Tình người trong lũ

Cập nhật lúc 09:53, Thứ Ba, 25/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày này, người quê tôi thở phào bởi trận lũ kép đã qua và nắng vàng đã trải dài từ núi rừng Minh Hóa xa xôi đến những cánh đồng Lệ Thủy. Đi qua những ngày mưa lũ đầy khó khăn, tôi may mắn được gặp những con người bình thường, giản dị và luôn sẵn sàng giang tay nắm lấy tay người trong dòng nước xiết. Sự nổi giận của thiên nhiên thường mang lại những hoang tàn, đổ nát cho đất và người quê tôi, nhưng giữa những hoang tàn và đổ nát ấy, tôi cảm thấy tim mình ấm lên bởi những nghĩa cử cao đẹp của người dân vùng rốn lũ...

9 giờ tối ngày 13-10, tôi nhận được điện thoại của Bích Thủy, cán bộ văn hóa xã Phúc Trạch (Bố Trạch), thông báo lũ đang lên rất nhanh. Thủy thở gấp trong điện thoại, bảo "Giờ em phải sang đài phát thanh để thông báo tình hình mưa lũ khẩn cấp cho bà con...". Ba mươi phút sau tôi gọi lại, trong tiếng mưa rơi ràn rạt qua điện thoại, Thủy nói vội vàng, rằng có một chiếc xe ô tô bảy chỗ ngồi trên đường đi công tác lúc qua ngầm Bến Troóc đang bị nước cuốn trôi. Trai tráng làng em đang bận cứu xe, cứu người. Có gì em thông báo sau...

Sau này tôi được biết, đêm hôm ấy, giữa làn mưa như trút nước và cuồn cuộn lũ về từ thượng nguồn, hơn hai mươi thanh niên xã Phúc Trạch đã nỗ lực để cứu người, cứu xe. Hai chàng trai trẻ là Lưu Văn Hảo (18 tuổi) và Lê Văn Tuấn (16 tuổi) đều ở thôn 1 Thanh Sen, đã không chần chừ khi thấy hai người phụ nữ đang chới với giữa dòng nước, cạnh chiếc xe ô tô. Họ nhanh chóng lao ra giữa dòng để đưa hai người vào bờ an toàn. Và không chỉ có họ mà tất cả những người có mặt tại ngầm bến Troóc đêm hôm ấy, đều nỗ lực hết sức mình để bảo toàn tính mạng và tài sản cho những người bị nạn. Trước đó, cũng tại đoạn ngầm nguy hiểm này, em Phạm Văn Di, học sinh lớp 7A Trường THCS Phúc Trạch cũng đã dũng cảm lao ra giữa dòng nước xiết để cứu một người bạn học cùng lớp thoát khỏi bàn tay của tử thần trong gang tấc.

Cũng ở Bố Trạch, cái chết của bà Trần Thị Điểm (70 tuổi), trú tại xã Sơn Trạch, đã để lại cho người dân nơi đây niềm tiếc thương lớn. Sáng 16-10, khi nước sông Son đang "rất hỗn", sau khi thu dọn xong nhà mình, thương hàng xóm neo người, bà Điểm chạy qua để giúp. Người hàng xóm của bà là ông Trần Quang Hoành bị tai biến hiện đang ngồi xe lăn. Trong khi bà Điểm cùng người nhà ông Hoành khuân vác đồ đạc tránh lũ thì chẳng may bà trượt chân ngã. Bà được mọi người đi cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong vào lúc 23 giờ cùng ngày. Đám tang của bà được cử hành trong những ngày mưa lũ đã có mặt rất đông người dân thôn Xuân Sơn và xã Sơn Trạch...

Trung úy Nguyễn Văn Quý đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Ngọc Mai
Trung úy Nguyễn Văn Quý đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Ngọc Mai

Và tại rốn lũ Lệ Thủy, ngày 17-10, trong lúc cùng đồng đội cứu dân đang bị con nước hung dữ bao vây, trung úy Nguyễn Văn Quý thuộc Đội cảnh sát giao thông huyện Lệ Thủy, đã bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Trước đó, anh và đồng đội của mình đã đưa được hàng chục người dân đang bị kẹt lại ở những khu vực nguy hiểm nhất đến nơi an toàn. Cũng trong ngày này, tại huyện vùng cao Minh Hóa, anh Trương Thanh Tâm, (28 tuổi) cán bộ thôn 4 xã Tân Hóa, trong lúc đi chỉ đạo và hỗ trợ bà con chống lũ, đã bị điện giật chết. Anh mất đi để lại vợ trẻ và hai đứa con thơ dại cùng sự cảm phục và tiếc thương rất lớn của người dân nơi đây.

Trước đó, trong đợt mưa lũ cuối trong các ngày 29 và 30-9, tại huyện Quảng Trạch cũng đã xảy ra hai cái chết thương tâm là ông Phạm Văn Toàn, nhân viên bảo vệ Trường tiểu học số 1 Quảng Lưu và ông Hoàng Thanh Vương (xã Cảnh Hóa). Cả hai người đều bị thương trong quá trình hỗ trợ cán bộ, giáo viên nhà trường gia cố trường lớp để chống mưa lũ và đã tử vong do vết thương quá nặng. Các cô giáo Trường mầm non Cảnh Hóa kể lại, do nhà trường chỉ toàn là cô giáo nên trong quá trình thu dọn trường lớp rất khó khăn. Thương các cháu học trò, thương các cô giáo, ông Vương đã tình nguyện giúp sửa mái nhà và không may bị thương dẫn đến tử vong...

Những ngày này thời tiết đã đẹp hơn. Và gia đình ông Trương Ngọc Tỉu là thân nhân liệt sĩ tại xã Đồng Trạch (Bố Trạch) đã cảm thấy ấm áp và yên lòng hơn khi ngôi nhà cũ bị hư hỏng nặng do gió lốc trong ngày 16-10, đã được bà con xóm giềng nhanh chóng sửa sang, khắc phục ngay trong đêm. Cùng với gia đình ông Tỉu,  gia đình bà Cát, một hộ cận nghèo, cũng đã được những bàn tay ấm áp của người dân nơi đây sửa sang sau cơn lốc ấy. Và 7 hộ gia đình khác bị thiệt hại trong cơn lốc cũng đã được chính quyền và nhân dân xã Đồng Trạch chung tay hỗ trợ. Đi qua những mùa lũ, những tấm lòng, những việc làm cao đẹp ấy đã giúp người dân quê tôi gần gũi và yêu người, yêu đời hơn...

Khi tôi đang viết bài này thì bạn tôi, một cô giáo ở Minh Hóa gọi điện bảo, trường mình tổ chức cho cán bộ giáo viên và học trò đi tình nguyện ở Tân - Thượng Hóa. Và tôi, đôi khi chợt thấy mình có lỗi bởi ý nghĩ, thiên tai ấy, dù gieo rắc nhiều đau thương, mất mát, nhưng bù lại, qua thiên tai, tôi và mọi người như được tiếp thêm niềm tin và tình yêu cuộc sống từ những người dân vùng lũ với những nghĩa cử và tấm lòng cao đẹp...

Ngọc Mai

 

 

,
.
.
.