.

Đời sông, phận người - Kỳ 1: Neo đời với sông

Thứ Tư, 25/06/2014, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhật Lệ có khi ầm ào sóng dữ, nhưng cũng có khi duềnh doàng chẳng muốn chảy xuôi. Tự bao đời, sông vẫn nhẫn nại lắng nghe và thủy chung với những phận người xuôi ngược, nổi trôi giữa cuộc đời nhưng vẫn trọn tình gắn chặt với dòng sông.

Xuôi thuyền trên sông, nghe những câu chuyện về phận người mưu sinh trên dòng Nhật Lệ, chợt thấy lòng buồn tê tái. Người kể về phận mình mà như thể sông đang thầm thì kể về một phần đời của chính sông.

Neo đậu bến sông

Chiều Nhật Lệ. Cơn mưa mùa hạ hiếm hoi chợt ào ạt đổ xuống. Bến Nhật Lệ trượt nghiêng trong cái nhìn hoang vắng và mưa rơi. Trong làn mưa dày đặc, con thuyền ấy càng xác xơ hơn. Tôi nhìn qua làn mưa nghiêng nghiêng, ngay dưới chân cầu Dài, thấy thấp thoáng bóng người đàn ông trùm áo mưa lặng lẽ bấm chân xuống thuyền, rồi bước qua chiếc thuyền gỗ bên cạnh, vội vã xé tan màn mưa dày đặc vươn ra giữa dòng sông. Chồng chồng, lớp lớp những cái rập đơm cá xếp lên nhau, cao ngất, như thể muốn nuốt chửng cái dáng bé nhỏ đến tội nghiệp của người đàn ông.

Tất cả đều diễn ra trong mong manh, mờ ảo sương khói. Con thuyền nổ máy rồi khuất dần sau làn mưa rơi. Một con thuyền khác đang neo lại nơi bến sông, chòng chành, yếu ớt. Dưới làn mưa dày đặc, con thuyền ấy càng mỏng manh đến nao lòng. Phía trong khoảng không gian chật hẹp ấy là vợ, là con và cháu của người đàn ông trên chiếc thuyền gỗ ngoài kia. 4, 5 con người đang chia nhau từng chỗ ngồi khô ráo hiếm hoi còn sót lại sau cơn mưa bất chợt. Trọn ba chục năm qua, con thuyền ấy là mái nhà che mưa, che nắng và dòng sông này là nơi họ neo đậu lại để nổi trôi với cuộc mưu sinh.

Người đàn ông tên Chinh (Phạm Văn Chinh). Quê ông ở tít Quảng Lộc, Quảng Trạch. Ba mươi năm trước, ông cùng vợ - bà Nguyễn Thị Tình lặn lội vào đến tận bến sông này rồi quyết định sống đời duyên nợ cùng sông. Ngày đó, người vùng cồn bãi Quảng Lộc kéo vào Nhật Lệ mưu sinh nhiều vô kể nhưng rồi, tháng năm trôi đi, hầu hết họ đều rời thuyền, bỏ bến, trở về quê nhà.

Chỉ còn lại vợ chồng ông là quyết tâm bám trụ lại bến sông này. Làm nghề chài lưới trên sông nên cuộc sống gia đình nương nhờ cả vào dòng sông, đói no phụ thuộc vào từng hôm buông lưới. Ba mươi năm qua, đêm đêm, trên những con thuyền mỏng manh, họ lại xuôi theo dòng nước để buông lưới, thả rập, bỏ lại sau lưng những đứa con thơ lầm lũi bên ngọn đèn dầu leo lét, chông chênh trên sóng nước Nhật Lệ. Năm đứa con thì ba đứa được sinh ra và lớn lên trên dòng sông này. Những đứa trẻ được cha mẹ chúng xin vào học tại trung tâm giáo dục trẻ Khuyết tật Đồng Hới. Ngày, chúng cuốc bộ đến trường. Đêm, chúng lại theo chân bố mẹ ngược xuôi theo dòng nước để thả lưới, buông câu.

Mưu sinh trên sông Nhật Lệ.
Mưu sinh trên sông Nhật Lệ.

Trong khoảng không gian không đèn điện, chỉ nghe tiếng sóng ì oạp vỗ vào mạn thuyền, các em đã vô tình bỏ quên luôn con chữ. Rồi con chữ cũng cứ thế rơi rụng dần, nhường chỗ cho những gánh nặng mưu sinh mà các em chưa đáng phải đèo bòng. Lớn lên, rời thuyền, bỏ bến, những đứa con của ông bà vẫn cứ quẩn quanh làm thuê, cuốc mướn. Cuộc sống vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Cô con gái thứ tư là Phạm Thị Hảo, năm nay 24 tuổi. Hảo đã có chồng và sinh con. Như vòng tròn của số phận, vợ chồng em lại tiếp tục cuộc sống lênh đênh trên thuyền, cuộc mưu sinh nương nhờ cả vào dòng sông.

Giờ thì trên khoảng không gian chật hẹp ấy là nơi trú ngụ dài lâu của ba thế hệ gia đình họ. Mỗi khi trời gió rét, chiếc thuyền co ro giữa cái lạnh se sắt của đất trời. Sợ nhất là mùa nước nổi, nước sông cuồn cuộn, giận dữ như thể muốn nhấn chìm, nuốt chửng những gì mong manh đang cố néo lại trên mặt sông. “Mẹ em bị bệnh nhưng cứ muốn bám trụ lại ở đây để kiếm thêm ít thu nhập, về quê giờ ni biết làm chi mà sống? Dù răng cũng đã ở đây hơn nửa đời người, đã quen đường, quen bến. Gắng thêm vài năm nữa rồi về quê”, Hảo nói mà giọng cứ nghe xa xăm, buồn buồn. Phải rồi, Nhật Lệ đã như một phần quê hương của họ, cưu mang họ cả những khi oi nồng nắng cháy hay mưa gió bão bùng.

Sống cùng dòng sông

Ký ức cuộc đời một con người đôi khi lại trùng lắp với một phần ký ức của dòng sông. Bởi với Nhật Lệ, có những người đến một lần rồi đi, nhưng cũng có những người mà trên mỗi mao mạch cơ thể đều thấm nước dòng sông ấy. “Sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, thì chết cũng ở trên dòng sông ni”, lời lão ngư Trần Văn Bờn (80 tuổi, Bảo Ninh, Đồng Hới) chợt nghe đã thấy ấm lòng. Cả một đời ông gắn bó với dòng Nhật Lệ nên dòng sông ấy là một phần ký ức đẹp nhất cuộc đời. Những năm tháng giặc Mỹ ném bom bắn phá Đồng Hới, dòng Nhật Lệ cuộn sóng đau thương, ông đã cùng bao đồng đội của mình phá thủy lôi, cùng mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông.

Chiến tranh kết thúc. Dòng Nhật Lệ yên bình sau những ngày giông bão. Người Đồng Hới bắt tay vào xây dựng lại quê hương ngay trên đau thương, đổ nát. Người với sông như có duyên nợ, cất lại ký ức thời chiến chinh, ông cùng vợ là bà Phạm Thị Thê lại ngày ngày chèo đò đưa khách qua sông.

Mỗi ngày, hai vợ chồng ông lão thức dậy từ 3-4h sáng, rồi lục tục kéo nhau về khi trời đã tối mịt mờ. Chẳng thể đếm nỗi có bao nhiêu chuyến đò ngược xuôi trên dòng sông ấy, chỉ biết cứ mỗi bận ốm đau, nghỉ lái đò, lòng ông cứ nhung nhớ sông nước khôn nguôi. Ngày cầu Nhật Lệ bắc qua sông, nối liền bao mong ước của người dân Bảo Ninh, vợ chồng ông lão mừng lắm. Nhưng vẫn thấy se lòng khi đành gác lại mái chèo gần trọn đời gắn bó. Mỗi đêm về trong giấc mơ chập chờn, ông vẫn nghe văng vẳng đâu đó như có tiếng ai gọi đò, tiếng sóng ì oạp vỗ vào mạn thuyền.

Bao năm liền người cứ nao nao nhớ - nỗi nhớ bến, nhớ thuyền và nhớ cả dòng sông. Giờ thì sức khỏe đã giảm sút đi nhiều, chẳng còn đủ sức để mỗi bận nhớ sông lại chèo thuyền ra giữa dòng mà ngắm nghía đôi bờ, ông lão chỉ còn cách đứng ở trước cửa nhà, nhìn xa xăm ra giữa mênh mang sông nước. Phận người gắn chặt với đời sông như duyên nợ tự kiếp nào. Đó đâu hẳn là ngọn nguồn của sự sống, là nơi cưu mang bao thế hệ con người mà còn là người bạn tâm tình, để “nương nhờ lúc thở than”.

Ông Hồ Bồng (Hải Thành, Đồng Hới) đã gắn bó với cái chòi canh bên cửa sông Nhật Lệ cũng ngót nghét nửa thế kỷ. Từ dạo 8, 9 tuổi, ông đã mưu sinh trên dòng Nhật Lệ, từ buông câu, thả rập rồi dựng chòi rớ ngay trên mênh mang sông nước. “Ở riết rồi cũng quen. Ngày nào không ra chòi lại thấy nhớ nhung chi lạ”, ông lão bộc bạch. Mỗi ngày vài chục lần kéo rớ lên. Dưới đáy rớ có lúc có cá có lúc không nhưng chưa bao giờ ông Bồng thấy buồn lòng.

Ngày ngày, ông kéo rớ lấy cá, còn bà đem cá vào chợ bán, kiếm ít tiền, vừa đủ để nuôi sống hai vợ chồng già. Say nghề và yêu sông lắm nên ông Bồng chưa bao giờ có ý định bỏ chòi rớ lên bờ. “Sông đâu phụ người nên làm răng người bỏ sông được”, ông lão móm mém cười.

Diệu Hương

Kỳ 2: Chợ cá mom sông