.

Tinh hoa nghệ nhân dân gian Quảng Bình

Thứ Năm, 08/01/2015, 13:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua hơn bốn trăm năm lịch sử, mảnh đất Quảng Bình là chiếc nôi nuôi dưỡng nhiều loại hình văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc, bất chấp sự khó khăn, vất vả bội phần từ thiên tai, địch họa. Từ điệu hò thuốc Minh Hóa, ca trù Quảng Trạch, cho đến tiếng trống tuồng Phú Trạch, Hưng Trạch, điệu hò biển hào sảng Nhân Trạch, Bảo Ninh hay những làn điệu ca Huế từ làng cổ Quảng Xá và làn điệu hò khoan Lệ Thủy chan chứa ân tình.... tất cả đã đủ nói lên sự phong phú, đa dạng của kho tàng dân gian đó. Các nghệ nhân dân gian-người góp phần không nhỏ trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của các làn điệu, câu hò-chính là những “di sản sống” cần được tôn vinh trong cộng đồng. Và cuốn sách “Nghệ nhân dân gian Quảng Bình với duyên nghiệp cầm ca” ra đời cũng từ mục đích trên.

Ngay từ phần đề tựa, ban biên tập của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh đã khẳng định ý nghĩa mà cuốn sách muốn hướng đến, đó là “để nói lên một điều rằng, dù cuộc sống còn lắm xô bồ và nhiều cam go, gian khổ, nhưng người dân Quảng Bình vẫn nuôi bền chí khí và sức bám trụ với mảnh đất cha ông, đạp bằng chông gai, kiên cường khai thiết, gây dựng nên để có được hôm nay. Có được điều đó, trước hết họ lấy câu ca tiếng hát để tự thúc giục mình lúc cày sâu cuốc bẫm, khi kéo lưới tung chài, động viên bà con chòm xóm cùng nhau  chí thú làm ăn...” Chính vì vậy, cuốn sách đã dành trọn vẹn nội dung để viết về quá trình gắn bó với duyên nghiệp cầm ca của các nghệ nhân, đi sâu vào những nỗi băn khoăn, trăn trở, mong ngóng của họ để có thể trao truyền nhiều hơn vốn quý dân gian đến các thế hệ sau. Nếu phần 1 của cuốn sách viết về những nghệ nhân quá cố với sự ngưỡng vọng, thì phần 2 mang tính giới thiệu về sự đóng góp của các nghệ nhân tiêu biểu thuộc nhiều loại hình văn nghệ dân gian, như: hát ví đúm, tuồng bội, ca trù, hò biển, dân ca Bình Trị Thiên...

Nghệ nhân Phạm Ngọc Thức trình diễn tại buổi gặp mặt nghệ nhân dân gian tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ 1
Nghệ nhân Phạm Ngọc Thức trình diễn tại buổi gặp mặt nghệ nhân dân gian tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ 1

Chân dung các nghệ nhân đã mất hiện lên trong cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc không chỉ bởi tình yêu, sự đam mê của các cụ dành cho văn nghệ dân gian, mà còn bởi sự quyết tâm phải bảo tồn “ngọn lửa” đó trong lớp trẻ đi sau. Nghệ nhân dân gian Việt Nam Phạm Thị Thứu (Quảng Phương, Quảng Trạch) mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng đã cùng các cụ ông, cụ bà khác đóng góp kinh phí, công sức, dàn dựng và biểu diễn một số bài ca trù, làm sống lại ca trù trong đời sống sinh hoạt của làng Đông Dương. Lúc sinh thời, cụ Phạm Thị Thứu rất tích cực truyền dạy từng làn điệu ca trù cổ cho các thành viên của Câu lạc bộ ca trù Đông Dương và ngay cả trước khi qua đời, cụ vẫn không quên công việc đầy đam mê đó của mình. Chị em cố nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Hưng và Nguyễn Thị Hội (Châu Hóa, Tuyên Hóa) cùng nhau tâm huyết truyền dạy các làn điệu, hát múa cho các thành viên Câu lạc bộ ca trù Phong Châu, góp phần duy trì và bảo tồn vốn ca trù đã có từ xa xưa của cha ông. Hay như nghệ nhân Trương Văn Xăng (Xuân Thủy, Lệ Thủy), từng biểu diễn hò khoan giã gạo đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê, đã dành trọn cuộc đời mình cho làn điệu của quê hương. Lúc sinh thời, ông tham gia tích cực vào câu lạc bộ văn nghệ thị trấn Kiến Giang và truyền dạy cho hơn 20 con, cháu của mình biết hò khoan.

Phần hai của cuốn sách “Vang vọng điệp khúc dân ca” bên cạnh giới thiệu các nghệ nhân tiêu biểu đã thành danh, như: Trần Khánh Nguyên, Đinh Thị Phương Đống, Phạm Ngọc Thức, Hồ Văn Thể, Phạm Thị Niếu..., còn phác họa chân dung của một số nghệ nhân tuy còn chưa biết đến nhiều, nhưng đã dành bao tâm huyết cho văn hóa văn nghệ dân gian. Nghệ nhân Nguyễn Lương Ngọc (SN 1952, Nam Lý, TP.Đồng Hới) gắn bó với thể loại tấu vè ngay từ khi còn là nồng cốt của đội văn nghệ xã. Các bài tấu đặc sắc của ông biểu diễn, gồm: “Lão dân quân kể chuyện”, “Anh sây”... đã mang lại tiếng cười, niềm lạc quan cho đồng bào trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Sau chiến tranh, đời sống gia đình khó khăn, dù phải làm nghề lái xe ôm để có kế sinh nhai, ông vẫn dành phần lớn thời gian, tâm sức để nghiên cứu các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên và viết kịch bản, dàn dựng tiểu phẩm cho nhiều đơn vị tham gia dự thi. Ông đã góp phần bồi dưỡng một lớp diễn viên chưa từng biết một làn điệu dân ca nào, trở thành những người giỏi về văn nghệ dân gian truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quảng (1952, Trung Trạch, Bố Trạch) cũng đến với dân ca từ những năm tháng tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên đất quê hương. Những sáng tác tự biên-tự diễn của ông về chính đời sống lao động, sản xuất chiến đấu của bà con kết hợp với các loại hình dân ca đã có một sức hấp dẫn mãnh liệt với bà con, chiến sĩ. Nay, dù đã bước sang tuổi 62, nhưng nhiệt huyết truyền lửa vẫn chưa hề tắt, ông tiếp tục miệt mài hướng dẫn, truyền bá vốn kiến thức về các làn điệu dân ca cho đồng nghiệp, thế hệ trẻ. Và còn nhiều gương mặt tiêu biểu khác của nghiệp cầm ca đất Quảng được cuốn sách nhắc nhớ đến với sự tôn vinh, như: Trần Biền, Dương Thị Điểm, Nguyễn Thị Chuyện, Phạm Thị Tơn...

Cuốn sách “Nghệ nhân dân gian Quảng Bình với duyên nghiệp cầm ca” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh biên soạn được ví như một lát cắt nhỏ về những con người âm thầm dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật dân gian. Cuốn sách càng mang giá trị hơn khi ra đời trong bối cảnh cả nước đang tiến hành trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho những nghệ nhân tiêu biểu nhất. Vẫn còn rất nhiều điều phải làm để vinh danh họ bên cạnh cuốn sách đơn sơ này và những người hoạt động trong công việc văn hóa văn nghệ đang mong ngóng, chờ đợi các công tác tri ân ý nghĩa hơn thế.

Mai Nhân