.

Tháng năm trên đường 20 huyền thoại - Kỳ I: Ba tháng và hơn ngàn ngày

Thứ Bảy, 17/05/2014, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Mười bảy giờ ba mươi phút ngày 30 Tết Bính Ngọ năm 1966, Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường 20 phát xuất từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) “chọc thủng Trường Sơn” qua các địa danh Trạ Ang, Ba Thang, Khe Diêm, A Ki, Ta Lê, đèo Phu La Nhích... và gặp đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm trên đất Lào. Đường 20 Quyết Thắng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “Là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và thanh niên xung phong (TNXP) làm nên”. Để hoàn thành 125 km toàn tuyến trong điều kiện cực kỳ khó khăn, máy bay Mỹ đánh phá suốt đêm ngày, bộ đội, công binh, TNXP chỉ mất thời gian hơn ba tháng, chính xác là 97 ngày đêm.

Khi chúng tôi đặt chân lên đường 20 Quyết Thắng, thời gian không còn mấy ngày nữa là cả nước kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, cũng nhân dịp đường Hồ Chí Minh tròn 55 tuổi (19- 5- 1959 - 19- 5- 2014).

Chỉ kịp thắp những nén hương tại hang Tám TNXP, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 và hang Y tá thì trời bắt đầu đổ mưa. Mưa Trường Sơn mùa này ào ào như thác đổ. Cả đại ngàn chìm trong mưa... càng đi sâu, ngược lên phía tây, gần với đất Lào, mưa càng nặng hạt hơn. Bất chợt lại nhớ đến hai câu ca nằm lòng của thế hệ thanh niên, nam nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hai câu ca trở thành phương châm hành động, chân lý sống một thời: “Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.

Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngợi khen năm xưa về đường 20 Quyết Thắng “chọc thủng Trường Sơn” là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan... đưa ký ức chúng tôi quay ngược thời gian để nhớ lại những tháng năm sống, chiến đấu hy sinh của bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến... dọc tuyến đường mà hôm nay chúng tôi đang tiếp bước.

Khi khối bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch (ngày 21-1-1966, nhằm 30 Tết Bính Ngọ), từ hai phía đông, tây lực lượng làm đường đều đồng loạt ra quân. Theo mũi tiền phương “rọc đường”, dự kiến toàn tuyến dài 125km, trong đó 41km xuyên giữa vùng đá vôi chênh vênh, bên vách núi, bên vực sâu. Chỉ lệnh của Quân ủy Trung ương cho phép thời gian mở đường không quá 105 ngày, nên kế hoạch được quán triệt một ngày phải xong một km mặt đường.

Đường 20 Quyết Thắng xuyên giữa đại ngàn Trường Sơn.
Đường 20 Quyết Thắng xuyên giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tham gia mở đường cùng với bộ đội có các đội TNXP: Đội 25 Hà Nam, Đội 23 Hà Tĩnh, Đội 4 Ninh Bình, Đội 3 Quảng Bình, Đội 8 Thái Bình- Hà Tây, về sau bổ sung thêm lực lượng TNXP nhiệm kỳ 2 đến từ tỉnh Thanh Hóa. Trong tổng số 4.000 người tham gia mở đường có trên 40% là nữ.

Đường thi công hết sức bí mật, mở đến đâu, ngụy trang đến đó. Mũi phía đông đảm nhận đoạn từ Phong Nha đến ngầm Ta Lê. Mũi phía tây (còn gọi là Công trường 128) chọc thủng đèo Phu La Nhích, làm cầu cống băng qua sông Chà Là, Ta Lê là hai phụ lưu của sông Xê Băng Phai. Ngày 14- 4- 1966, hai mũi gặp nhau ngay khu vực biên giới Việt- Lào. Tuyến đường vượt khẩu mang tên tuổi trẻ 20 chính thức khai thông. Đường 20 Quyết Thắng hoàn thành với những kỷ lục: thời gian thi công ngắn nhất; khối lượng đất đá đào đắp trên 1 triệu m3; xây dựng hàng trăm cầu cống, ngầm tràn vượt sông suối...

Tháng 5-1966, máy bay địch phát hiện ra đường 20 Quyết Thắng, cũng từ đây đường 20 trở thành nơi đối đầu khốc liệt, nơi thử thách ý chí, bản lĩnh kiên cường của những chàng trai, cô gái lứa tuổi hai mươi với các phương tiện chiến tranh cực kỳ tối tân, hiện đại của đế quốc Mỹ. Hàng nghìn tấn bom đạn trút xuống đường 20 nhằm hủy diệt tuyến “rọc ngang” Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường oằn mình dưới mưa bom, bão đạn quân thù nhưng chưa bao giờ bị tắc. Hàng loạt trọng điểm bắn phá ác liệt máy bay Mỹ thường xuyên “để mắt” đến như Trạ Ang, Khe Diêm, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích... Từ trong bom đạn khốc liệt, bộ đội, TNXP phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng chói sáng, quyết tâm bám đường, bám trọng điểm “một tấc không đi, một ly không rời”.

Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT), liệt sỹ Nguyễn Thị Nhạ, TNXP Đội 25 Hà Nam, tham gia mở đường tại đèo Phu La Nhích và anh dũng hy sinh nơi chân đèo này. Anh hùng LLVT, liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu, Đội TNXP Hà Nam, dũng sỹ phá bom nổ chậm trên trọng điểm cua chữ A với sáng kiến ngồi sát bên quả bom, bình tĩnh đào đặt mìn theo hình phễu để phá được bom nổ chậm nhưng mặt đường bớt hư hỏng. Anh hùng LLVT Vũ Tiến  Đề, TNXP Đội 8 Thái Bình, chiến sỹ lái máy ủi, mặc máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá cua chữ A, anh vẫn bình thản lái xe, gạt ủi hàng nghìn quả bom xuống vực sâu, san ủi đất đá bảo đảm thông tuyến, thông đường...

Công trình tượng đài tái hiện lại sự hy sinh anh dũng của 8 TNXP trên đường 20 do tỉnh Thanh Hóa xây dựng hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Trường  Sơn.
Công trình tượng đài tái hiện sự hy sinh anh dũng của 8 TNXP trên đường 20 do tỉnh Thanh Hóa xây dựng hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Trường Sơn.

Trên con đường huyền thoại năm xưa, bây giờ vẫn còn những câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh anh dũng của bộ đội, TNXP: những người vượt qua ngầm Trạ Ang trong khói lửa bom napan để vận chuyển xăng dầu; chuyện về nữ TNXP Nguyễn Thị Sặng (quê quán Thanh Hóa) nơi hang Y tá; chuyện của tám TNXP quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa hy sinh trong hang đá bên đường 20 tại km16...

Hơn ba tháng dệt nên con đường huyền thoại chi viện cho chiến trường miền Nam. Đất nước hòa bình, thống nhất, đường 20 Quyết Thắng lùi dần vào ký ức. Thời gian trôi, vết thương chiến tranh lành kín miệng. Thế hệ bộ đội, TNXP từng sống, chiến đấu trên từng cung đường 20 ngày về cũng chưa kịp hẹn trở lại thăm chiến trường xưa, thắp nén nhang tri ân hàng nghìn đồng chí, đồng đội mình ngã xuống.

Phía sâu hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn, bắt đầu từ km 39 đến km 61- Cà Roòng giáp vùng biên giới với nước bạn Lào là địa bàn trú ngụ của hai tộc người A Rem, Ma Coong xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Trong chiến tranh, đồng bào trung trinh một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ chở che, đùm bọc bộ đội, TNXP sống, chiến đấu, bảo vệ đường 20. Trong thời bình, có một khoảng thời gian 10 năm trời, cuộc sống của hai tộc người A Rem, Ma Coong hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, với đồng bằng. Đường 20 xuống cấp, phủ kín màu thời gian và cỏ dại hoang tàn như là bức tường vô hình khiến vùng biên viễn phía tây huyện Bố Trạch vời vợi xa...      

Thi công nâng cấp, mở rộng đường 20.
Thi công nâng cấp, mở rộng đường 20.

Tri ân với thế hệ tuổi 20 từng sống, chiến đấu, hy sinh trên đường Quyết Thắng, đã có không ít công trình tưởng niệm, tâm linh hình thành dọc cung đường: Bảo tàng đường Trường Sơn ngoài trời, di tích ngầm Trạ Ang, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20, hang Tám TNXP, hang Y tá... rồi đây sẽ có thêm các tượng đài tại cua chữ A, ngầm Ta Lê gần sát biên giới Việt-  Lào. Lại nữa, để giúp đỡ đồng bào A Rem, Ma Coong xích gần hơn với phía đồng bằng, xóa thế cô lập để bà con định canh, định cư, xây dựng cuộc sống mới... cần phải nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, làm mới lại đường 20.

Vào một ngày đẹp trời của tháng 3-2011, Dự án nâng cấp, mở rộng đường 20 Quyết Thắng từ km số 0 đến km 61 chính thức được Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Bình khởi công với tổng số vốn hơn 384 tỷ đồng. Dự án chia thành hai phân khúc: từ km số 0 đến km 40 do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư, trị giá 230 tỷ đồng. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư phân khúc thứ hai bao gồm hai gói thầu: tuyến đường tuần tra biên giới từ bản Cà Roòng II ra cột mốc trị giá 80 tỷ đồng; tuyến đường từ km 41 lên Đồn Biên phòng Cà Roòng, mức đầu tư 74 tỷ đồng.

Thi công trong một địa thế rất khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, dù các doanh nghiệp trúng thầu huy động mọi nguồn lực, con người, xe máy cố gắng chạy đua cùng thời gian nhằm cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 6- 2012, nhưng vẫn đành lỗi hẹn. Đường 20 trong giai đoạn “thoát thai” thành hình hài khang trang, hiện đại trong tương lai như một đại công trường ngổn ngang đá, sỏi, bùn, đất... cầu cống, ngầm sâu, ta luy âm, ta luy dương dở dang. Từ Phong Nha, muốn lên với đồng bào dân tộc Ma Cong xã Thượng Trạch chật vật mất cả ngày đường trên các phương tiện là xe Uoat, Din ba cầu, xe chuyên dụng.

Hơn một nghìn ngày thi gan với bao khó khăn, gian khổ, cuối cùng thì đường 20 Quyết Thắng, con đường huyền thoại xưa, con đường của thời kỳ hòa bình, giúp vùng biên viễn phía tây huyện Bố Trạch, giúp đồng bào A Rem, Ma Cong xích lại gần hơn với đồng bằng cũng đã hoàn thành.

Các già làng của 18 bản xã Thượng Trạch chứng kiến con đường 20 được phủ nhựa phẳng lỳ đến tận cửa khẩu Cà Roòng-Noọng Ma ưng cái bụng lắm. Họ bảo rằng: bản làng chính thức khởi sắc từ đây!

Ngô Thanh Long

Bài II: Những kỳ tích trên cua chữ A