.

Sức sống của dòng tranh cổ động

Thứ Bảy, 17/01/2015, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt, dòng tranh cổ động chính là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho ý chí xã hội ở khắp mọi miền đất nước. Đối với quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”, sức sống của dòng tranh cổ động lại càng lan tỏa và mãnh liệt hơn, góp phần bồi dưỡng một thế hệ họa sĩ tài năng, luôn bám sát thực tiễn chiến đấu, lao động sản xuất và phát huy cao nhất sức tác động của các tác phẩm nghệ thuật đối với quần chúng nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới, dòng tranh cổ động vẫn nỗ lực duy trì sự ảnh hưởng của mình bất chấp những khó khăn về kinh tế hay sự thay đổi trong nhận thức người dân.

Đã có một thời tranh cổ động là một trong những nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ nhất của người dân
Đã có một thời tranh cổ động là một trong những nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ nhất của người dân

Những họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động tỉnh nhà, gắn bó chặt chẽ với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, như: Tăng Tâm, Thế Hà... , đã góp phần không nhỏ trong việc truyền “ngọn lửa” tinh thần nhiệt huyệt của cuộc chiến tranh vệ quốc đến với lớp thanh niên. Đã có thời kỳ, chỉ cần nhìn vào một bức tranh cổ động thôi cũng đủ để thanh niên hăm hở khoác súng lên đường đánh giặc. Đó là các bức “Anh đi bảo vệ xóm làng/Đồng xanh tăng vụ mùa màng em lo”, bức “Tiễn chồng đi bộ đội”... Tranh cổ động đã thực sự là “người lính” xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa cho dù được vẽ trên pano, tường vôi hay thậm chí trên những bức tường nhà cháy nham nhở vì bị bom Mỹ tàn phá.

Những năm tháng sau khi chiến tranh kết thúc, các họa sĩ lại hăm hở tuyên truyền cho công cuộc xây dựng kiến thiết quê hương với bao đam mê, nỗ lực. Họa sĩ Lê Anh Tân gắn bó với dòng tranh cổ động từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Từ tác phẩm đầu tay năm 1978 “Nhanh chóng cải tạo mặt bằng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp” đạt giải A cuộc thi vẽ tranh cổ động về “Tiết kiệm xây dựng quê hương giàu đẹp” do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức, cơ duyên gắn bó với dòng tranh cách mạng này đã đến với họa sĩ Lê Anh Tân. Từ đó, ông ngày càng đam mê sáng tạo nhiều hơn với những tấm tôn và sơn màu để từ đó cho ra đời hàng trăm tác phẩm tranh cổ động có giá trị. Tiêu biểu có 2 tác phẩm “Hòa bình” và “Không được sản xuất bom” được vinh dự tham gia triển lãm tại Liên Xô trong đợt thi tranh cổ động quốc tế “Đấu tranh vì hòa bình”. Đề tài tranh cổ động của họa sĩ Lê Anh Tân rất đa dạng, theo sát cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày của bà con nhân dân, như về hậu quả của chiến tranh, các ngày kỷ niệm lớn, sản xuất nông nghiệp, an toàn giao thông, trẻ em... Bên cạnh chuyển tải nội dung thông điệp, ông rất chú trọng ý tưởng và sự độc đáo, mới lạ trong tác phẩm của mình, hạn chế tối đa sự nhàm chán, đơn điệu dễ gặp ở dòng tranh này.

Vẽ tranh cổ động từ năm 1974, họa sĩ Quang Hiếu (SN 1949, TP. Đồng Hới) có thế mạnh ở trình bày chữ với các kiểu chữ không chỉ đẹp, mà còn rất sáng tạo và có sức lôi cuốn mạnh mẽ người xem. Ông chia sẻ, đối với dòng tranh này, người họa sĩ cần nắm vững các quy tắc về bố cục, đường nét và màu sắc, đồng thời chú trọng đến vai trò của tính Đảng trong tác phẩm của mình. Trong hàng trăm tác phẩm tranh cổ động đã vẽ, họa sĩ Quang Hiếu nhớ mãi bức tranh ông vẽ năm 1992 về kỷ niệm 20 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với kích thước hơn 40 m2 được treo tại khu vực biển Hải Thành, TP.Đồng Hới. Bức tranh đã tạo sự chú ý mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, đặc biệt là các vị khách du lịch quốc tế.

Trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ, trong dòng chảy thời đại ngày nay, chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, dòng tranh cổ động vẫn duy trì một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu sân chơi chuyên nghiệp cho họa sĩ đam mê dòng tranh này. Theo họa sĩ Lê Anh Tân, ngoài một số ít triển lãm khu vực, toàn quốc, trong tỉnh hầu như rất hiếm hoi các cuộc thi theo chủ điểm về tranh cổ động, tạo điều kiện cho họa sĩ trẻ phát huy sở trường của mình. Và nhất là mối lo chung của giới mỹ thuật tỉnh nhà khi vẫn chưa có được một địa điểm thích hợp, chuyên nghiệp hơn để trưng bày tranh, góp phần đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng.
Nhiều nguyên nhân đã khiến cho các họa sĩ trẻ ít mặn nồng với dòng tranh cổ động, chỉ còn lớp họa sĩ già là vẫn mê mải trên con đường tranh.

Cũng không thể phủ nhận một thực tế là sự quan tâm của công chúng đối với dòng tranh này không còn như trước đây. Họ luôn đòi hỏi một tầm cao mới của tranh cổ động, không lặp lại những lối mòn xưa cũ và lấy thước đo sự sáng tạo, mới mẻ trong thông điệp truyền tải để đánh giá sức sống của từng bức tranh. Và đó chính là động lực để các họa sĩ tranh cổ động tỉnh nhà không ngừng nỗ lực vươn lên trong sáng tạo.

M.N