.
Kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước CHDCND Lào (2-12-1975 - 2-12-2015):

Chăm pa đỏ

Thứ Tư, 02/12/2015, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Gặp tiết thu muộn, bỗng nhớ một ngày cách nay tròn năm năm, lần đầu tiên vượt Trường Sơn về phía Tây, đến với tỉnh bạn Khăm Muộn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Với dải đất bên kia Trường Sơn còn xa lạ, trong vốn sống tuổi thơ tôi ghi dấu ấn một giai điệu đẹp như... một loài hoa: “Hoa đẹp Chăm Pa, sắc hoa tuyệt vời...” và một câu thơ của thi sĩ tài hoa Phạm Tiến Duật: “Ai bảo nước Lào không có biển, đừng tin...”.

Về tư liệu địa lý, Quảng Bình có chiều ngang hẹp nhất nước: hơn 40 kilômét, nhưng đường ngoằn ngoèo, xe chạy 145 kilômét mới đến Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Nà Phào. Đó cũng là chiều dài quãng đường từ cửa khẩu về Thà Khẹc, thủ phủ của tỉnh Khăm Muộn. Thị xã Thà Khẹc nằm dọc tả ngạn sông Mê kông, từ nguyên là Mè khoỏng (sông Cái-nguồn sống). Sông chạy dọc phía tây, là biên giới tự nhiên Lào - Thái.

Trộm nghĩ, từ Đồng Hới qua Thà Khẹc, ngồi thuyền xuôi xuống Tiền Giang-Hậu Giang rồi đáp tàu trở lại Đồng Hới cũng thú vị lắm. Lần đầu “xuất ngoại”, được đón tiếp trọng thị, nhiều thành viên trong đoàn cựu chiến binh Quảng Bình cũng tỏ ra dè dặt. Tiệc chiêu đãi ở khách sạn Mê kông. Phiên dịch viên chỉ phục vụ trưởng đoàn. Chúng tôi chỉ có ngôn ngữ cử chỉ: chắp tay như vái thay câu chào và lời mời đáp lễ: “kinh khậu” (ăn cơm), “kin nậm...bia”.

Sự khách sáo chấm dứt ngay khi viên trung tá trong đoàn bạn rất tự nhiên dùng tay tóm cái đùi gà xé ăn tự nhiên. Người Lào tôn trọng cái nuôi sống con người, không câu nệ bát đũa. Chúng tôi rỉ tai nhau: Anh em thân thuộc nhau cả hai cuộc kháng chiến, bày đặt ý tứ làm gì... nhậu tới bến! Thế là, chẳng cần phiên dịch vẫn hiểu nhau. Phía ta: - trăm phần trăm, hết, không say không về! Bên bạn: -kin, đừm mứt (uống hết). Một người rỉ tai: - Vào cầu rồi đấy, coi chừng múa lăm vông đến sáng!

Lăm vông! Điệu quốc vũ của người Lào. Ở vũ phương Tây, người nam đến lịch sự chìa tay đỡ người nữ cùng nhảy. Với Lăm vông, người nữ chủ động mời và không người nam nào từ chối. Động tác cũng đơn giản: bước tới bước lui ba bước rồi sang ngang một bước. Hai bàn tay người nam khoáng đạt vươn tới như muốn chạm vào khuôn ngực bạn nhảy. Người nữ, nách không hở, hai bàn tay múa lên như che chắn, e lệ nhưng không quyết liệt quá.

Múa Lăm vông, điệu múa truyền thống của dân tộc Lào làm say đắm bao du khách. Ảnh: TH (sưu tầm)
Múa Lăm vông, điệu múa truyền thống của dân tộc Lào làm say đắm bao du khách. Ảnh: TH (sưu tầm)

Nét văn hóa phồn thực, nhân văn là linh hồn của điệu quốc vũ đã hàng ngàn năm. Người Lào hiền và thật như bà con dân tộc ít người ở ta. Có một cuộc tranh luận nho nhỏ hé lộ một triết lý sống khá độc đáo nhưng không hề xa lạ:

- Doanh nghiệp là những người giàu có!
- Không, doanh nghiệp là người nghèo, nghèo mới phải luôn làm việc, phải tìm cơ hội đầu tư.
- Doanh nghiệp mà nghèo thì ai là người giàu?
- Các nhà sư! Họ biết đủ, luôn thấy đủ nên luôn muốn làm việc thiện.

Người Lào nhàn tản, thong thả, lúc nào cũng như đang lên chùa, lúc nào cũng thiện như mới từ chùa bước ra.

Buổi sáng đầu tiên thức dậy trên tầng tư khách sạn Mê kông, vén rèm: - A, mặt trời mọc ở đằng... Tây! không, vẫn là đằng đông nhưng mọc lên từ dãy Trường Sơn. Hãy hình dung, Quảng Bình và Khăm Muộn là hai trang sách. Cái gáy sách là dãy Trường Sơn. Lần đầu tiên được thấy mặt trời gác núi không tụt xuống mà từ từ trồi lên.

Bên kia dãy núi là quê hương, là núi đồi, những cánh đồng nhỏ và không mấy màu mỡ của dải đất dốc miền Trung, là cồn cát, là sóng biển, là những đơn vị làng có lũy tre bao quanh.  Bên này là Khăm Muộn, đất bằng màu mỡ, những cây thốt nốt đứng hiên ngang như người lính gác trung thành canh giữ bình yên cho dân bản.

Như cây tre và mái đình cong ở Việt Nam, cây thốt nốt và ngọn tháp chùa là hai biểu trưng vừa hướng thiện vừa bất khuất của các bộ tộc Lào. Người Lào, dân số không đông, có quan hệ văn hóa lịch sử sâu đậm với Việt Nam. Nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết những dòng lục bát thật đẹp:

Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Khăm Muộn có 9 huyện, thị. Noọng Bôốc ở cực nam, giáp với tỉnh Xavanakhet. Thời Bình Trị Thiên một nhà, kết nghĩa với cả hai tỉnh, nên mới có ca khúc “Bình Trị Thiên-Xavanakhet” mà tiết tấu đơn giản như đọc ngân nga văn xuôi có ngắt nhịp, câu cuối cùng thêm chữ xamakhi (đoàn kết) là ổn.

Ở Noọng Bôốc có tượng đài khá kỳ vĩ ở bản Mường Căm: Người đàn ông tay cầm kiếm lồng lộng giữa thanh thiên. Quanh đó cơ man là đỉnh tháp. Ông là Thaoxi Khốtaboong, một huyền tích ngoài chính sử, một lãnh tụ nông dân bất khả chiến bại. Kẻ thù dùng “mỹ nhân kế”, biết được “gót chân Asin” của ông mà hạ thủ. Chuyện nhắc nhớ người anh hùng phải luôn cảnh giác, lấy sự nghiệp cộng đồng làm trọng, một phút mềm lòng với phái yếu có thể tiêu tan một vương triều. Nakai là huyện cực bắc tỉnh Khăm Muộn.

Nước bạn Lào giàu nhờ lâm sản và thủy điện. Ngăn dòng Nậm Thoong, tích nước lòng hồ 80 nghìn ha, sản lượng điện bán cho cả Thái Lan. Để giải phóng mặt hồ, 16 bản định cư trở thành chủ nhân quản lý , khai thác thủy sản lòng hồ, nhàn tản dư dả.

“Ai nói nước Lào không có biển, đừng tin!”. 50 năm trước, nhà thơ Phạm Tiến Duật thảng thốt buông một câu thơ tự do như một dự cảm. Vâng, biển trong trái tim nhân hậu, thủy chung của người Lào, biển mặt nước hồ tám, mươi ngàn ha và 110 kilômét bờ biển Quảng Bình ta, với cảng Hòn La, Vũng Áng, bãi tắm Nhật Lệ... khi mà tình hữu nghị đã được thử thách qua hai cuộc kháng chiến và bây giờ, và mãi mãi “...như nước Hồng Hà, Cửu Long”

Ngày cuối cùng của đợt công tác, như một phong tục đẹp, mỗi người khách đều được chủ nhà tặng huy hiệu “Hoa Chămpa đỏ”. Sáu mươi năm trước, giai điệu ngọt ngào “Hoa đẹp Chăm Pa/ Sắc hoa tuyệt vời...” đã ngân nga quyến rũ trong không gian nước Việt. Hôm nay đây, trong buổi lễ buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho đoàn khách Quảng Bình, tôi một cựu hạ sĩ quân đội nhân dân Việt Nam được niềm vui đồng ca với Vặtthana- nữ thiếu úy quân đội nhân dân các bộ tộc Lào - ca khúc bất hủ... “...hương hoa chăm pa, bao đời em khoe sắc tươi trong vườn...”.

Đến câu cuối cùng “Hoa đẹp xinh ơi, em chính người tôi, mến yêu trọn đời...”, trong khi tôi đang ngân nốt đoạn vĩ thanh thì Vặtthana bước tới ngắt một bông “chăm pa đỏ” thân ái tặng tôi trong tiếng vỗ tay tán thưởng của các thành viên đoàn công tác hai tỉnh. Quá phấn khích với không khí thân tình hữu nghị, tôi ghé tai nữ thiếu úy nói liều một câu tiếng Lào mới “thuổng” được: “Khọp chay lai lai. Ai mặc noọng”....

Một đời làm báo với những chuyến vào Nam ra Bắc bất tận. Nhưng, đó là chuyến trực chỉ phía tây duy nhất và để lại nhiều ấn tượng đẹp về những người bạn Lào hiền lành, chân chất như nước sông Mè khoỏng (Mê công- nguồn sống).

Và...Vặthana! em gái, nữ sĩ quan quân đội nhân dân? Năm năm đã trôi qua, bên kia Trường Sơn, em có thể đã hoàn thành nghĩa vụ, xây dựng tổ ấm tay bồng tay mang, hay vẫn trong quân ngũ đảm trách nhiệm vụ vẻ vang của người lính con em các bộ tộc Lào, cùng với quân đội nhân dân Việt Nam giữ gìn hòa bình và hạnh phúc cho cả hai mái Trường Sơn?.

Em là một bông hoa Chăm pa đỏ.

Đồng Hới cuối thu
Nguyễn Thế Tường