.

Dấu chân vạn dặm trên đất Quảng Bình - Kỳ 2: Với Quảng Bình-Tình Người như biển cả

Thứ Hai, 16/06/2014, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hành trình theo dấu chân Bác trên đất Quảng Bình, vào một buổi chiều cuối tháng năm, ngay tại bãi biển Nhật Lệ, nơi 57 năm về trước, Bác Hồ của chúng ta cởi trần, khoan thai chậm bước dọc bãi biển, râu tóc bạc phơ, đẹp như một ông tiên trong chuyện cổ tích, tôi đã gặp và chuyện trò với ông Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch). Câu chuyện về Bác, về tình cảm bao la của Người dành cho quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh cứ thế chảy tràn, tưởng chừng không có điểm kết thúc.

>> Kỳ 1: Dấu chân Bác trên đất Quảng Bình

Bác Hồ gặp gỡ mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt.
Bác Hồ gặp gỡ mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt.

Ông Phan Khắc Hải xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học tại vùng biển Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch. Ông bảo cuộc đời ông gắn liền với chiến trận, với binh nghiệp và cái duyên làm báo chiến trường. Được phong hàm Thiếu tướng, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin... Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng giữ vững vị thế, tâm thế của người Quảng Bình, người lính Cụ Hồ.

Ông Hải tâm sự: “Khi còn là Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin, bản thân bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu và học tập về Bác Hồ. Mình tự hào khi quê hương Quảng Bình, Vĩnh Linh đại diện cho đồng bào miền Nam được đón Bác về thăm. Càng thắm tình ruột thịt hơn khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi mãi an nghỉ tại Vũng Chùa- Đảo Yến, như lời Đại tướng dung dị lúc còn sống “Quảng Bình là nhà tôi. Khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”.

Ông Phan Khắc Hải kể cho tôi những mẫu chuyện về Bác với Quảng Bình, thời gian Bác ở lại trên quê hương Quảng Bình: “Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ kể rằng, năm 1959, trong chuyến thăm hữu nghị Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, một đêm hai bác cháu nằm nghỉ bên bờ biển Hắc Hải, đột nhiên Bác hỏi: Chú Kỳ có nhớ chuyến vào thăm Quảng Bình không? Ở đây có tốt hơn bãi biển Đồng Hới không? Đồng chí Vũ Kỳ chưa kịp trả lời thì Bác đã tiếp lời: “Bãi biển ở Đồng Hới đẹp và trong lành hơn ở đây nhiều”.

Đêm trên bờ biển Đồng Hới, Bác Hồ không ngủ được. Chỉ một khoảng cách ngắn ngủi thôi là đến

Chiếc máy cày, món quà của Bác Hồ dành tặng cho HTX Đại Phong.
Chiếc máy cày, món quà của Bác Hồ dành tặng cho HTX Đại Phong.

vùng giới tuyến Vĩnh Linh, đến cầu Hiền Lương, bên kia là miền Nam, miền Nam trong trái tim Người, nơi tuổi thơ Người bao lần qua, nơi bến cảng Nhà Rồng Người “đi tìm hình của nước”... Bác chia sẻ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rằng: “Quê mình ở huyện Nam Đàn, xứ Nghệ...

Rồi từ cảng Sài Gòn đi qua Pháp, Nga, Trung Quốc, có lúc đến các nước châu Phi, châu Âu, châu Mỹ... thế mà hôm nay chỉ mới đến được Đồng Hới. Chưa về tới miền Nam yêu dấu. Mẹ mình mất ở Huế. Mộ cha thì ở Cao Lãnh... Quê mình thực sự kéo dài trên cả nước!”. Lời gan ruột của Bác hòa cùng tiếng sóng Nhật Lệ, nghe da diết khôn cùng.

Nói chuyện với quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bác Hồ căn dặn: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết”.

Đúng như lời Bác dự đoán, tháng 2- 1965, đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quảng Bình trở thành nơi đụng độ đầu tiên của quân và dân miền Bắc XHCN với không lực Hoa Kỳ. Cho đến tháng 7 năm đó, khi nghe tin Quảng Bình bắn rơi 100 chiếc máy bay Mỹ, dù bận trăm công, ngàn việc Bác Hồ vẫn viết thư khen.

Bức thư có đoạn: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi...”. Từ đó, Quảng Bình có thêm một cái tên trìu mến, thân thương khác, theo lời ngợi khen của Bác Hồ- quê hương “Hai giỏi”.

Cơ quan Giao tế Quảng Bình thành lập vào ngày 21- 8- 1954 và giải thể tháng 7- 1988.  Trong 34 năm tồn tại, đặc biệt khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cơ quan Giao tế Quảng Bình tiếp đón rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm, làm việc tại Quảng Bình: Chủ tịch Cu Ba Phiđen Castros, vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanuc, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào Xuphanuvông; các đoàn khách quốc tế đến từ các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Cu Ba, Tiệp Khắc; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Nguyễn Lương Bằng; từ miền Nam ra có các đồng chí Nguyễn Thị Bình, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ...

Mộ ông Cả Yêm, người từng nấu cơm cho Bác Hồ tại cơ quan Giao tế Quảng Bình ngày Bác vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Mộ ông Cả Yêm, người từng nấu cơm cho Bác Hồ tại cơ quan Giao tế Quảng Bình ngày Bác vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Ông Nguyễn Thanh Đàm, nguyên cán bộ phụ trách cơ quan Giao tế nhớ lại: “Các đồng chí lãnh đạo tỉnh giao cho cơ quan Giao tế chuẩn bị bữa cơm trưa cho Bác Hồ. Bữa cơm rất giản dị, đậm dấu ấn vùng đất Quảng Bình: cá thu kho, bát canh chua, thịt lợn luộc, rau lang chấm mắm quầy...”

Bữa cơm trưa dọn ra, đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp mời Bác Hồ dùng bữa, ngoài ra còn có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bác Hồ rất thích món thịt lợn chấm mắm quầy, thứ mắm đặc sản của Quảng Bình. Bác ăn, khen ngon. Đồng chí Nguyễn Tư Thoan thấy Bác ăn ngon gọi bảo ông Đàm nhờ nhà bếp đưa thêm một dĩa thịt và bát mắm khác, nhưng Bác ngăn lại.

Bác nhẹ nhàng bảo: “Các chú đừng gọi thêm cho Bác, Bác dùng như vậy đủ rồi. Gọi thêm, Bác ăn không hết, ăn không hết để dở lại, ai ăn thừa cho chúng ta!”. Những người trong bữa cơm hôm đó im lặng, thấm sâu những lời của Bác. Chỉ một việc rất nhỏ nhưng là bài học lớn, đó là tính cần kiệm và ý thức chăm lo, yêu thương, tôn trọng của Bác Hồ với những người sống quanh mình.

Người trực tiếp nấu cơm trưa phục vụ cho Bác Hồ ngày Bác vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh tại cơ quan Giao tế là ông Cả Yêm. Trong cuốn sơ thảo lịch sử cơ quan Giao tế Quảng Bình có nhắc lại mối quan hệ khá mật thiết giữa Bác Hồ và ông Cả Yêm vào khoảng thời gian Bác Hồ xuất dương, bôn ba tìm đường cứu nước. Những dòng sơ thảo vốn rất chung chung, chỉ biết ông Cả Yêm là người Quảng Trạch. Sau ngày Bác Hồ trở ra Thủ đô, ông Cả Yêm cũng được lệnh ra theo phục vụ Người tại Phủ Chủ tịch.

Hành trình theo chân Bác trên đất Quảng Bình, may mắn cho tôi thế nào mà về tại xã Quảng Phúc. Khi cùng ngồi trò chuyện với anh Nguyễn Tiến Thành, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phúc nhắc đến một người Quảng Trạch từng phục vụ nấu ăn cho Bác Hồ có cái tên Cả Yêm, anh Thành mừng rỡ xác nhận: “Ông Cả Yêm là người trong xã, bây giờ phần mộ của ông đang an táng tại nghĩa trang liệt sỹ”.

Di tích nơi ngày xưa Bác Hồ từng tắm bên bờ biển Nhật Lệ.
Di tích nơi ngày xưa Bác Hồ từng tắm bên bờ biển Nhật Lệ.

Chúng tôi thắp hương trên phần mộ giản dị của ông Cả Yêm, mới biết rõ thêm về thân thế của ông. Ông Cả Yêm tên thật là Nguyễn Văn Yêm, sinh năm 1894, nhà lão thành cách mạng 1930 (theo ghi chú trên bia mộ), sau khi tạ thế tại Hà Nội, thể theo nguyện vọng của ông, gia đình cải táng đưa vào quê chôn tại nghĩa trang liệt sỹ xã. Ngôi mộ bình thường như bao mộ chí liệt sỹ khác hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với Quảng Bình, tình cảm Bác Hồ bao la như biển cả, mỗi chiến công trong chiến đấu hay mỗi thành quả trong phong trào hợp tác hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội tại quê hương “Hai giỏi” Bác đều quan tâm, cổ vũ, động viên sát sao. Sau thư khen quân và dân Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ, khi Quảng Bình tiếp tục bắn rơi 200 máy bay Mỹ, bắn rơi 400 máy bay Mỹ, bắn rơi 500 máy bay Mỹ hay bắn cháy chiếc máy bay Mỹ thứ 3.000 trên bầu trời miền Bắc... Bác Hồ đều gửi thư.

Ngày 18-1-1967, nói chuyện tại lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp huyện toàn miền Bắc, Bác Hồ tự hào dành cho Quảng Bình những lời ngợi khen “có cánh”: “...Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng: Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Tháng sáu này... người dân Quảng Bình nhớ Bác khôn cùng, nhớ 57 năm trước Người từ biệt với lời hẹn “Bác về, rồi Bác lại vô”.

Ngô Thanh Long

Kỳ cuối: Tượng Bác Hồ tạc giữa lòng dân