.

Một gia đình làm nghệ thuật sớm hội nhập quốc tế

Chủ Nhật, 11/01/2015, 07:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1987, ở tuổi bốn mốt, đại úy Phan Văn Báu, trưởng phòng văn hóa văn nghệ cơ quan bộ tư lệnh biên phòng nghỉ chế độ. Từ Hà Nội trở về quê, ông làm nhà bên con suối nhỏ ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh. Cuộc sống vật chất giai đoạn đó vô cùng khó khăn. Để mưu sinh và nuôi vợ cùng bốn con nhỏ, sẵn nghiệp vụ nhiếp ảnh thời quân ngũ, viên cựu đại úy mở hiệu ảnh phục vụ nhu cầu của công nhân và bà con trên địa bàn. Thế là, từ một phóng viên ảnh, ông Báu đã có một ‘bước lùi tạm thời”, làm thợ ảnh.

Tác phẩm: Đốt rừng (Huy chương đồng quốc tế) Tác giả: PHAN VĂN BÁU
Tác phẩm: Đốt rừng (Huy chương đồng quốc tế) Tác giả: Phan Văn Báu

Nhưng, lòng đam mê nghệ thuật luôn âm ỉ trong lòng. Khi cuộc sống tạm ổn, vừa hành nghề mưu sinh ông vừa tranh thủ sáng tác. Mười năm sau, con gái đầu của ông xây dựng gia đình với Hoàng An, một quân nhân xuất ngũ. Sau một thời gian quăng quật qua vài nghề nặng nhọc, Hoàng An ‘bái’ nhạc phụ làm “sư phụ” để theo nghề ảnh. Ông Báu đem hết kỹ năng nghề nghiệp và lòng đam mê nghệ thuật truyền cho con rể. Có lẽ, nhờ tiềm tàng sẵn năng lượng sáng tạo, nên khi “bập” vào nghề nghiệp, Hoàng An say mê ngay. Ông Báu tâm sự: “Tôi mê nghệ thuật nhiếp ảnh rồi truyền lại cho con rể mình, không ngờ nó còn mê hơn tôi nữa”. Đối tượng sáng tạo của hai bố con cựu chiến binh này đơn giản là mảnh đất, con người quê hương. Cho đến thời điểm này, hai nghệ sĩ đã sở hữu một gia tài đồ sộ những bức ảnh danh lam thắng cảnh, đất nước, con người Quảng Bình. Đó là những ghi chép chân thực về đối tượng phản ánh, nhưng thăng hoa cảm xúc, cùng với lao động nghệ thuật nghiêm cẩn có sự hỗ trợ của tiến bộ kỹ thuật. Kết quả là, bắt đầu từ giữa thập niên đầu thế kỷ, hai bố con thi nhau ẵm giải, từ tỉnh, khu vực, đến quốc gia và quốc tế.

Không dừng lại ở sản phẩm và vinh quang, với tuổi đời tuổi nghề vừa đủ độ chín, Hoàng An chủ động hội nhập thế giới, mạnh dạn tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế và lập tức gặt hái thành quả: Hàng chục bức ảnh nghệ thuật được chọn triển lãm tại các cuộc thi ảnh quốc tế ở nhiều châu lục. Như một hiệu ứng lan tỏa ngược, nghệ sĩ Phan Văn Báu cũng đưa tác phẩm của mình vượt biên giới thử sức với bạn bè năm châu. Năm 2014 đóng đinh thành quả sáng tạo của họ: Cả hai người đều đoạt giải ở các cuộc thi ảnh quốc tế tầm cỡ: Hoàng An nhận giải quốc tế FIAP do Liên đoàn nhiếp ảnh Thổ nhĩ Kỳ tổ chức và bằng danh dự của tổ chức nhiếp ảnh quốc tế FIAP tại Cộng hòa Sec. Sắp bước sang tuổi “cổ lai hy”, Phan Văn Báu bước lên bục danh dự nhận huy chương đồng quốc tế Môi trường xanh do câu lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định và CLB nhiếp ảnh không biên giới Pháp tổ chức.

Tác phẩm: Nỗi đau chiến tranh      Tác giả: Hoàng An
Tác phẩm: Nỗi đau chiến tranh                    Tác giả: Hoàng An

Chưa hết, niềm đam mê sáng tạo “phủ sóng” khắp gia đình nghệ sĩ. Từ chỗ chỉ chuyên “giữ trại” và phục vụ cho bố và chồng trước những chuyến đi, tay máy Phan Thị Hà Thanh bước đầu sáng tác và đã gây được ấn tượng trong làng ảnh nghệ thuật.

Bốn người con của Hoàng An từ năm tuổi đến mười bảy tuổi đều “biết” cầm máy, thành thạo kỹ năng nhiếp ảnh và bắt đầu phát lộ niềm đam mê nghệ thuật.

Dân gian nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Năm mới, cầu chúc cho gia đình lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Văn Báu tiếp tục gặt hái thành công trên địa hạt sáng tạo nghệ thuật và quảng bá nét đẹp quê hương Quảng Bình ra với cả nước và thế giới.                                                                              

Nguyễn Thế Tường