Toàn tỉnh có trên 1.200 người liên quan đến ma túy

Cập nhật lúc 14:24, Thứ Sáu, 09/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Năm 2011 trên  địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng phát hiện 15 tụ điểm phức tạp về ma túy, tất cả  7/7 huyện, thành phố có 106/159 xã phường thị trấn (tăng 7 xã, phường, thị trấn so với năm 2010) và có 1.272 người liên quan đến ma túy (tăng 160 người, trong đó có 758 người nghiện).

Thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng ngăn chặn song tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh ta có xu hướng gia tăng. Năm 2011 trên  địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng phát hiện 15 tụ điểm phức tạp về ma túy, thu giữ 85,9 gam heroin và 91 triệu đồng, đã khởi tố 44 vụ, 62 bị can. 20 vụ 45 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 0,149gam heroin.

Hiện nay trên địa bàn  có 1.272 người liên quan đến ma túy, tăng 160 người so với năm 2010, trong đó có 758 người nghiện. Đây chỉ là những đối tượng mà cơ quan chức năng phát hiện và có hồ sơ quản lí còn những đối tượng sử dụng lén lút khác, được ví như "phần chìm của tảng băng" là rất lớn. Hầu hết các đối tượng sử dụng ma túy là heroin chích qua đường tĩnh mạch, đây là nguyên nhân chủ yếu lây nhiễm HIV-AIDS. Điều rất đáng lo ngại là trong số đối tượng đang quản lý hiện nay tỷ lệ khá lớn đang trong độ tuổi thanh thiếu niên, là thế hệ tương lai của xã hội. Nếu như trước đây ma tuý chỉ tập trung vào đối tượng người ngoài tỉnh đến làm ăn sinh sống, vùng đô thị; thì nay lan nhanh ra vùng nông thôn miền núi, đối tượng con em gia đình khó khăn. Ma túy xâm nhập vào các trường học THCS, THPT với tỷ lệ học sinh nhiễm ngày càng cao.

Đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: M.V
Đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: M.V

Nguyên nhân của tình trạng sử dụng ma túy chủ yếu là  do thanh thiếu niên thích đua đòi, ăn chơi, tò mò, kém hiểu biết, thiếu thông tin về tác hại ma túy nên bị bạn bè rủ rê, lôi kéo sử dụng. Mặt khác, một số gia đình không quan tâm, quan tâm không đúng mức hoặc quá nuông chiều con cái, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo.

Để công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian tới có hiệu quả cao hơn, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết cần xác định việc phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy không chỉ là trách nhiệm của lực lượng công an mà là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi một gia đình. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cần hết sức quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thực sự vào cuộc để đẩy lùi và tiến tới giảm dần tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Giải pháp phòng ngừa hiệu quả là phải làm tốt công tác tuyên truyền tác hại của ma túy. Chỉ khi nào mọi người ý thức sâu sắc được sự hủy hoại của ma túy và ý thức của người công dân trước hiểm họa này thì lúc đó việc bài trừ tệ nạn ma túy mới có hiệu quả. Vừa qua Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch phòng chống tệ nạn, tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, mặt trận, đoàn thể quần chúng và các trường học để chủ động nắm tình hình, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện nghi vấn về tội phạm và tệ nạn ma túy.

Bên cạnh đó,  phải gắn công tác phòng chống ma túy với các cuộc vận động, các phong trào như xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa; đồng thời phải kiên quyết, mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống ma túy; tập trung lực lượng phát hiện, bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng, đường dây buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Công tác cai nghiện cũng hết sức quan trọng.

Tuy nhiên hiệu quả  cai nghiện còn rất thấp, vì vậy không chỉ là  việc tổ chức cai nghiện như thế nào mà  quan trọng là phải chú ý đến việc làm cho đối tượng sau cai nghiện, sự thân thiện và giúp đỡ của xã hội và gia đình góp phần giúp đối tượng không tái nghiện.

Các nhà  trường và cơ sở giáo dục phải tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng chống ma túy trong nhà trường, để học sinh, sinh viên hiểu rõ về tác hại của hiểm họa ma túy; phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, ngăn chặn ma túy len lỏi vào học đường.

                                                                                                          P. V

,
.
.
.