.
Ký sự pháp đình:

Người đàn bà không chịu... hoàn lương

Thứ Sáu, 04/03/2016, 20:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Bản thân đã từng có 5 tiền án về tội “trộm cắp tài sản” nhưng bà Thương vẫn “ngựa quen đường cũ” không chịu khó tu dưỡng, làm ăn để làm lại cuộc đời mà tiếp tục chọn cho mình con đường vào trại giam cũng bằng nghề cũ là trộm cắp tài sản...

 

 

Người đàn bà khắc khổ gần 50 tuổi đứng trước vành móng ngựa, không nghề nghiệp, chỉ mới học hết lớp 4 và là mẹ của hai đứa con đã trưởng thành hôm được đưa ra xét xử khá bình tĩnh, điềm đạm. Nhưng trong suốt phiên tòa bà Thương chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn Hội đồng xét xử vì cảm thấy quá xấu hổ cho mình và gia đình.

Câu chuyện phạm tội của bà Thương đã khiến không ít người trong hội trường xét xử hôm ấy giật mình khi biết rằng, là phận đàn bà, một mình giữa “ban ngày, ban mặt” mà bà đã thực hiện trót lọt 4 vụ trộm cắp xe máy táo tợn chỉ trong vòng có 5 ngày.

Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 7 giờ ngày 4-10-2015, bà Thương đi đến phòng khám A.B, lợi dụng sơ hở của chị N, bà đã lấy trộm 1 chiếc xe mô tô, có trị giá 8 triệu đồng và đem đi bán với giá 400 ngàn đồng cho chủ một cửa hàng phế liệu trên địa bàn.

Thấy kiếm tiền từ việc trộm cắp tài sản của người khác khá dễ dàng, khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày, bà Thương lại đi đến 1 phòng khám ở phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) lấy trộm 1 xe mô tô có trị giá 6 triệu đồng và đem bán tại chỗ cũ cũng với giá 400 ngàn đồng.

Không dừng lại, 4 ngày sau bà Thương lại tiếp tục trộm thêm 2 chiếc xe máy nữa và đem bán lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên, hành vi của bà Thương đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.

Lật lại hồ sơ của bà Thương, ít ai biết rằng, người đàn bà phạm tội đứng trước vành móng ngựa lại có một quá khứ khá “lừng lẫy”. Bản “thành tích” của bà đặt trên bàn Hội đồng xét xử là 5 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”. Lần phạm tội đầu tiên khi ấy bà Thương mới chỉ 35 tuổi và lần phạm tội gần đây nhất là năm 2012, lúc ấy bà Thương đã bị Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch xử 33 tháng tù giam. Tuy nhiên, sau khi chấp hành án phạt tù xong bà lại không chịu khó làm ăn, tu dưỡng mà tiếp tục dính vào vòng lao lý.

Ngày xét xử bà Thương, chỉ có vài người có liên quan đến vụ án đến dự, hầu như chẳng thấy bóng dáng người thân nào của bà tham gia. Vì họ biết rằng hành vi phạm tội của bà Thương chắc chắn lại phải trả giá trước pháp luật.

Suốt cả phiên tòa xét xử hôm ấy, bà Thương chẳng dám ngẫng mặt lên nhìn Hội đồng xét xử, chỉ cúi đầu trả lời những câu hỏi đã xem như quá quen thuộc đối với mình, thi thoảng bà lại lấy tay quệt ngang mặt.

Kết thúc phiên tòa, vị chủ tọa cho rằng hành vi của bà Thương đã trực tiếp xâm phạm đến tài sản của người bị hại, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng và bất bình trong quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Vị chủ tọa cũng nhấn mạnh rằng, bị cáo là người đã trưởng thành, có sức khỏe nhưng lại không chịu khó lao động, học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để trở thành công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội mà ngược lại do tham lam, hám lợi nên đã nhiều lần tìm cách phạm tội nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân. Bởi tội lỗi mà mình gây nên, bà Thủy đã bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.

Được cán bộ quản giáo dẫn ra xe về trại giam, bà Thương cúi mặt, bước chân vội vã. Cơn mưa cuối ngày bất chợt đổ, bà bước vội lên xe, bắt đầu với những tháng ngày dài đằng sau song sắt nhà giam.

Sự trả giá của bà Thương cho những tội lỗi mà mình gây ra là hoàn toàn xác đáng. Và đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang làm hoặc có ý định ăn sung, mặc sướng, sống nhàn hạ hưởng thụ bằng việc trộm cắp tài sản của người khác mà có.

Thiết nghĩ, nhu cầu “ăn sung mặc sướng” chỉ có ý nghĩa khi được tạo dựng bởi công sức lao động chân chính của mỗi người, ngược lại, nếu chọn con đường sai trái thì sớm muộn gì cũng phải trả giá đắt.

Ngọc Hải

---------------------------------------------

*Tên nhân vật đã được thay đổi.