.

Thể chế hóa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong bộ Luật Hình sự

Thứ Bảy, 15/03/2014, 22:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 15-3, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thi hành bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 tại 63 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm trong những năm qua vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Trong đó, đáng chú ý là các tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội có tính chất bạo lực; các loại tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm bảo kê, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật; tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy; tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; tội phạm buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng trốn thuế; và các loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ, thông tin, viễn thông…

Qua 14 năm (1999-2012) triển khai thi hành, BLHS đã phát huy tác dụng tích cực trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thi hành BLHS năm 1999 vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Cụ thể, về công tác tổ chức thực hiện, do BLHS được ban hành trong thời gian khá dài nên có một số điều luật quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa phù hợp; nhiều điều luật còn chưa được tập hợp, hệ thống hóa. Công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử tội phạm còn thiếu đồng bộ, chưa có sự hợp tác chặt chẽ; việc khởi tố, xét xử ở một số tội danh (hiếp dâm, cố ý gây thương tích…) phát sinh tiêu cực, không công bằng. Các quy định trong BLHS còn nhiều bất cập, như: cơ sở chịu trách nhiệm hình sự; hệ thống hình phạt và điều kiện áp dụng một số hình phạt, căn cứ quyết định hình phạt. Kỹ thuật lập pháp hình sự cũng còn nhiều hạn chế, chưa có sự thống nhất.

Ngoài ra, những hạn chế của BLHS năm 1999 còn do sự đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh, phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế, như: vấn đề hình sự hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức theo yêu cầu của Công ước Liên Hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; vấn đề hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên Hiệp quốc về chống tham nhũng…

Tham luận của các đại biểu tại hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi BLHS và đồng thời đưa ra những đề xuất kiến nghị, sửa đổi, bổ sung. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong hệ thống pháp luật, BLHS là bộ luật đặc biệt quan trọng, là công cụ đấu tranh phòng chống tội phạm, nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản của người dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua thực tiễn 14 năm triển khai, BLHS năm 1999 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, như nhiều quy định chưa khả thi, lạc hậu, chưa rõ ràng, còn mang tính định tính; tính hội nhập quốc tế chưa được cập nhật đầy đủ, nên đã ảnh hưởng đến quá trình giải quyết các vụ án và gây khó khăn cho cơ quan thực thi.

Do vậy, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu, các cơ quan cần tập trung nghiên cứu sửa đổi, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong BLHS năm 1999 theo hướng đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ, hiện đại, có tính minh bạch, khả thi và tính dự báo cao, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm và phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cần xây dựng BLHS mới trên cơ sở đổi mới tư duy về tội phạm và khung hình phạt; giảm những hình phạt quá cao. Đối với những loại tội phạm nghiêm trọng cần nghiên cứu khung hình phạt phù hợp, vừa đảm bảo tính nghiêm trị, vừa nhân văn, bảo vệ được quyền con người và đoàn kết dân tộc. BLHS mới phải thể chế hóa những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, trong xu hướng hội nhập hiện nay, bộ luật phải nội luật hóa các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Dương Công Hợp