.

Neo đậu "bến xưa"

Thứ Sáu, 09/01/2015, 09:46 [GMT+7]

(Thơ Hoàng Thị Kiều Thanh – NXB Hội Nhà văn- 2014)

(QBĐT) - Cứ nghĩ đến dòng sông ta lại nghĩ đến bến bờ, nghĩ đến cái nơi neo đậu của những cuộc đời, của những phận người... Cái bến bờ xưa cũ ấy cứ ám ảnh ta suốt tháng năm dài xa cách. Ta trở lại quê hương cũng chính là trở về cái nơi bến bờ thương nhớ của lòng ta. Câu thơ như một lời nhắn gửi:

Một lời thương nửa lời thương
Vọng xa từ nỗi vấn vương
quê nghèo
Anh đi chẳng đủ mang theo
Câu ru thiếu phụ, đò neo
bến nào?
Em là quê hương đó sao
Thơ như sông máu chảy
vào mạch tim...

Hai chữ BẾN XƯA mà cô giáo dạy văn Hoàng Thị Kiều Thanh chọn đặt cho tập thơ đầu tay của mình cũng không nằm ngoài ý nghĩa sâu xa ấy. Những câu thơ trên cứ ám ảnh tôi mãi, hình như ai đó viết tặng chị nhưng lại nói hộ dùm tôi nỗi hoài cảm về cố hương, về nơi chôn rau cắt rốn mà tận mãi cuối cuộc đời, tôi không thể nào thốt ra cho được. Mẹ và quê hương – em với quê hương là ảnh hình chất chứa của muôn thuở muôn nơi, của trong kí ức những đứa con xa làng đang khát khao tìm về nguồn cội :

Bao người bươn chải khắp miền
Bỗng nghe tiếng trống tháng
giêng tìm về

Cây đa, bến nước, sân đình... và hình bóng mẹ cha, với tôi giờ đây đã trở thành kí ức, vừa đớn đau, vừa nuối tiếc, nhưng với chị:

Hương thơm có tự đất trời
Ngọt bùi là của cuộc đời mẹ cha

May mắn thay chị đã nói hộ tôi được nỗi lòng, chỉ bằng thứ ngôn ngữ tự sinh nhưng thoảng hương cỏ nội ấy được hưởng ân huệ từ con sông mẹ Linh Giang tỏa ra ba hướng bao bọc cả một vùng đất Nam Quảng Trạch đầy phóng khoáng nhưng đậm chất nhân văn. Hai câu thơ dưới đây khiến tôi trở giấc, cứ thảng thốt như tiếng ai gọi đò giữa mênh mông khuya vắng, cứ như tiếng cha đang gọi mẹ ở nơi xa lăm lắm, cứ như người thương khắc khoải gọi người thương trở về... rồi bỗng bất ngờ đuối giọng:

Linh Giang hỡi mùa mưa đã tới
Gió trong rừng hú gọi mãi dòng sông

Bến quê.                                Ảnh: T.H
Bến quê. Ảnh: T.H

Chữ thơ hay đến độ, tôi cứ tưởng chị đang kéo cả thiên nhiên ra mà “hú” mà “gọi”. Dòng sông và ngọn gió “bị” nhân cách hóa lên ở một mức độ cao hơn khiến lòng ta cứ chơi vơi giữa một khoảng rú rừng xa mơ nào đó, tuy đơn độc nhưng đầy những khát khao. Dù có bão mưa, sấm sét chẳng thấm tháp gì, chẳng thể nào vẩn đục cho nổi. Cuối cùng họ cũng tìm tới được nhau nơi cuối dòng sông hò hẹn:

Gió ngàn xao xác gọi hồn
Trên sông khói sóng, hoàng hôn
gọi người

Thơ cũng từ đấy mà thoát bay theo nắng trời, theo dòng chảy của phù sa sông nhưng quá nhiều nặng nợ, quá nhiều mặn mòi. Rồi tất cả đều trở thành bến bãi, vừa mới đó đã trở thành cũ xưa như Động Lòi, Cửa Hác, như chợ Mới, chợ Trường, như nôốc năm mui to gió khó chèo, như ngọn đèn dầu khuya đêm cất rớ mùa nác bạc, như con hạc chầu lúc ẩn lúc hiện trong mong nhớ về một ngôi đình cổ, như cây đa làng khọm bóng cuối sương thu, như lời mẹ ru ta thuở thiếu thời... Tất cả đều ùa vào thơ chị bằng những cung bậc tình cảm khác nhau, vừa nhân hậu lại vừa bao dung:

Giọt mưa ngâu đã gọi mùa
Hỏi người nhóm lửa ngày xưa đâu rồi?

Tính nữ trong tập thơ này càng về cuối càng đậm nét hơn. Có lẽ trời sinh ra chị chỉ để làm thơ về mẹ: “Con đi muôn dặm nước non / Quê nghèo thương mẹ mỏi mòn ngóng trông”. Về người chị cả: “Chị ngồi chải tóc trước thềm / Xót xa sợi bạc rơi trên vai gầy”. Về người dì đơn thương bóng chiếc, gối lệch chăn nghiêng, kiềng kê khập khiễng khi người chồng mất sớm:

Nồi cơm lúc sống lúc khê
Chân kiềng gãy một cập kê lệch nồi
Mẹ thương giục tái giá thôi
Dì rơi giọt lệ gượng cười – em không !
Đã từng phận gái có chồng
Thì em ở vậy, trông mong làm gì
Kể từ hôm ấy trở đi
Tôi sang bên ấy với dì sớm hôm.

Với đồng nghiệp là nhà giáo vùng cao: “Sương buồn giăng sợi phấn rơi / Câu thơ viết dở những lời ngợi ca”. Về những người thân yêu nhất nơi chị đang sống: “Tình quê mặn muối cay gừng / Xa xôi muôn nẻo xin đừng quên nhau”. Còn về tình yêu một thuở, thơ của chị tinh tế hơn nhiều mà không kém phần lí lắc của tuổi con gái: “Gửi anh chùm sóng về nơi ấy / Chống chếnh lòng em biển vắng người”. Càng say đắm hơn, thiết tha hơn khi một mình đứng trước khoảng nắng chiều mênh mông nhưng chị lại muốn thu về thành từng giọt nhớ: “Chiều nay giọt nắng ngu ngơ quá / làm má em hồng chín đỏ môi ”. Rồi cái ngày đáng sợ kia cũng đến, tất phải đến, nhanh đến nỗi bàn tay chị cũng không níu kéo được tháng ngày đã đi qua, huống chi những câu thơ mỏng mảnh mơ hồ kia: “Bóng thời gian nhuộm bạc đầu con gái / Anh không đến bão lòng em thổi mãi”. Đến như nữ sĩ Xuân Quỳnh, trước khi từ giã cuộc đời, chị đã hiến tặng cho chúng ta rất nhiều câu thơ tuyệt hay trong vô số thơ hay của một tâm hồn thi sỹ tài hoa mà bạc mệnh này: “Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa / Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Xuân Quỳnh mãi mãi là Xuân Quỳnh, Xuân  Quỳnh của tình yêu và dâng hiến.

Còn Hoàng Thị Kiều Thanh... thơ chị lại chìm đắm ở một góc độ khác. Cái nghĩa đời, tình nghĩa với quê hương ở trong tập BẾN XƯA cứ trào dâng ra mãi, tôi có cảm giác rằng chị không thể kìm nén nổi, nó tự đáy lòng, từ trái tim đầy thương cảm, thủy chung, nhân hậu mà bộc phát ra nên mới có những câu thơ chín trái khiến tôi cứ ngỡ ngàng mãi: “Chút hanh thêm ấm bờ môi / Nhạt vàng vạt nắng cuối trời thu xa”. Hoặc: “Chiều thu ngồi ngắm cơn mưa / Vẩn vơ hứng được... câu thơ quê mình”.

Thật quá nhiều thi hứng. BẾN XƯA hình như đang neo lại đâu đó trong dòng chảy của những con sông quê. Sóng nước, trăng sao, mây núi... đã từng biến một ngư phủ thành chàng Trương Chi hát thì cổ tích nước Nam ta có tự lâu rồi. Nhưng để biến kí ức thành thơ rồi từ đó đưa thơ về lưu mãi trong kí ức người đời, hòa vào dòng chảy của thi ca quả là thậm khó.

Con đò thơ ngái ngủ nhưng quá nhiều mộng mị ấy hình như chưa chịu rời khỏi BẾN XƯA để đi tới những bến bờ khác, rồi từ đó mà giong buồm ra mãi với chân trời xa...

Nguyễn Hoài Nhơn