng Na. Ảnh: Diệp Đồng
Nguyễn Hải Thành, công dân làng Na. Ảnh: Diệp Đồng

Cuộc sống của người làng Na bây giờ đã ổn định hơn dù hàng năm vẫn phải gánh chịu những cơn thịnh nộ của dòng Son. Bên cạnh nghề làm ruộng, chèo đò du lịch, nuôi cá lồng trên sông Son, người làng Na còn biết phát triển đàn dê trên núi. Cả làng hiện có gần 30 hộ nuôi dê, người ít thì dăm ba con, người nhiều thì vài chục con, thu nhập mang lại khá cao. Từ những nguồn thu nhập này, học trò làng Na đã có điều kiện theo học đại học để đi làm thầy giáo. “Cũng còn không ít trẻ con làng Na phải bỏ học như cu Thành, nhưng cùng với sự đổi thay của quê hương, học trò làng Na đã biết phấn đấu để học cao hơn nhằm có cơ hội giúp cha mẹ, anh em, người dân làng Na và bản thân mình đổi đời...”. Anh Chiêm tự hào khoe với tôi về Cao Văn Lệ, đã tốt nghiệp đại học và hiện đang dạy học tại một trường gần nhà cùng nhiều học sinh làng Na đang theo học trung học phổ thông trên địa bàn.

Tôi ngồi trong căn chòi nhỏ, nhìn mưa mù mịt trên sông Son, nhìn Thành mười sáu tuổi mà chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ mươi tuổi ở thành phố vài centimet, chợt thấy thương những đứa trẻ làng Na, cho dù bây giờ chúng không còn phải vất vả chèo đò qua sông đi học. Thương cả làng Na giờ đã có đường nhưng con đường vẫn còn nhiều chênh vênh và mạo hiểm bên bờ sông dựng đứng. Thương người dân nơi đây mỗi năm vài bận chạy lũ và không ít lần bất lực nhìn bao của cải mình đã chắt chiu dành dụm qua bao nắng mưa, bị lũ cuốn ra sông, ra biển...

Nhưng tôi cũng vô cùng khâm phục người dân làng Na khi họ bảo, họ quen rồi với lũ nên chẳng sợ chi. Rằng làng mình ở đây còn đỡ, chứ làng Trằm Mé trên xa kia còn nhiều vất vả hơn nhiều. Làng mình giờ có nhiều nghề, học trò tiểu học có trường ngay giữa làng, như rứa là hạnh phúc lắm rồi...
Tôi tạm biệt làng Na, tạm biệt cậu bé Thành và trở về phố khi trời vẫn mưa dai dẳng. Làng Na mờ dần trong mưa. Liên tục một tuần sau đó, cùng với cả huyện, cả tỉnh, người làng Na phải hai lần chạy lũ. Và tôi chợt nhớ mái tóc trông rất thời thượng của Thành với cái đuôi hao hao một cầu thủ nổi tiếng hay diễn viên Hàn Quốc nào đấy. Tôi nhớ cả nụ cười của cậu khi bảo, nhà cháu quen rồi nên chẳng sợ chi mưa lũ...

Nắng vàng đã trở lại với làng Na. Những ngày này chắc Thành và dân làng đang tất bật thu dọn những ngổn ngang sau lũ. Tháng mười ở làng Na luôn là những ngày đầy khó khăn. Nhưng tôi tin người dân làng Na sẽ vẫn luôn yêu tha thiết và gắn bó đời mình với dòng Son thất thường đỏng đảnh ấy. Con trai, con gái, người già, người trẻ... làng Na sẽ luôn nắm chặt tay nhau để đi qua những thời khắc khó khăn nhất, để tiếp tục nỗ lực, tiếp tục gieo những hạt mầm hy vọng trên đất làng Na.

                                                                                                        Diệp Đồng

,
.
.
.