.

Hòa giải trong việc giải quyết các vụ việc kinh doanh-thương mại: "Gỡ" khó cho các tranh chấp

Thứ Năm, 03/03/2016, 07:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Hòa giải tại Tòa án được xem là một trong những bước đi quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ việc kinh doanh-thương mại. Qua đó góp phần giữ ổn định các mối quan hệ kinh tế, tạo thuận lợi cho việc giải quyết án và quá trình thi hành án.

Năm 2015, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp đã giải quyết 107/109 vụ việc kinh doanh-thương mại, tăng 16 vụ so với năm 2014, đạt tỷ lệ 98%.  Riêng Tòa kinh tế (TAND tỉnh) đã giải quyết 33/33 vụ việc, trong đó có 17 vụ (chiếm tỷ lệ 51,5%) được hòa giải thành. Số vụ việc đã giải quyết đều bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết các vụ việc, trên cơ sở các tiêu chí thi đua của TAND Tối cao, lãnh đạo TAND tỉnh tập trung chỉ đạo các thẩm phán tích cực tìm nhiều biện pháp để tiến hành hòa giải.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Chánh tòa kinh tế (TAND tỉnh) thì, những năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ, nợ quá lâu làm phát sinh lãi lớn, do đó các đương sự khó có khả năng giải quyết nợ hết trong một lúc, dẫn đến bị khởi kiện. Đối với những trường hợp này, hòa giải tại tòa là một trong những bước đi giúp cho hai bên đương sự có được tiếng nói chung nhằm đi đến sự thỏa thuận, thống nhất, cùng nhau giải quyết các vướng mắc và tranh chấp.

Vụ việc tranh chấp kinh doanh-thương mại kéo dài và gay gắt có thể kể đến như vụ "Tranh chấp hợp đồng xây dựng" giữa Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Phú Cường (sau đây gọi tắt Công ty Phú Cường) và Công ty TNHH MTV Lệ Ninh (sau đây gọi tắt Công ty Lệ Ninh).

Vụ việc phát sinh từ năm 2013, nhưng đến năm 2015 vụ việc mới được các bên thỏa thuận theo những nội dung hòa giải tại TAND tỉnh. Theo nội dung vụ việc, ngày 30-11-2010, Công ty Phú Cường và Công ty Lệ Ninh ký kết hợp đồng xây dựng số 06/2010/HĐXD (gọi tắt hợp đồng số 06) xây dựng Trung tâm mua bán và giới thiệu sản phẩm của Công ty Lệ Ninh tại phường Phú Hải (TP.Đồng Hới), với giá trị hơn 4,8 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 180 ngày kể từ ngày khởi công. Thời gian bảo hành công trình là 12 tháng, kể từ ngày ký biên bản bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Ngày 15-6-2011, hai bên tiếp tục ký phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐKT (gọi tắt hợp đồng số 01) với nội dung gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng số 06 thêm 6 tháng.

Ngày 23-12-2011, Công ty Lệ Ninh và Công ty Phú Cường ký thêm phụ lục hợp đồng số 1506/PLHĐ để bổ sung khối lượng điều chỉnh tăng và giảm do xử lý kỷ thuật, với giá hơn 134 triệu đồng. Nâng tổng giá trị toàn bộ công trình lên gần 5 tỷ đồng.

Ngày 15-3-2013, hai bên ký biên bản xác nhận hết thời gian bảo hành công trình và Công ty Lệ Ninh thanh toán giá công trình như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, trước đó, vào ngày 3-2-2013, Công ty Lệ Ninh đã ra quyết định số 147/QĐ-CT để xử phạt Công ty Phú Cường số tiền 36 triệu đồng, do thi công công trình chậm tiến độ.

Khởi kiện tại tòa, phía Công ty Phú Cường cho rằng, trong thời gian thi công công trình, Nhà nước có văn bản điều chỉnh tiền lương, giá nhân công, vật liệu... nhưng Công ty Lệ Ninh không đồng ý lập hồ sơ điều chỉnh tăng giá thêm để thanh toán cho công ty này.

Nhiều lần, Công ty Phú Cường đã phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tư vấn quản lý dự án lập hồ sơ dự toán điều chỉnh bổ sung và yêu cầu Công ty Lệ Ninh thanh toán số tiền bù giá là hơn 533 triệu đồng. Đồng thời, Công ty Phú Cường yêu cầu Công ty Lệ Ninh trả lại số tiền phạt 36 triệu đồng, vì việc xử phạt này là trái pháp luật.

Đại diện Công ty Lệ Ninh lại cho rằng, việc ra quyết định xử phạt hợp đồng đối với Công ty Phú Cường với số tiền 36 triệu đồng là căn cứ vào hợp đồng số 06. Về số tiền điều chỉnh bù giá hơn 533 triệu đồng, hai bên sau khi thực hiện xong công trình và có biên bản nghiệm thu, công ty đã thanh toán xong như đã thỏa thuận. Còn việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được thực hiện trong thời gian thực hiện hợp đồng và phải được sự đồng ý của chủ đầu tư.

Vì vậy, Công ty Lệ Ninh không chấp nhận nội dung khởi kiện này. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty Lệ Ninh đã thừa nhận Công ty Phú Cường không vi phạm thời gian thi công công trình và chấp nhận hoàn trả lại số tiền phạt.

Tại bản án sơ thẩm số 01/2015/ KDTM-ST, ngày 27-1-2015 của TAND TP.Đồng Hới quyết định Công ty Lệ Ninh phải trả cho Công ty Phú Cường số tiền gần 760 triệu đồng (trong đó có tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn).

Ngày 30-1-2015, Công ty Lệ Ninh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên TAND tỉnh. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, sau phần tranh luận, phía Công ty Phú Cường đã tự nguyện rút đơn khởi kiện về khoản tiền điều chỉnh bù giá hơn 533 triệu đồng và lãi phát sinh. Phía Công ty Lệ Ninh cũng thỏa thuận rút đơn kháng cáo và chấp nhận trả lại số tiền phạt hợp đồng 36 triệu đồng. Theo thỏa thuận, phía Công ty Lệ Ninh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho Công ty Phú Cường.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, trường hợp hai công ty nói trên cùng nhau thỏa thuận và rút đơn chẳng những tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án, mà còn giữ được mối quan hệ đoàn kết, ổn định trong quan hệ kinh tế với nhau. Trong trường hợp luật pháp cho phép, Tòa án luôn ủng hộ các bên đương sự trong các vụ việc tranh chấp kinh doanh-thương mại tự hòa giải và thỏa thuận.

Ngoài ra, theo ông Tuyến, hiện tại có gần 80% vụ việc kinh doanh-thương mại mà TAND tỉnh giải quyết là án kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp và cá nhân. Các tranh chấp hợp đồng tín dụng gay gắt nhất đều có liên quan đến tài sản thế chấp của bên thứ 3. Cụ thể người thứ 3 thường cố tình tìm các sơ hở để yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu, trong khi người vay chây ì trả nợ với lý do vì đó là tài sản của bên thứ 3. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn khi phát mại tài sản để thi hành án.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh cho biết, trong những năm gần đây, các vụ việc tranh chấp trong kinh doanh-thương mại có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, ngành Tòa án luôn chú trọng công tác hòa giải trong quá trình thụ lý các vụ việc này. Đây còn được xem là tiêu chí thi đua trong toàn ngành. Những năm trước, công tác hòa giải chỉ đạt trên dưới 30%, nhưng năm nay, TAND 2 cấp đã hòa giải thành lên đến 51,5%, trở thành một trong hai địa phương có thành tích hòa giải cao nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo ông Xuân, nguyên nhân tranh chấp phát sinh phần lớn là do nhận thức pháp luật của các bên liên quan còn hạn chế, đặc biệt trong các vụ việc liên quan đến tài sản thế chấp của bên thứ 3. Do vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng hòa giải tại tòa án, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần được xã hội chú trọng hơn nữa.

Dương Công Hợp