Những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011

Cập nhật lúc 18:29, Thứ Tư, 07/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đánh giá về những việc chưa làm được trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2011, Ban chỉ đạo (PCTN) tỉnh đã chỉ rõ, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, nhưng đến nay công tác PCTN trong toàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao và chưa thực sự ngăn chặn đẩy lùi được tình hình tham nhũng.

Có thể chỉ ra các mặt hạn chế và nguyên nhân các mặt hạn chế trong thực hiện công tác PCTN năm 2011 như sau: Ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa nghiêm túc, chưa thể hiện rõ nét và chưa đưa nội dung PCTN vào chương trình, kế hoạch công tác. Hạn chế này được xuất phát từ nguyên nhân người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác PCTN. Bên cạnh đó do pháp luật mới chỉ quy định trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý mà chưa có quy định về trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn ít, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra. Một vấn đề rất đáng lo ngại đó là  việc tự phát hiện các hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị luôn là khâu yếu nhất. Đến nay hầu như chưa có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tự phát hiện được hành vi tham nhũng trong nội bộ của mình. Các cơ quan chủ lực và chuyên trách về thực hiện công tác PCTN thì lực lượng lại mỏng, sự phối hợp trong hoạt động giữa các cơ quan này còn thiếu sự chặt chẽ, nên hiệu quả hoạt động của các cơ quan này cũng còn nhiền hạn chế.

Trong khi đó nhiều cơ chế, chính sách vẫn còn kẽ hở và hệ thống pháp luật về PCTN chưa được hoàn thiện, còn hành vi tham nhũng thì ngày càng tinh vi, phức tạp, đối tượng tham nhũng lại là những người có chức vụ, quyền hạn.

Xuất phát từ việc phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách về PCTN, do đó thông tin về các vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đầy đủ và thiếu tính kịp thời, đặc biệt các vụ án tham nhũng cũng chưa được đưa vào danh sách để Ban chỉ đạo PCTN tỉnh theo dõi và đôn đốc nên hiệu quả thực hiện công tác chỉ đạo PCTN đưa lại còn thấp. Bên cạnh đó cũng xuất phát từ nguyên nhân thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách về PCTN và các cơ quan tuyên truyền, vì vậy mà công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN nội dung và hình thức chưa phong phú, chất lượng chưa cao. Việc triển khai đưa nội dung  PCTN vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ  cán bộ, đảng viên chưa được thực hiện.

Một số vấn đề hạn chế cần đề cập đến nữa, đó là ngay từ đầu năm Ban chỉ đạo PCTN tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn, yêu các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch PCTN năm 2011, tuy nhiên chỉ có 18/101 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện. Từ tháng 6-2008, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 1229/UBND về việc triển khai thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP  của Chính phủ về thực hiện quy định chuyển đổi vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đến nay đã sau hơn 3 năm mới chỉ có 11/21 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 3/7 UBND huyện, thành phố, 2/3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, 1/10 Công ty TNHH một thành viên và 1/11 tổ chức đoàn thể được giao biên chế thực hiện việc chuyển đổi theo quy định. Ban chỉ đạo PCTN tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, trong lúc đó Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN tỉnh biên chế lại ít, cùng đó chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thiếu rõ ràng và cụ thể, do dó kết quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Còn ở cấp huyện và các sở, ban, ngành thì lại chưa hình thành mô hình tổ chức, hoạt động PCTN nên việc tổ chức thực hiện công tác PCTN gặp không ít khó khăn...

                                                                                             Bùi Thành

,
.
.
.