.

Nhiếp ảnh Quảng Bình và sân chơi lớn

Thứ Hai, 12/01/2015, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, phong trào nhiếp ảnh Quảng Bình đã có nhiều tiến bộ mới tại các cuộc thi ảnh quốc gia, quốc tế và khu vực. Đó là điều đáng mừng khi họ được trải nghiệm ở sân chơi lớn.

Tuy còn có những bỡ ngỡ ban đầu và số lượng, chất lượng đang ở mức khiêm tốn nhưng những gì mà các nhà nhiếp ảnh Quảng Bình đạt được là rất đáng khích lệ. Đây được xem là bước kế tục truyền thống tốt đẹp của lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh đàn anh đi trước.  Việc tìm đến thử sức ở các cuộc thi lớn được đánh giá cao bởi chữ tâm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Bởi chỉ có thể tham gia khi người cầm máy biết say mê nghề nghiệp, biết cháy hết mình cho ngọn lửa say mê bao lâu nung nấu. Phải nói rằng trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin, sự tối tân hiện đại của máy ảnh kỹ thuật số, người nghệ sĩ nhiếp ảnh có những thời cơ và thuận lợi hơn so với thế hệ những người nghệ sĩ đàn anh lớp trước.  

Chưa thể khái quát hết được những thành tựu của phong trào nhiếp ảnh Quảng Bình qua một bài báo nhỏ, nhưng với những thông tin ban đầu có thể kể tới những tác giả có được tác phẩm trình làng tại sân chơi lớn như Văn Báu, Thành Vương, Hoàng An, Đức Thành, Ngọc Thái, Bùi Cường... Trong số họ mỗi người đến với các cuộc thi ảnh quốc gia, quốc tế và khu vực bằng một con đường khác nhau nhưng họ có chung niềm say mê nghề nghiệp. Vượt qua bao nỗi gian khó của điều kiện kinh tế-xã hội nơi tỉnh lẻ, họ đã mạnh dạn dám thử sức mình ở sân chơi mới. Một trong số họ bộc bạch tâm sự: “Phải say mê nghề nghiệp mới bước vào thử nghiệm sân chơi này. Thường thì các tác giả khi tham gia các cuộc thi quốc tế phải nộp lệ phí trên dưới 1 triệu đồng. Phần thưởng đưa lại là niềm vui khi có tác phẩm đoạt giải". Nhà nhiếp ảnh Hoàng An thổ lộ: “Khi tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế, chúng tôi rất vui bởi có một ban tổ chức làm việc hết sức chuyên nghiệp, một ban giám khảo hết sức công tâm. Một sân chơi rất đáng học hỏi để biết, mình đang đứng ở đâu”.

Tác phẩm: Hồn nhiên                                                 Tác giả: Hoàng An
Tác phẩm: Hồn nhiên                              Tác giả: Hoàng An

Năm 2014 ở các cuộc thi quốc tế, Hoàng An, Văn Báu đã có được những thành công nhất định. Hai năm trước, Hoàng An đã bắt đầu dự thi ảnh quốc tế. Tác phẩm đầu tay anh đạt được là “Tung cánh” được triển lãm tại cuộc thi do CLB Sài gòn- Gia Định tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên đoàn nhiếp ảnh quốc tế. Đến đầu năm 2013, Hoàng An gửi tác phẩm dự thi ảnh quốc tế tại Mỹ. Anh tiếp tục gặt hái thành công khi có 3 tác phẩm vào triển lãm gồm “Nỗi đau chiến tranh”, “Tung cánh”, “Lối về”. Tiếp theo anh gửi tham gia tại Secbia, tại đây có những tác phẩm được triển lãm gồm “Đến trường”, “Bếp nồng”, “Nỗi đau của mẹ”, “Hồn nhiên”... Cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam 2013 do Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế tổ chức thu hút 15.360 tác phẩm đến từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hoàng An có 3 tác phẩm được triển lãm.

Đầu năm 2014, Hoàng An và Văn Báu tham gia cuộc thi ảnh quốc tế: “Môi trường xanh” do CLB Nhiếp ảnh Sài Gòn-Gia Định và CLB Nhiếp ảnh Không biên giới của Pháp tổ chức. Với tác phẩm “Đốt rừng”, tác giả Phan Văn Báu đã vinh dự giành được huy chương đồng. Đây được xem là dấu ấn đáng ghi nhớ với sự nghiệp nhiếp ảnh của Văn Báu. Phản ánh về môi trường xanh, Văn Báu có góc nhìn độc đáo. Thay cho việc ca ngợi cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, anh tìm đến vấn đề lên án hành động tàn hại môi trường. Nạn đốt phát rừng do con người gây ra thật rùng rợn! Với tác phẩm này lần đầu tiên trong bước đường sáng tạo nghệ thuật, Văn Báu đã đoạt giải quốc tế. Hoàng An có tác phẩm “Xả khói” được triển lãm. Tháng 4 năm 2014, với tác phẩm “Hoa lúa”, Hoàng An đã giành giải đặc biệt tại cuộc thi ảnh quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ và Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế tổ chức.

Mới đây nhất ở cuộc thi ISF WORLD CUP 2014 là cuộc thi ảnh kỹ thuật số quốc tế do ISF (Hình ảnh không biên giới) tổ chức, việc chấm ảnh sẽ được thẩm định cùng một thời điểm tại 6 quốc gia (Cộng hòa Síp; Pháp; Ý; Tây Ban Nha; Ukraina; Việt Nam) với 6 ban giám khảo độc lập. Tại cuộc thi này, Hoàng An có 12 tác phẩm được chọn triễn lãm ở 6 quốc gia, Văn Báu có 13 tác phẩm được triển lãm ở 6 quốc gia.

Nói tới những tác giả nhiếp ảnh Quảng Bình có mặt tại các cuộc thi ảnh quốc tế, chúng tôi nghĩ ngay đến tác giả Đức Thành. Anh vốn là nhà quản lý giàu kinh nghiệm, hiện đang là Giám đốc khách sạn Đường sắt. Đức Thành đến với nhiếp ảnh do một sự tình cờ. Anh kể: “Trước đây tôi làm quen với nhiếp ảnh vì hoạt động trên lĩnh vực thi đua khen thưởng của ngành Đường sắt. Trong một lần con tàu Việt Nhật ESI đi qua địa phận ngầm Vĩnh Tuy, nhìn thấy các toa tàu dán ảnh hoa anh đào rất đẹp, tôi chụp được khoảng khắc ấy và đặt tên ảnh là Sắc màu. Bức ảnh đã giành được giải nhất tại cuộc thi ảnh trong dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt- Nhật”. (21-9-1970 - 21-9-2013). Giải thưởng là một máy ảnh trị giá trên 30 triệu đồng. Tất nhiên, quan trọng hơn với tác giả Đức Thành, đó là thành quả đầu tiên của niềm say mê nhiếp ảnh nghệ thuật. Nhiếp ảnh đưa đến cho Đức Thành những khám phá mới mang tính văn hóa cao. Bởi vốn tri thức và hiểu biết cùng năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh đã giúp cho Đức Thành rất nhiều trong khi cầm máy. Những cuộc thi tiếp theo mang đến cho Đức Thành niềm tin mới trên bước đường hoạt động nhiếp ảnh. Với tác phẩm “Trao truyền”, Đức Thành đã chuyển đến người xem ý tưởng sâu sắc về việc phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Tác phẩm đã được triển lãm tại cuộc thi Việt Nam đất nước con người lần thứ 6 năm 2014 do báo ảnh Việt Nam tổ chức.

Đức Thành luôn trăn trở nhiều đề tài qua nhiều chuyến đi thực tế. Anh rất có duyên với những đề tài về bản sắc văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên. Tuy xuất hiện chưa nhiều nhưng mỗi khi xuất hiện là anh đã đưa đến cho người xem những tác phẩm chững chạc mang tính nhân văn và triết lý sâu sắc qua những tác phẩm như: “Âm vang giữa đại ngàn Trường Sơn” (tác phẩm được triển lãm tại cuộc thi ảnh Sắc màu các dân tộc Việt Nam); “Mưu sinh” (tác phẩm được triển lãm tại cuộc thi ảnh do CLB Sài Gòn-Gia Định tổ chức được nhiếp ảnh quốc tế bảo trợ); Bên cạnh đó những tác phẩm về cảnh đẹp thiên nhiên như “Sơn thủy hữu tình” hoặc phản ánh công cuộc đổi mới của thành phố Đồng Hới như “Thành phố lên đèn” đã cho thấy niềm say mê nhiếp ảnh và nhiều triển vọng của Đức Thành. Hy vọng anh sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai khi anh tiếp tục có mặt tại sân chơi lớn.

Năm 2014 cũng ghi nhận một năm có nhiều thành công của nhà nhiếp ảnh Thành Vương. Đặc biệt với tác phẩm: “Gái Thượng Phong” nhà nhiếp ảnh Thành Vương đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2014 do tạp chí Vietnam Herltage tổ chức. Bức ảnh nói về các cô gái Thượng Phong đang nỗ lực trên đường về đích trong lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy-quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng với tác phẩm này, tác phẩm: “Quê ngoại” được đánh giá cao tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Di sản Việt Nam. Nói về tác phẩm: “Quê ngoại”, nhà nhiếp ảnh Thành Vương tâm sự: “Quê tôi vốn là vùng chiêm trũng. Khi mùa gặt xong bà con thu gom rơm rạ xây thành từng ụ. Đây là một cách dự trữ thức ăn cho trâu bò khi lũ lụt về, mùa đông đến mà không phải đốt gây ô nhiễm môi trường”. Bức ảnh đẹp đến mê hồn. Phải có tình yêu nông thôn đến say lòng và có đôi mắt tinh tế của người nghệ sĩ nhiếp ảnh, tác giả Thành Vương mới sáng tác nên tác phẩm đặc sắc này. Cùng với Thành Vương, Ngọc Thái có bộ ảnh: “Động Thiên đường” được triển lãm tại cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam, Bùi Cường với tác phẩm: “Phút giải lao” đoạt HCB tại liên hoan ảnh Bắc miền Trung...

Hẳn rằng khi tham gia sân chơi lớn, các nhà nhiếp ảnh tỉnh nhà không tránh khỏi những khó khăn về hàng rào ngôn ngữ, khả năng kinh phí và cả kinh nghiệm sáng tác. Tuy nhiên với quyết tâm cao họ sẽ vượt qua những trở ngại và đạt được thành công cao hơn.

Phong trào nhiếp ảnh Quảng Bình tại các cuộc thi ảnh quốc gia, quốc tế và khu vực đã có những tiến bộ mới. Tất cả những tác phẩm nhiếp ảnh của các tác giả nhiếp ảnh Quảng Bình đã góp phần quảng bá giới thiệu bản sắc văn hóa vẻ đẹp quê hương, đất nước con người Quảng Bình cho bạn bè  trong nước và quốc tế biết tới. Những thành công bước đầu của nhiếp ảnh Quảng Bình tại sân chơi lớn là đáng ghi nhận.  Mong rằng các nhà quản lý nghệ thuật tỉnh nhà và các ngành hữu quan cần động viên khuyến khích để rồi có nhiều hơn nữa những tác phẩm xuất sắc tại sân chơi lớn.                                  

Phan Hòa