Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVI:

Giảm thiểu những cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Cập nhật lúc 14:18, Thứ Hai, 12/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVI, ngoài các vấn đề về kinh tế, đời sống xã hội... cử tri trong tỉnh đã kiến nghị  về tình hình ô nhiễm môi trường tại các nhà máy và cơ sở sản xuất, giao đất, giao rừng, ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực...

>> Lãnh đạo các ngành, địa phương trả lời thẳng thắn các vấn đề đời sống xã hội

Cử tri trong tỉnh đề nghị xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau: Môi trường của tỉnh ta trong thời gian qua cơ bản giữ vững và tương đối sạch, một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường từng bước được kiềm chế và giảm thiểu một cách có hiệu quả.

Tuy vậy, vẫn còn một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang được các ngành, các cấp quan tâm, tập trung chỉ đạo, cụ thể như sau: Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ: Tỉnh ta có 7 bệnh viện thuộc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hiện nay đã xử lý môi trường cơ bản tốt. Tuy vậy, một số lò đốt rác y tế thực hiện theo dự án y tế nông thôn khi quan trắc cho thấy chưa bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu môi trường về khí thải. Đề nghị các bệnh viện, Sở Y tế quan tâm để đầu tư cải tạo các lò đốt này theo phương pháp phun sương ngược dòng để xử lý khói thải các lò đốt rác y tế bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam.

Riêng Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình do hệ thống xử lý nước thải y tế hoạt động kém hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo xây dựng dự án cải tạo hệ thống nước thải trình UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường của Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình.

Đối với Nhà máy xi măng Thanh Trường và Nhà máy xi măng Áng Sơn, đây là 2 nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài, đặc biệt là khói bụi. Thời gian qua 2 nhà máy đã tích cực đầu tư hệ thống lọc bụi túi và các hạng mục xử lý môi trường khác, cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường. Đến nay, Nhà máy xi măng Áng Sơn đã hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chứng nhận ra khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhà máy xi măng Thanh Trường hiện nay đã hoàn thành các hạng mục xử lý môi trường, đơn vị đang tiến hành lập hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm để rút ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà máy đông lạnh Đồng Hới là cơ sở ô nhiễm môi trường nằm ở trung tâm thành phố. Vừa qua nhà máy đã xử lý vấn đề môi trường khá tốt. Tuy nhiên, đây là cơ sở thuộc diện di dời ra khỏi trung tâm thành phố theo chủ trương của UBND tỉnh. Địa điểm này sẽ được chuyển giao cho đơn vị khác kinh doanh dịch vụ, du lịch, khách sạn.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi rác: Trong thời gian dài các bãi rác trên địa bàn tỉnh gây ra nhiều vấn đề môi trường bức xúc do thiếu kinh phí nên đầu tư xây dựng không đồng bộ, không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lập các dự án xin hỗ trợ kinh phí từ Trung ương theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để khắc phục các vấn đề môi trường do các bãi rác gây ra, cụ thể: Bãi rác Lộc Ninh thành phố Đồng Hới đã hoàn thành việc đóng cửa bảo đảm các quy định về môi trường. Bãi rác Quảng Long (Quảng Trạch), Cửa Truông (Tuyên Hóa) đã được bố trí kinh phí thực hiện việc đóng cửa. Hiện nay, 2 bãi rác này đang được triển khai thực hiện các bước theo dự án phê duyệt, dự kiến hoàn thành việc đóng cửa trong quý II năm 2012.

Các bãi rác ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Phong Nha đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, dự kiến hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo các bãi rác này trong quý II năm 2012, nhằm bảo đảm yêu cầu chôn lấp, xử lý rác theo đúng quy định. Các bãi rác ở Minh Hóa, Tuyên Hóa và Thanh Trạch (Bố Trạch), Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình dự án để xin kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, khi được cấp kinh phí Sở sẽ tiến hành triển khai thực hiện theo quy định.

Đối với bãi rác Cảnh Dương (Quảng Trạch) là bãi rác tự phát không bảo đảm các yêu cầu về quy hoạch, về kỹ thuật xử lý gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu UBND xã Cảnh Dương dừng ngay hoạt động của bãi rác này và khắc phục những vấn đề môi trường tồn tại. Việc thu gom, xử lý rác trên địa bàn xã phải được chuyển về bãi rác Quảng Long để xử lý.

Nhà máy bia của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình: Trong những năm đầu mới hoạt động, do chưa đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, nên trong quá trình hoạt động sản xuất nước thải của nhà máy bia xử lý chưa đạt tiêu chuẩn gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, nhà máy đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, cải tạo hồ sinh thái và các điều kiện vệ sinh môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định.

Đối với hệ thống chợ đầu mối và chợ nông thôn: Hiện nay, vấn đề môi trường của hệ thống chợ đầu mối và chợ nông thôn đang gây bức xúc cho nhân dân do ô nhiễm môi trường về rác thải, nước thải chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt là chợ Đồng Hới và chợ Ba Đồn, nước thải từ hoạt động của chợ chưa được xử lý mà thải trực tiếp, gây ô nhiễm về mùi hôi làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xúc tiến lập dự án trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 2 chợ nói trên, nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường theo quy định. Đề nghị UBND các huyện đầu tư thêm kinh phí để xử lý môi trường của các chợ nông thôn và các chợ trung tâm huyện ly.

Nhà máy chế biến mủ cao su Lệ Ninh, Nhà máy chế biến cao su Việt Trung và Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh: Đây cũng là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian qua, các cơ sở đã tích cực chú trọng đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý môi trường (đặc biệt là xử lý nước thải) cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường, nên đã cơ bản giải quyết được các vấn đề môi trường bức xúc. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các nhà máy này tiếp tục tăng cường các biện pháp xử lý sinh học, hoàn thiện sớm các công trình xử lý môi trường để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường bảo đảm theo đúng quy định về tiêu chuẩn môi trường .

Về vấn đề vệ sinh môi trường tại cảng cá Sông Gianh: Ngày 22-11-2011, Sở Tài nguyên – Môi trường đã phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bố Trạch tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại cảng cá Sông Gianh. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra nhận thấy hiện tượng ô nhiễm môi trường do mùi hôi của cá làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân là đúng sự thật. Tuy nhiên, mùi phát sinh không chỉ do hoạt động của cảng cá Sông Gianh mà còn do hoạt động thu mua của các cơ sở phía Bắc và phía Nam gần kề cảng cá trên địa bàn xã Thanh Trạch.

Ban quản lý cảng cá đã cam kết tiếp tục duy trì các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định, nhằm hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường xung quanh. Sở cũng đã yêu cầu cảng cá Sông Gianh nghiêm túc thực hiện việc thu gom rác thải xử lý mùi hôi một cách kịp thời. Nếu còn tiếp tục để xảy ra tình trạng nêu trên Sở sẽ xử lý theo quy định. Đề nghị UBND huyện Bố Trạch kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ dân, cơ sở chế biến thuỷ sản nhỏ gần cảng cá Sông Gianh đã gây mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.

Về vấn đề quy hoạch 3 loại rừng và giao đất, giao rừng cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định cuộc sống, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường trả lời như sau: Thực hiện các văn bản của Chính phủ và UBND tỉnh về việc quy hoạch 3 loại rừng và một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, tỉnh ta đã tiến hành rà soát, bóc tách diện tích đất lâm nghiệp để lại cho các nông, lâm trường thuê sử dụng và bàn giao về địa phương quản lý để giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo quy định.

Đến nay, sau khi rà soát, bóc tách, hộ gia đình đã sử dụng 109.990, 66 ha; tổ chức kinh tế sử dụng 128.474,93 ha; các ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng quản lý, sử dụng 277.262,63 ha; cộng đồng dân cư sử dụng 9.362,66 ha; tổ chức khác sử dụng 6,75 ha; còn lại UBND cấp xã đang quản lý 108.424,46 ha chưa giao cho ai sử dụng. Quá trình rà soát bóc tách đất của các nông, lâm trường đã có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất với chính quyền địa phương, xác định nhu cầu sử dụng đất của người dân, bảo đảm diện tích đất để bàn giao về cho địa phương và giao cho người dân sử dụng. Đối với diện tích còn lại của các nông – lâm trường đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt.

Tuy vậy, trong quá trình sử dụng hiện nay có một số địa phương như xã Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh), xã Hưng Trạch (Bố Trạch)... cử tri đề nghị thu hồi một số diện tích đất của các đơn vị để giao lại cho nhân dân của địa phương sử dụng. Vấn đề này Sở Tài nguyên – Môi trường có ý kiến như sau: Theo quy định thì nhà nước không thừa nhận đòi lại đất đã được giao theo quy định cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước. Tuy nhiên, nếu trên thực tế các hộ dân sống gần rừng, đồng bào dân tộc thiểu số thực sự thiếu đất sản xuất thì đề nghị UBND các huyện, các xã cân đối lại quỹ đất của địa phương để xét giao đất cho các hộ trong phần diện tích xã đang quản lý chưa giao cho ai sử dụng. Trường hợp còn thiếu đất sản xuất không bảo đảm đời sống thì đề nghị chính quyền địa phương bàn bạc, thống nhất với các đơn vị, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép để có phương án bồi thường, điều chỉnh quy hoạch và thu hồi đất bàn giao cho địa phương quản lý. Sau đó, làm các thủ tục để giao đất cho các hộ dân sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các công ty, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện việc giao khoán, ưu tiên thu hút người dân địa phương vào nhận đất khoán để chăm sóc, phát triển rừng nhằm tạo điều kiện về việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân địa phương.

Về vấn đề ổn định đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh ta, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường đã trả lời: Theo số liệu thống kê đất đai đến ngày 1-1-2011, trên địa bàn tỉnh ta có 30.933, 53 ha đất trồng lúa. Trong đó, diện tích đất chuyên trồng lúa nước là 24.685,53 ha. Diện tích đất lúa này dự kiến phân bổ đến năm 2020 là 27.500 ha, tỉnh xác định trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là 29.416,08 ha. Cũng theo số liệu thống kê, bình quân năng suất lúa hiện nay của tỉnh ta đạt 49,5 ta/ha. Diện tích lúa gieo trồng bình quân trong năm là 52.000 ha và với dân số năm 2010 có 849.271 người, thì bình quân lương thực đạt 16,5 kg gạo/người/tháng. Đến năm 2015, dự báo dân số tỉnh ta khoảng 872.296 người, diện tích gieo trồng của tỉnh ta đạt được 52.500 ha, bình quân năng suất 50 tạ /ha thì đạt 16 kg gạo/người/tháng, chưa kể các loại lương thực khác quy thóc. Đến năm 2020, dự báo dân số tỉnh ta khoảng 903.930, diện tích gieo trồng của tỉnh ta đạt được 52.500 ha, bình quân năng suất 50 ta/ha thì đạt 15,7 kg gạo/người/tháng, chưa kể các loại lương thực khác quy thóc.

Như vậy, để  bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh ta đến năm 2020 đạt mục tiêu trên, Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị cần phải thực hiện một số giải pháp sau: Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng đất lúa vào xây dựng các công trình, trường hợp phải sử dụng đất lúa thì phải hết sức tiết kiệm. Các công trình sử dụng đất lúa phải tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt; tổ chức cắm mốc, công khai dân chủ quy hoạch đất lúa cần được bảo vệ. Hình thành các vùng chuyên canh lúa cao sản trên địa bàn các huyện, thành phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc thu hồi đất, giao đất lúa để xây dựng các công trình; hậu kiểm chặt chẽ việc khắc phục các vi phạm về sử dụng đất lúa không đúng quy định nhằm bảo vệ nghiêm quỹ đất chuyên trồng lúa nước của tỉnh; tập trung chỉ đạo, quản lý chặt chẽ quỹ đất trồng lúa, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước.

Áp dụng các biện pháp thâm canh tăng vụ, đầu tư các công trình thuỷ lợi  bảo đảm tưới tiêu, tăng hệ số sử dụng đất; đề nghị HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường đầu tư kinh phí để khai hoang, phục hoá, đưa đất chưa sử dụng, chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang trồng lúa để bù lại những diện tích đất đã bị thu hồi để xây dựng các công trình vào mục đích phi nông nghiệp. Đề nghị tỉnh có chính sách điều tiết kinh phí, ưu tiên cho các địa phương và người trồng lúa nhằm  bảo đảm an ninh lương thực cho toàn tỉnh.

                                                                                        Đ.T (lược ghi)

                                                                                                                   (Còn nữa)

,
.
.
.