.

Xử lý nghiêm tàu giã cào ngoại tỉnh vi phạm vùng biển ven bờ

Thứ Sáu, 14/07/2017, 10:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo quy định, tàu giã cào có công suất lớn từ 90CV trở lên chỉ được phép khai thác tại vùng biển khơi, không được phép khai thác tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều tàu cá công suất lớn đã đánh bắt dưới hình thức giã cào ngay trong vùng bờ và vùng lộng, lực lượng Kiểm ngư tỉnh đã và đang tăng cường tuần tra và xử lý các tàu cá vi phạm.

Tàu giã cào, hay còn gọi là tàu lưới kéo, sử dụng tàu cá 1 chiếc (tàu lưới kéo đơn) hoặc 2 chiếc (tàu lưới kéo đôi) có công suất lớn kéo ngư cụ là lưới kéo để đánh bắt hải sản. Thời gian gần đây, vào tầm khoảng tháng 3 đến tháng 6, vùng biển ven bờ tỉnh ta thường xuất hiện tình trạng tàu giã cào đôi ngoại tỉnh có công suất lớn khai thác thủy sản trái phép. Việc khai thác dùng lưới kéo đánh bắt không có tính chọn lọc, đánh bắt tất cả các loài thủy sản trên đường đi, kể cả cá thể non, đang mang trứng, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản, làm suy giảm, hủy hoại hệ sinh thái biển ven bờ.

Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng, cần được bảo vệ và phục hồi. Đây cũng là nỗi ám ảnh của ngư dân khai thác hải sản hợp pháp tại vùng biển ven bờ, bởi tàu giã cào tranh chấp ngư trường, làm mất, hư hỏng ngư lưới cụ, như: lưới, chài, rập, bóng mực..., tạo bức xúc, gây xung đột trên biển. Các tàu giã cào thường lén lút vi phạm, khai thác cả ngày lẫn đêm, khi bị phát hiện thì bỏ chạy hoặc chống đối để tránh bị bắt giữ, xử lý của các cơ quan chức năng.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý tàu vi phạm; giám sát, vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác thủy sản tầng đáy tại vùng biển ven bờ.

Lực lượng Kiểm ngư tăng cường tuần tra tình trạng tàu giã cào công suất lớn ngoại tỉnh vi phạm vùng ven biển của tỉnh.
Lực lượng Kiểm ngư tăng cường tuần tra tình trạng tàu giã cào công suất lớn ngoại tỉnh vi phạm vùng ven biển của tỉnh.

Mặt khác, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND phân cấp quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển ven bờ cho cấp huyện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản và khai thác trái phép của tàu giã cào.

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý tàu giã cào khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ; tổ chức cho 94 chủ tàu, thuyền trưởng tàu giã cào ngoại tỉnh neo đậu trên địa bàn ký cam kết không vi phạm quy định về khai thác thủy sản. Năm 2016, cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hành chính 14 trường hợp, xử phạt 336 triệu đồng.

Riêng trong sáu tháng đầu năm 2017, cơ quan chức năng đã tổ chức 10 đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 62 trường hợp, với số tiền xử phạt 578 triệu đồng, đặc biệt trong đó có 15 trường hợp tàng trữ, sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, xử phạt 71 triệu đồng, tịch thu 15 bộ kích điện; 20 tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ, xử phạt 480 triệu đồng.

Ngoài ra, Sở đã phối hợp Cục Kiểm ngư tổ chức 1 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển tỉnh, phát hiện, và lập biên bản xử lý 2 trường hợp tàu giã cào sử dụng xung điện khai thác. Lực lượng Biên phòng tỉnh đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương không cấp phép đóng mới tàu giã cào cũng như chuyển đổi các nghề khác sang nghề giã cào, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển.

Đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã tuyên truyền quy định pháp luật về thủy sản và khuyến cáo ngư dân không sử dụng các nghề khai thác thủy sản tầng đáy ở vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Nhờ làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2017, tình hình vi phạm trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã giảm, tình trạng tàu giã cào khai thác sai tuyến, tàng trữ và sử dụng xung điện khai thác đã hạn chế.

Để hạn chế tình trạng trên, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động khai thác ở vùng biển xa, thông qua việc khuyến khích, tạo điều kiện để ngư dân đầu tư, nâng cấp tàu cá, ngư cụ khai thác; khuyến khích phát triển tàu dịch vụ khai thác thuỷ sản trên biển; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thông tin liên lạc tàu cá trên biển với Trạm Bờ bảo đảm thông suốt, tránh nghẽn tín hiệu tạo nguồn lực giúp ngư dân yên tâm tập trung khai thác vùng biển xa; tuyên truyền, vận động và chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tiếp tục đăng ký đóng mới tàu vỏ gỗ, vỏ sắt, tàu dịch vụ khai thác công suất lớn để đánh bắt vùng biển xa, nâng cao hiệu quả.

Trong thời gian tới, để bảo vệ, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản và kịp thời ngăn chặn tàu giã cào vi phạm khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng; các địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đã được phân cấp. Mỗi người dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm và hiểu biết về pháp luật.

Khi phát hiện các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản, bà con cần kịp thời phản ánh lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý tàu cá; giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục, hồ sơ cho bà con, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trên sông, biển nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm khai thác, nhất là tàu giã cào ngoại tỉnh khai thác sai tuyến và tình trạng sử dụng xung điện khai thác.

Hiền Phương