.

Khám phá xứ sương mù Đà Lạt - Kỳ 2: Đến Đà Lạt học cách làm du lịch

Thứ Hai, 12/08/2013, 07:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Một trưa tháng 7-2013, giữa lúc những tia nắng mặt trời chói chang từ từ rọi xuống, anh tài xế tắt vội máy điều hòa, hạ hết tất cả các cửa kính trên xe để cho mọi người trong đoàn chúng tôi cùng tận hưởng cái cảm giác se se lạnh “độc đáo” giữa mùa hè; được ngắm nhìn và khám phá một Đà Lạt vừa hiện đại, vừa cổ kính với nhiều ngôi biệt thự kiểu Pháp thấp thoáng giữa bạt ngàn rừng thông. Và thú vị hơn khi được trực tiếp “mục sở thị” và học tập cách khai thác các tiềm năng du lịch rất hiệu quả của tỉnh bạn...

>> Kỳ 1: Đà Lạt và những tên gọi khác

Du lịch Đà Lạt - tiềm năng đã được “đánh thức”

Những ngày lưu trú tại Đà Lạt, chúng tôi đã tham quan và tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa và tận mắt chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng như: hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở, thác Cam Ly, thác Prenn, đồi Mộng Mơ, núi Langbiang, thung lũng Tình yêu, Thiền viện Trúc Lâm, nhà thờ Con Gà, Vườn quốc gia Cát Tiên, ga Đà Lạt, dinh Bảo Đại... Có thể nói, Đà Lạt chính là nơi hội tụ rất nhiều yếu tố “thiên thời địa lợi” để đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch.

Nằm ở cuối dải đất Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng được coi là giao điểm của 3 vùng: Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Vậy nên, Lâm Đồng - Đà Lạt thường là điểm đến trong các tour du lịch từ các vùng miền này. Cũng từ đó, trong con mắt du khách, họ đòi hỏi Đà Lạt - Lâm Đồng phải có sự khác biệt hơn, độc đáo hơn, ấn tượng hơn... Nhưng, làm thế nào để sản phẩm du lịch không nhàm chán với du khách, không trùng lặp với các vùng miền khác.

Thực tế cho thấy, nếu không biết tận dụng những tiềm năng và lợi thế về du lịch đúng cách thì tiềm năng cũng chỉ là... tiềm năng, thậm chí còn gây ra những tác động xấu về môi trường, xã hội... Điều đáng khâm phục, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã biết khai thác và phát huy các giá trị này một cách rất hiệu quả, Lâm Đồng đã sớm xây dựng được một “thương hiệu du lịch Đà Lạt” nổi tiếng và trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như đối với bạn bè quốc tế.

Du lịch đã trở thành mũi nhọn chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương này. Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên-Đà Lạt với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên” với 45 sự kiện chính. Đây chính là “cơ hội vàng” để tỉnh Lâm Đồng tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; tận dụng và phát huy thế mạnh về thắng cảnh thiên nhên, di sản văn hóa phong phú và đặc sắc quảng bá cho điểm đến du lịch Việt Nam; tăng lượng khách du lịch cho khu vực, đặc biệt là du khách quốc tế...

Các nghệ nhân tỉnh Lâm Đồng biểu diễn nhạc cụ Tây Nguyên.
Các nghệ nhân tỉnh Lâm Đồng biểu diễn nhạc cụ Tây Nguyên.

“Trông người mà ngẫm đến ta”

Dải đất Quảng Bình như một bức tranh, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng như: đèo Ngang, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, bãi biển Đá Nhảy, phá Hạc Hải, Cổng Trời, suối nước nóng Bang. Đặc biệt, tỉnh ta có Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Bên cạnh đó, Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hoá Bàu Tró, nhiều di tích lịch sử như: Quảng Bình Quan, Lũy Thầy, Rào Sen, Thành Nhà Ngo, thành quách của thời Trịnh - Nguyễn. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp và Mỹ xâm lược, Quảng Bình đã xuất hiện nhiều địa danh nổi tiếng như: Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v...

Trong quá trình lịch sử, tại mảnh đất Quảng Bình đã hình thành nhiều làng văn hoá nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như “Bát danh hương”: “Sơn- Hà- Cảnh - Thổ- Văn- Võ- Cổ - Kim”. Nhiều danh nhân tiền bối học rộng, tài cao và nổi tiếng xưa và nay trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hóa - xã hội như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hàm Ninh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp...
Thế nhưng, thực tế cho thấy việc khai thác các tiềm năng, giá trị kinh tế du lịch ở Quảng Bình vẫn chưa thực sự có sự bền vững, phát huy tối đa hiệu quả.

Mặc dù không phải là những người có chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh, phát triển du lịch, nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số kinh nghiệm học được từ tỉnh bạn.

Chẳng hạn, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, tỉnh Lâm Đồng rất khéo léo trong việc liên kết, kết nối các tour, tuyến, địa điểm kinh doanh du lịch tại địa phương mình với nhau cũng như với các tỉnh bạn. Hoạt động quảng bá về du lịch cũng được tỉnh này đặc biệt chú trọng quan tâm. Chính nhờ đó mà Lâm Đồng- Đà Lạt đã “níu chân” được du khách lưu trú tại đây với thời gian dài hơn; việc chi “hầu bao” cho chuyến du lịch của mình cũng “thoáng” hơn... Điều đáng nói là sau khi rời Lâm Đồng-Đà Lạt, nhiều du khách luôn tỏ ra hài lòng, và mong muốn được tiếp tục trở lại mảnh đất này để khám phá thêm.

Nhiều du khách rất thích thú được cưỡi voi và chụp ảnh.
Nhiều du khách rất thích thú được cưỡi voi và chụp ảnh.

Đồng nghiệp Duy Danh ở Báo Lâm Đồng chia sẻ với chúng tôi: “Nhiều du khách đã từng thổ lộ, sau khi tới Đà Lạt tham quan đồi Mộng Mơ, họ không khỏi tò mò và ham muốn được tiếp tục tới tham quan thung lũng Tình yêu, hồ Than Thở... Tại mỗi địa điểm dành cho khách tham quan, ngoài những tiềm năng sẵn có, những người làm công tác kinh doanh du lịch ở Đà Lạt đã biết tạo ra sự hấp dẫn, mới lạ, cung cách phục vụ rất chu đáo, tận tình, thu hút sự tò mò cũng như làm hài lòng đối với du khách...

Chẳng hạn, khi đến tham quan đồi Mông Mơ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loại hoa đẹp, mắt thấy tai nghe những nghệ nhân trực tiếp biểu diễn sân khấu cồng chiêng; các bài hát bằng tiếng dân tộc, tiếng Kinh gắn với sinh hoạt của đồng bào bản địa như cúng mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu; chơi những nhạc cụ như đàn tơ rưng, đàn đá... Vui hơn là du khách có thể nhảy hòa vào nhịp chiêng với những người anh em, đắm mình trong những vũ điệu âm nhạc núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Ngoài ra, du khách còn được xem các cô gái dân tộc dệt thổ cẩm, xem các thiếu nữ chân trần giã gạo, xem nấu rượu cần và thưởng thức rượu cần Mộng Mơ, uống trà Atissô miễn phí...”.

Sự khéo léo của những người làm công tác kinh doanh, khai thác tiềm năng du lịch ở Đà Lạt còn thể hiện ở chỗ họ đã biết tạo ra những “điểm nhấn” rất đặc sắc. Chẳng hạn, tại thung lũng Tình yêu, chỉ với một ngọn đồi, một hồ nước cùng một câu chuyện truyền thuyết rất lãng mạn về tình yêu..., nhưng những người làm du lịch ở Đà Lạt đã biết tạo ra những “điểm nhấn” bằng cách trồng vào đó những loài hoa đẹp (đa số là những loài hoa ẩn chứa hàm ý biểu tượng cho tình yêu) như hoa hồng, hoa sim...

Bên cạnh đó, nơi đây người ta còn dựng lên bức tượng vệ nữ thành Milo- một biểu tượng cho tình yêu và sắc đẹp; đặt những chiếc ghế đá có khắc hình hai trái tim; trang trí cho những chiếc xe điện, xe ngựa như những chiếc xe hoa ngày cưới... Nói chung, khi đến tham quan tại các danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt, du khách tha hồ lựa chọn cho mình một vị trí rất “ưng ý” để chụp ảnh lưu niệm.

Ngoài ra, du khách còn được thỏa thích mua sắm những sản phẩm lưu niệm, làng nghề truyền thống mang đặc trưng Đà Lạt được bày bán ngay cạnh điểm tham quan... Đến tham quan tại Đà Lạt, du khách sẽ không sợ gặp cảnh bị chặt chém về giá cả. Thế nhưng, ngoài tấm vé mua để được vào cổng, nếu du khách muốn chụp ảnh cưỡi voi, ngựa, đà điểu, ngồi xe điện, mua sắm... thì phải chấp nhận móc hầu bao trả thêm.

                                                                             Văn Minh