.

Những người con của biển

Thứ Tư, 04/06/2014, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Họ là những người đã từng ngày đêm cầm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng cống hiến tất cả cho đất nước, cho dân tộc. Họ coi “Đảo là nhà, biển là quê hương” từ đó tiếp lửa cho con cháu kế tục sự nghiệp cha ông quyết tâm bám biển, sát cánh cùng nhau để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam...

Theo cha ra với biển

Trong những ngày nắng nóng nơi vùng đất miền Trung này, chúng tôi tìm về tổ dân phố 5, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ. Khi hỏi đến ông Quynh thì từ già đến trẻ ai cũng biết bởi Nguyễn Văn Quynh là sĩ quan hải quân đã trải qua hơn 30 gắn bó với biển đảo, đã từng cùng đồng đội thực hiện công việc tiếp tế lương thực ra đảo, tuần tra, bảo vệ các đảo lớn, nhỏ tiền tiêu nơi vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1...

Tháng 7 năm 2013 vừa được nhà nước cho nghỉ hưu thì tháng 2 năm 2014 con trai ông là Nguyễn Xuân Quân, lại tình nguyện đi bộ đội hải quân để tiếp tục sự nghiệp của cha ra với biển đảo. Hiện nay anh đang cùng đồng đội ra sức huấn luyện tại Tiểu đoàn B55, Vùng 3 Hải quân – Đà Nẵng cùng đồng đội.

 Lực lượng dân quân biển xã Ngư Thủy Bắc đang tuần tra
Lực lượng dân quân biển xã Ngư Thủy Bắc đang tuần tra.

"Bao năm vinh dự cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tôi thấy thật tự hào. Biển đảo là tài nguyên vô giá, là tài sản của ông cha ta để lại mà phải đánh đổi biết bao công sức, máu xương của cả dân tộc ta mới giành được. Cứ mỗi lần con trai gọi điện về nhà, tôi thường xuyên động viên con hãy cố gắng học tập để kế tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Quynh nói.

Từ tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo, ông chỉ nung nấu một điều, con trai phải nối nghiệp cha, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Bây giờ mỗi  lần nhớ đến biển, đồng đội ông lại lấy những con ốc biển, những tấm hình và bộ quân phục ôm chặt vào lòng.

Truyền thống giữ nước

Trở lại những năm kháng chiến chống Mỹ, trong gia đình ông Quynh, cả 5 anh em lần lượt lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1979, theo lệnh tổng động viên, ông Quynh trở vào với Sư 403 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân cùng đồng đội tiếp tế lương thực thực phẩm ra với đảo Hoàng Sa. Từ đó đến năm 1982, ông đã có mặt tại đảo Lớn Trường Sa, Hoàng Sa đến các đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Thổ Chu...

Tháng 9 năm 1982, ông được cử tuyển vào Học viện Hải quân, đến năm 1986 ông về làm giảng viên tại Trường trung cấp kỹ thuật Hải quân, chưa đầy hai năm đứng lớp, trên lại điều ông về làm Chính trị viên tàu tuần tra thuộc Đoàn 129  Hải quân. Thế là ông lại đến với biển, từ đó đến năm 2009 ông gắn bó nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc nơi đảo xa ấy. Hơn 20 năm lăn lộn với biển, tháng 3 năm 2009 ông được phong quân hàm Trung tá và bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Tổ chức Lữ đoàn 161 Vùng 3 Hải quân Đà Nẵng đến ngày nghỉ hưu.

Trong những ngày này, tình hình Biển Đông đang “nóng” lên bởi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có nhiều hành động khiêu khích, đe dọa, phá hoại các tàu công vụ của ta. Ông Quynh lại hội tụ các cựu chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, Kiểm ngư để cùng cấp uỷ chính quyền đến thăm gia đình các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển và tuyên truyền cho bà con và ngư dân thể hiện tinh thần yêu nước đúng pháp luật, hết sức bình tĩnh, không nghe kẻ xấu kích động, yêu nước bằng sự đoàn kết, nắm chặt tay nhau chăm lo sản xuất và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Bước chân của ông Quynh vẫn đi trên từng con đường cát trắng, đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để động viên nhân dân và hướng dẫn cách nhận biết các tàu lạ xâm phạm vào lãnh hải của mình, tiếp tục bám biển, tổ chức hoạt động sát cánh cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, của Quảng Bình.

Những cánh tay nối dài với biển đảo

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Văn Tình ở thôn Thượng Phong, xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ là cán bộ Đội kiểm ngư số 2, Chi cục Kiểm ngư vùng 3 Đà Nẵng, người trực tiếp đang làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép.

Chị Trần Thị Anh Đào, vợ anh Lê Văn Tình kể: “Chúng tôi cưới nhau đã hơn 6 năm nay nhưng chưa lần nào anh về phép được trọn vẹn. Khoảng 2 năm trước về nghỉ phép được 3 ngày thì anh lại lên đường làm nhiệm vụ cả mấy chục tháng trời. Năm nay vì bố ốm nặng, cơ quan giải quyết cho anh về nghỉ phép 20 ngày, từ ngày 1-5 đến 20-5.

Vừa về đến nhà, chỉ kịp ăn với nhau bữa cơm trưa, chưa kịp bế con thì chiều ngày 1-5-2014 có điện của cơ quan vào gấp. Tôi phải động viên chồng, cố lên anh nhé. Những ngày sau, tôi thường xuyên lên mạng, xem tivi, đài báo, thấy Biển Đông “nổi sóng”, Trung Quốc hung hãn đâm tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam. Liên tục gọi điện cho chồng, nhưng không được. Có hôm lên mạng thấy chồng tôi cùng đồng nghiệp đang trên tàu tiến ra vùng biển nóng ấy. Thấy anh vẫn khoẻ tôi cũng vơi đi một phần lo lắng. Tôi xác định là vợ người lính biển phải thay anh làm mọi việc chăm sóc con cái, ông bà, cha mẹ và gia đình, để cho chồng yên tâm công tác. Xin nhắn gửi đến anh và các đồng đội của anh hãy yên tâm công tác, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ở nhà ông bà, cha mẹ và 2 con thơ đều khoẻ"...

Đồng hành cùng nhân dân cả nước, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, những người con của xứ Lệ anh hùng tiếp lửa cho nhau vững tin bám biển, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

   Phạm Hữu Hiệp

 (Ban CHQS Lệ Thủy)