.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh ta

Thứ Năm, 10/03/2016, 07:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 20-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về đăng ký, quản lý hộ tịch. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Lài, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh ta.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của công tác đăng ký hộ tịch?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền các cấp nhằm theo dõi thực trạng, sự biến động về hộ tịch. Thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch giúp xác định các thông tin về nhân thân của một người.

Đồng thời giúp cho cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi chỉnh sửa các giấy tờ hộ tịch để trốn tránh nghĩa vụ hoặc trốn tránh trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật. Những số liệu có được từ đăng ký, quản lý hộ tịch là dữ liệu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Mặt khác, nó là hoạt động thể hiện tập trung, sinh động mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; là phương tiện để người dân thực hiện, hưởng các quyền nhân thân được ghi nhận trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các quy định khác. Trên cơ sở đó nhằm bảo đảm thực thi quyền con người và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư...

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những điểm mới căn bản của Luật Hộ tịch so với pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch hiện hành?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: So với các chế định pháp luật trước đây về hộ tịch thì Luật Hộ tịch năm 2014 đã có những điểm mới cơ bản như sau:

- Khẳng định ví trí, vai trò của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh. Theo Luật căn cước công dân, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với người dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân được ghi vào giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp thẻ căn cước công dân.

Để triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hộ tịch, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã luôn được Sở Tư pháp chú trọng
Để triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hộ tịch, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã luôn được Sở Tư pháp chú trọng

- Quán triệt quan điểm phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, cơ sở nhằm phát huy tối đa, năng lực trách nhiệm của chính quyền địa phương, Luật quy định UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (trước đây nhiệm vụ này thuộc UBND cấp tỉnh); thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại dân tộc. UBND cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại.

- Luật có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Luật cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, Luật Hộ tịch quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.

- Luật quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Luật quy định rõ việc miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước và một số quy định mới khác.

- Phóng viên: Từ những điểm mới trên, vậy trình độ và năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở địa phương, cơ sở tỉnh ta hiện nay đã đáp ứng được theo quy định của Luật Hộ tịch không, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Qua kết quả rà soát ở tỉnh ta 100% công chức làm công tác hộ tịch ở các Phòng Tư pháp cấp huyện đều có trình độ đại học Luật và có trình độ tin học phù hợp với yêu cầu công việc. Ở cấp xã, có 161 công chức làm công tác hộ tịch (trong đó: 107 công chức có ngạch chuyên viên; 54 công chức có ngạch cán sự. Về trình độ chuyên môn: 1 Thạc sỹ Luật; 106 công chức có trình độ đại học Luật; 45 công chức có trình độ trung cấp Luật; 7 công chức có trình độ trung cấp khác; 2 công chức có trình độ đại học, cao đẳng khác).

Như vậy, qua kết quả rà soát so với tiêu chuẩn quy định của Luật Hộ tịch, thì đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn còn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp xã  thì vẫn còn một số công chức chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

- Phóng viên: Điểm nổi bật của Luật Hộ tịch là tiếp tục đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký và cấp giấy khai sinh, gắn với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Đồng chí có thể cho biết cụ thể lộ trình cấp số định danh cá nhân ở tỉnh ta được triển khai như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã thực hiện thí điểm cấp số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Theo lộ trình thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” đã được Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11-12-2015, thì đề án được thực hiện trong 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Từ năm 2015 đến tháng 6-2017 xây dựng phần mềm đăng ký hộ tịch; thí điểm cài đặt phần mềm tại một số tỉnh; sơ kết việc thực hiện thí điểm; tiếp tục hoàn thiện để triển khai trên diện rộng.

Giai đoạn 2: Từ tháng 7-2017 đến tháng 12-2019: Hoàn thiện thể chế về quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; thiết lập cơ chế kết nối, thông tin giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch, cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; hoàn thiện phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch theo tiêu chuẩn dùng chung, vận hành hệ thống thông tin hộ tịch điện tử thống nhất trên toàn quốc; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc...

Giai đoạn 3: từ 1-1-2020 trở đi: Củng cố, hoàn thiện, vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hệ thống thông tin hộ tịch điện tử thống nhất trên toàn quốc và Cơ quan đại diện; bảo đảm, quản lý, khai thác, sử dụng an toàn, hiệu quả.

Với lộ trình thực hiện như vậy, thì việc triển khai cấp số định danh cá nhân ở tỉnh ta cũng được thực hiện trong giai đoạn 2 của đề án, tuy nhiên với trách nhiệm của cơ quan tham mưu, Sở Tư pháp sẽ báo cáo xin ý kiến lãnh đạo tỉnh nếu được sẽ đề xuất Bộ Tư pháp cho tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện thí điểm trong giai đoạn 1 nhưng với điều kiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ quan đăng ký hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã phải được trang bị đồng bộ, thống nhất.

- Phóng viên: Vậy, để triển khai thi hành Luật Hộ tịch đồng bộ, hiệu quả, hiện nay còn những khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Theo Luật Hộ tịch là hướng đến hiện đại hóa phương thức đăng ký và cấp các giấy tờ hộ tịch bằng hệ thống thông tin hộ tịch điện tử nên để triển khai Luật Hộ tịch ở tỉnh ta có một số khó khăn, vướng mắc như:

Thứ nhất, đội ngũ công chức làm công tác tư pháp hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã mặc dù cơ bản đã đạt các tiêu chuẩn theo quy định nhưng để thực hiện thành thạo các kỹ năng như: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, việc nắm bắt và giải quyết các sự kiện hộ tịch, nhất là các sự kiện hộ tịch mới được chuyển giao thẩm quyền; trở ngại về ngoại ngữ, về cộng tác viên phiên dịch trước mắt các địa phương sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa nhiệm vụ giao cho phòng Tư pháp và công chức Tư pháp-Hộ tịch rất nhiều, trong lúc biên chế lại hạn chế nên trong cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Thứ hai, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã chưa được trang bị đầy đủ, đồng bộ và thống nhất, nhất là điều kiện cơ sở vật chất cho việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. 

Thứ ba, ngoài việc nắm chắc các quy định của pháp luật về hộ tịch còn phải nắm chắc các quy định khác có liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Quốc tịch... ngoài ra còn phải nắm chắc, hiểu rõ phong tục, tập quán.

Tuy nhiên thời gian qua, kinh phí cấp riêng  để triển khai Luật Hộ tịch chưa được cấp, vì vậy khó khăn trong việc thực hiện là đương nhiên, trong đó việc mở các lớp tập huấn nghiệp vụ riêng và chuyên sâu cho đội ngũ người làm công tác hộ tịch chưa được thực hiện mà chỉ tập huấn nghiệp vụ tư pháp chung như trước đây chưa có Luật cho công chức Tư pháp-Hộ tịch. Đây cũng là một trong những khó khăn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, quản lý hộ tịch là một nội dung rất quan trọng trong quản lý dân cư, số định danh cá nhân và các thông tin khác trong giấy khai sinh cũng là những thông tin trong thẻ Căn cước cần phải có. Hiện nay, thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Luật Căn cước công dân, có 16 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm  cấp thẻ căn cước công dân từ 1-1-2016, trong đó có tỉnh Quảng Bình.

Đáng tiếc là chỉ có 4 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh từ 1-1-2016. Nếu các tỉnh, thành phố nào đã làm thí điểm thì nên thí điểm cả hai lĩnh vực cho đồng bộ thì thuận lợi hơn.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Ngọc Hải (thực hiện)