Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVI:

Xử lý nghiêm các đối tượng gây mất an ninh trật tự ở địa phương

Cập nhật lúc 10:29, Thứ Ba, 13/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVI, ngoài các vấn đề về kinh tế, đời sống xã hội, tình hình ô nhiễm môi trường tại các nhà máy và cơ sở sản xuất...cử tri trong tỉnh còn kiến nghị về tình hình an ninh trật tự ở địa phương...

>> Giảm thiểu những cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Cử tri huyện Lệ Thuỷ phản ánh việc các băng nhóm có tính chất xã hội đen có chiều hướng gia tăng gây mất trật tự trị an ở nông thôn, từ đó đã gây ra tâm lý lo lắng và bức xúc cho nhân dân. Lãnh đạo Công an tỉnh trả lời như sau: Qua theo dõi khẳng định ở tỉnh ta chưa có các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen",  nhưng đã hình thành các băng, nhóm côn đồ cưỡng đoạt tài sản, cố ý  gây thương tích, trộm tài sản. Đáng chú ý sau một số vụ vỡ nợ "tín dụng đen", nhiều chủ nợ đã tổ chức xiết nợ, đòi nợ kiểu "giang hồ" và đều sử dụng hung khí để gây án. Tại địa bàn huyện Lệ Thuỷ trong năm đã xảy ra 10 vụ cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng của các ổ, nhóm tội phạm có sử dụng hung khí nguy hiểm (dao, kiếm, mã tấu...). Để chủ động đấu tranh với tội phạm hình sự nói chung và các băng, nhóm tội phạm nói riêng, lực lượng Công an đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Tăng cường công tác tuần tra vũ trang để sớm phát hiện và tịch thu hung khí của các đối tượng. Tập trung lực lượng truy xét, khám phá nhanh các vụ phạm tội do các băng, nhóm gây ra. Triệt xoá ngay các tụ điểm phức tạp, các ổ nhóm tội phạm khi chúng mới hình thành. Nhờ đó tình hình đến nay cơ bản ổn định.

Cử tri Lệ Thuỷ đề nghị cho thành lập đồn Công an tại thị trấn Kiến Giang để bảo vệ an ninh trật tự tại trung tâm huyện. Vấn đề này lãnh đạo Công an tỉnh đã trả lời như sau: Ngày 10-7-2008, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND có hướng dẫn số 2050/X11-X13 về tiêu chí thành lập đồn Công an, trong đó yêu cầu đồn Công an phải nằm ở "khu vực trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự có phạm vi từ 2 - 5 xã, thị trấn và cách xa trung tâm huyện lỵ từ 10 km trở lên". Như vậy theo tiêu chí này thì việc thành lập đồn Công an tại thị trấn Kiến Giang là chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn, Công an tỉnh đã báo cáo đề nghị Bộ Công an xét cho thành lập Công an thị trấn dưới hình thức Công an chính quy ngang cấp với Công an phường (như Kiến Giang, Quán Hàu, Đồng Lê, Quy Đạt). Đến nay, Bộ Công an vẫn chưa đồng ý với phương án trên. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo đề nghị Bộ Công an xem xét giải quyết.

Cử tri thành phố Đồng Hới đề nghị cơ quan chức năng có các biện pháp phát hiện, xử lý nghiêm những thanh thiếu niên gây mất trật tự an ninh ở các điểm vui chơi giải trí nơi công cộng. Lãnh đạo Công an tỉnh trả lời như sau:

Hiện thành phố Đồng Hới còn thiếu các điểm vui chơi công cộng cho mọi người, trong khi đó các điểm giải trí như karaoke, Internet, quán bar khá nhiều (hơn 100 điểm). Đây là những điểm thu hút nhiều người tham gia, trong đó có cả thanh thiếu niên hư hỏng tụ tập. Tình hình an ninh trật tự tại các điểm vui chơi trên địa bàn thành phố cơ bản  bảo đảm, tuy nhiên do chạy theo cơ chế thị trường nên một số điểm đã có vi phạm như: hoạt động quá thời gian cho phép, bán rượu cho thanh niên uống say và để xảy ra gây gổ, đánh nhau, hay để học sinh tụ tập vui chơi trong cả giờ học... Cá biệt đã xảy ra một số vụ phạm tội cố ý gây thương tích, giết người tại các quán nhậu, quán bar.

Trước tình hình này, lực lượng Công an đã tập trung phối hợp với các đoàn thể và các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, hướng vào các đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Siết chặt các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các điểm kinh doanh dịch vụ văn hoá, dịch vụ ăn uống. Tổ chức tuần tra cơ động nhằm phát hiện và tịch thu hung khí các đối tượng giấu trong phương tiện giao thông. Đối với các hộ kinh doanh có vi phạm thì kiên quyết xử lý, tịch thu giấy phép hoạt động và tùy từng mức độ vi phạm để điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tại các điểm nêu trên. Nhờ triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp, nên tình hình an ninh trật tự tại các điểm vui chơi, giải trí công cộng trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã cơ bản ổn định.

Cử tri xã Thanh Trạch (Bố Trạch) phản ánh tình hình an ninh trật tự tại cảng cá Sông Gianh không bảo đảm, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Lãnh đạo Công an tỉnh trả lời như sau: Tình hình an ninh trật tự những tháng đầu năm 2011 tại địa bàn xã Thanh Trạch nói chung và địa bàn cảng cá Sông Gianh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2011 đã phát sinh 5 vụ việc phức tạp (2 vụ huỷ hoại tài sản, 2 vụ cưỡng đoạt tài sản và 1 vụ cố ý gây thương tích). Khi các vụ việc xảy ra, lực lượng công an đã kịp thời nắm bắt tình hình, tổ chức điều tra kết luận và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Cụ thể đã xử lý hành chính 2 vụ/2 đối tượng (phạt tiền 2 triệu đồng); cảnh cáo 2 đối tượng và khởi tố 2 vụ/8 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản, bắt tạm giam 7 bị can, ra quyết định truy nã 1 bị can đang lẩn trốn. Sau khi lực lượng công an tổ chức trấn áp mạnh các đối tượng, đặc biệt là việc khởi tố, bắt tạm giam các bị can thì tình hình an ninh trật tự ở cảng cá Sông Gianh đã cơ bản ổn định.

Cử tri huyện Bố Trạch kiến nghị về việc tổ chức thi hành vụ án dân sự liên quan đến bà Lê Thị Hự ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (THADS)  tỉnh trả lời như sau: Tại bản án dân sự phúc thẩm số 15/DSPT-TC, ngày 28-7-2009 của TAND tỉnh và Quyết định thi hành án số 01/QĐ-THA ngày 01-10-2009 của Chi cục THADS huyện Bố Trạch thì người phải thi hành bản án là bà Lê Thị Hự (có chồng là ông Lê Thế Di), trú tại thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Khoản tiền mà bà Lê Thị Hự phải thi hành án để trả nợ cho 9 người bị hại với tổng số tiền là 592,455 triệu đồng.

Quá trình tổ chức thi hành bản án bà Hự là người có điều kiện thi hành án, nhưng không tự nguyện thi hành án. Ngày 30-12-2009, chấp hành viên THADS huyện Bố Trạch đã ra quyết định kê biên tài sản của bà Hự và ngày 26-01-2010, Chi cục THADS huyện đã tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản là ngôi nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng bà Lê Thị Hự và ông Lê Thế Di. Sau khi bán đấu giá thành, ngày 27-12-2010 Chi cục THADS huyện  đã thông báo cho ông Lê Thế Di đến nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm các thủ tục để nhận khoản tiền chênh lệch, nhưng ông Di không chấp hành và đã gửi đơn khiếu kiện đến nhiều nơi. Trước đó, ngày 26-11-2009 Chi cục THADS huyện Bố Trạch cũng đã có thông báo hợp lệ cho ông Lê Thế Di về việc khởi kiện ra Toà án để được phân chia tài sản chung, nhưng ông Di, bà Hự không thực hiện theo thông báo.

Trước khi xây dựng kế hoạch cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá, chấp hành viên THADS huyện đã có thông báo số 811, ngày 16-6-2011 về việc xác định tài sản chung và đã có quyết định về việc phân chia tài sản. Tuy nhiên, ông Lê Thế Di không đồng ý với thông báo này và đã khởi kiện ra TAND huyện Bố Trạch để được phân chia tài sản. Ngày 20-9-2011, TAND huyện Bố Trạch đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm, nhưng ông Di đã không đồng ý với kết quả xét xử sơ thẩm và có kháng cáo.

Hiện TAND tỉnh đang thụ lý vụ án này để tiến hành xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm. Do đó việc cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá phải dừng lại chờ quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, Cục THADS tỉnh chỉ đạo Chi cục THADS huyện Bố Trạch tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.

                                                                                             Đ.T

 

,
.
.
.