.

Sống mãi với "kho báu" của làng

Thứ Ba, 13/01/2015, 11:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Đông Dương, nay là thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), một vùng quê giàu truyền thống văn hóa và di tích lịch sử, nổi tiếng bởi nghệ thuật ca trù. Sử dụng lối hát đứng độc đáo, Đông Dương được xem là cái nôi của làn điệu ca trù cổ, nơi có sự quan tâm của đông đảo người dân lại được tổ chức bài bản. Nhờ vậy làng quê này đã từng bước khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của kho báu, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân Đông Dương còn có niềm tự hào về một người nghệ nhân đáng kính - bà Phạm Thị Thứu (1920-2009). Gần trọn cuộc đời gắn bó với ca trù, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận Nghệ nhân dân gian ngày 18-1-2007. Tại thời điểm đó, bà còn nhớ và hát đủ 120 bài ca trù cổ, khi biết mình sắp sửa “đi xa”, bà vẫn còn kịp trao hết “gia tài” cho các đào thứ, kép thứ, với lời căn dặn “cùng nhau giữ lấy ca trù, đừng để mai một”. Nghĩa cử đó của bà đến nay vẫn còn thao thiết, nhắc bảo mọi người ra sức làm cho cái tên Đông Dương gắn liền với điệu ca trù cổ ngày càng vang xa, được nhiều nơi trong và ngoài nước biết tới.

Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Thứu
Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Thứu

Khi mới 12 tuổi, bà Phạm Thị Thứu đã nhiều lần lén xem hát ca trù ở đình làng. Vốn sáng dạ, bà nhập tâm từng bài, từng điệu rồi nhẩm đi, nhẩm lại, tập hát một mình. Lên 15 tuổi bà đã biết hát khá nhiều làn điệu và được tham gia chiếu hát. Theo ông Phạm Văn Tán, 80 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, ca trù cổ Đông Dương trước đây thường được tổ chức trong các dịp rằm tháng giêng, rằm tháng bảy. Trải qua thời gian, nhất là thời kỳ chiến tranh, ca trù cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác thưa dần trong các dịp lễ hội.

Trước nguy cơ mai một nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương, những năm bước vào đổi mới và từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các loại hình văn hóa truyền thống, trong đó có ca trù từng bước được khôi phục. Các ông Phạm Hữu Nhuế, Hồ Duy Hưu, Phạm Xuân Hộ, các bà Phạm Thị Thứu, Hồ Thị Phước, Phạm Thị Nguyên... cùng nhau đóng góp kinh phí, công sức, dàn dựng và biểu diễn thành công một số bài. Như món ngon bỏ quên lâu ngày được nếm lại, ca trù mỗi năm thêm sôi nổi trong đời sống tinh thần người dân Đông Dương. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, của ngành Văn hóa - Thông tin và Hội Người cao tuổi xã, năm 1999, thôn Đông Dương thành lập câu lạc bộ ca trù gồm 6 thành viên, ông Lê Tấn Đạt được giao làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB). Các cụ ông, cụ bà, những người từng “sống thác” với ca trù vừa miệt mài sưu tầm các bài ca cổ, sáng tác lời ca mới, tổ chức tập luyện, biểu diễn..., thu hút những ca nương trẻ nhiệt tình tham gia, quyết không để kho báu của làng bị mai một.

Là đào kép có hàng chục năm gắn bó với ca trù, dù tuổi cao sức yếu, nghệ nhân Phạm Thị Thứu vẫn nhiệt tình trao truyền cho các thế hệ con cháu. Nhờ có sự dìu dắt của bà, ở các lễ hội truyền thống của địa phương hay các kỳ liên hoan, hội diễn... CLB ca trù Đông Dương ngày càng thu hút sự hâm mộ của khán giả. Ngoài lời ca cổ, các ông bà còn khéo léo vận dụng chủ đề ngợi ca quê hương, đất nước, nhớ về nguồn cội... làm cho không khí lễ hội vừa trang trọng, vui tươi, người xem rất phấn khởi.

Sau hơn 5 năm thành lập, năm 2005, CLB ca trù Đông Dương đã có 10 thành viên, sưu tầm được 120 bài hát mở, hát phú, hát văn, hát khế... Với sự hướng dẫn của nghệ nhân Phạm Thị Thứu, CLB không chỉ đứng vững mà ngày càng phát huy tốt. Đến nay CLB ca trù Đông Dương đã có 20 thành viên, tổ chức hơn 50 chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh với nhiều kết quả đáng mừng. Đặc biệt các thành viên đã sưu tầm được gần 200 bài ca trù cổ, kết hợp sáng tác, vận dụng hàng trăm lượt bài ca mới trong các dịp mừng Đảng mừng xuân, lễ hội làng xã, các phong trào xóa đói giảm nghèo, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo, như các bài hát phú “Phong cảnh quê hương”, hát nam “Chữ hiếu”, hát khế “Vui xuân mừng thọ”, hát mở “Đón Tết cổ truyền”, “Hướng về biển Đông”... v.v. Năm 2005, ca trù Đông Dương đã tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh, năm 2006 tham gia Liên hoan ca trù người Việt do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, năm 2011 tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức. Tháng 8-2014, tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc tại Hà Nội, đoàn ca trù Quảng Bình gồm 9 thành viên (trong đó có 6 thành viên CLB Ca trù Đông Dương) đã giành một huy chương đồng với tiết mục hát mở “Tây hồ” và một giải khuyến khích tiết mục hát khế “Thiên lý giang sơn”.

Từ năm 2009 đến nay, CLB mở rộng tuyển chọn và đào tạo thêm được 10 ca nương đang độ tuổi học sinh. Mặc dù việc tập luyện cho các em đòi hỏi nhiều tâm huyết nhưng đây chính là sức sống, là triển vọng lâu dài để duy trì và phát triển CLB trong tương lai. Có thể nói, đến nay vẫn còn những loại hình nghệ thuật chưa được phục hồi nhưng đối với ca trù nói chung, ca trù ở Đông Dương nói riêng vẫn được thăng hoa trong bầu không khí văn nghệ cách mạng và đồng hành cùng cả nước trong suốt tiến trình giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ăn quả nhớ người trồng cây, khi nói đến ca trù Đông Dương và sự phát triển của nó, không một ai trong làng không nhắc đến công lao của cố nghệ nhân Phạm Thị Thứu với một niềm kính mến và khâm phục. Mỗi mùa khoai, mùa lúa, các gia đình tự nguyện mang sản phẩm đóng góp lại, hỗ trợ một phần giúp các diễn viên mua sắm trang phục, sửa chữa trống, đàn..., nhằm duy trì sức sống của ca trù. Những thành quả của CLB, những tình cảm của cô bác chứng tỏ hình ảnh và mong muốn của nghệ nhân Phạm Thị Thứu vẫn sống mãi trong lòng các đào nương, ca nương, sống mãi trong lòng người dân nơi có nghệ thuật ca trù, góp phần làm cho giá trị của kho báu ấy mãi trường tồn và lan tỏa.

Nguyễn Tiến Nên