.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ Bảy, 25/11/2017, 11:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tăng cao, vì vậy, số lượng đàn gia súc, gia cầm phát triển mạnh. Đây cũng là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh cần được chú trọng, đặt lên hàng đầu.

Tích cực từ cơ sở

An Ninh là một trong những xã có số lượng thủy cầm lớn nhất huyện Quảng Ninh, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và người dân nơi đây đang tích cực nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.

Gia đình anh Nguyễn Đại Ơn, xã viên của HTX SXKD và DVNN Thống Nhất, đang sở hữu đàn gia cầm thuộc dạng nhất nhì trong xã. Từ nhiều năm trở lại đây, gia đình anh Ơn thường xuyên chăn nuôi hàng nghìn con vịt đẻ, trứng cung cấp cho các lò ấp ở địa phương và vùng lân cận.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho trang trại nuôi vịt của gia đình anh Nguyễn Đại Ơn, ở An Ninh (Quảng Ninh) luôn được chú trọng.
Công tác phòng chống dịch bệnh cho trang trại nuôi vịt của gia đình anh Nguyễn Đại Ơn, ở An Ninh (Quảng Ninh) luôn được chú trọng.

Nhận thức rõ, công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả sẽ giúp cho việc chăn nuôi thành công, nên ngoài việc hàng ngày chăm sóc cho đàn vịt đủ chất dinh dưỡng, anh đã phun khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêm phòng dịch cho đàn vịt. Hiện nay, đàn vịt trên 1.600 con của trang trại anh Ơn đã được tiêm vắc xin tụ huyết trùng. Nhờ việc thực hiện tốt khâu phòng dịch, nên đàn vịt của gia đình anh Ơn luôn phát triển tốt, trung bình mỗi năm anh thu lãi trên 40 triệu đồng từ nuôi vịt.

Cách trang trại của gia đình anh Ơn 500m, trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Phong Vang cũng có quy mô tổng đàn trên 5.000 con. Ngay từ đầu vụ, anh Vang cũng chủ động báo cáo cụ thể với HTX số lượng đàn gia cầm thả nuôi để được cấp hóa chất và thuốc vắc xin tiêm phòng. Ngay sau khi được cấp phát hóa chất, anh đã tiến hành phun tiêu độc, khử trùng xung quanh các chuồng nuôi nhằm bảo đảm việc phát sinh dịch bệnh trong thời tiết đang rét lạnh kéo dài như hiện nay.

Ông Võ Văn Thoa, Phó giám đốc HTX SXKD và DVNN Thống Nhất cho biết, HTX có khoảng 250 hộ gia đình chăn nuôi đàn gia cầm nhỏ lẻ, còn lại 10 hộ có quy mô và tập trung (số lượng trên 300 con/hộ). Theo đó, tổng đàn gia cầm của HTX khoảng 8.000-9.000 con, trong đó thủy cầm là trên 7.000 con, gồm: ngan, vịt, ngỗng.

Xác định công tác phòng chống dịch ở cấp xã đóng vai trò rất quan trọng, HTX đã chỉ đạo các xã viên tích cực tham gia triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi đều có ý thức hơn về phòng, chống dịch bệnh gia cầm và đều biết đến kiến thức để nhận biết bệnh, biện pháp xử lý.

Đáng chú ý, nhiều chủ trang trại đã chủ động rắc vôi bột tại các khu vực chăn nuôi, tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và có cách quản lý, theo dõi tốt đàn gia cầm.

Từ kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho gia cầm nghiêm túc và đạt tỷ lệ cao thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp và ngược lại. Vì vậy, cấp chính quyền cơ sở đã thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra, tiêm phòng cho gia cầm một cách sâu sát và hiệu quả.

Điển hình, không chỉ riêng xã An Ninh, nhiều địa phương khác như: xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch)..., cũng đã chủ động, tích cực tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc gia cầm; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ trang trại, các hộ chăn nuôi chủ động làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Đẩy mạnh công tác quản lý

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong thời gian qua, do hậu quả của bão số 2, số 4 và số 10 gây ra, toàn tỉnh đã thiệt hại 238 con trâu bò, trên 1.400 con lợn, hơn 361.000 con gia cầm và hư hỏng về chuồng trại, cơ sở vật chất với ước tính thiệt hại là 36,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã nỗ lực khuyến khích các trang trại chăn nuôi bám trụ, bố trí quy mô đàn hợp lý. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc xin cho gia súc gia cầm, nên tỉnh đã không xảy ra dịch bệnh lớn và bảo vệ đàn vật nuôi tăng trưởng ổn định.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng 28.435 liều vắc xin lở mồm long móng; 116.860 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; 171.340 liều vác xin dịch tả, tam liên lợn; 1.133.300 liều vắc xin cúm gia cầm; 8.720 liều vắc xin tai xanh lợn.

Riêng trong tháng 10 vừa qua, sau bão số 10, tỉnh ta đã được Thủ tướng Chính phủ cấp vắc xin, hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia, với số lượng 100.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; 100.000 liều vắc xin dịch tả lợn; 30 tấn hóa chất Chlorine; 20 tấn hóa chất sát trùng... Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án tiếp nhận, phân bổ và sử dụng số lượng vắc xin và hóa chất trên để cấp phát cho các địa phương.

Cùng với đó, Chi cục đã tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra giám sát động vật, sản phẩm động vật nhằm thực hiện đúng quy định. Theo đó, đơn vị đã kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ngoại tỉnh 3.426 xe. Đáng chú ý, hoạt động tại 2 chốt kiểm soát dịch bệnh Bắc, Nam cơ bản ổn định, giám sát cơ bản chặt chẽ số động vật, sản phẩm động vật nhập vào và từ tỉnh đi. Kết quả đã kiểm soát được 1.033 xe động vật, sản phẩm động vật (xe nhập vào địa bàn tỉnh 743 xe, xe từ tỉnh đi 290 xe).

Không chủ quan, lơ là

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm. Chỉ có một số gia súc gia cầm bị bệnh thông thường ở một vài địa phương và đã được thú y cơ sở điều trị lành.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc gia cầm là nhiệm vụ hàng đầu của các địa phương.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc gia cầm là nhiệm vụ hàng đầu của các địa phương.

Trên thực tế, hiện nay, người chăn nuôi, các chủ trang trại đang rất tích cực gia tăng tái đàn lợn, gà, vịt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, thời tiết đang giao mùa, đêm trở lạnh làm cho sức đề kháng của gia súc gia cầm giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại, lây lan. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh... thường có khả năng tái phát và lây lan cao trong dịp trước, trong và sau Tết.

Do đó, để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y yêu cầu Trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhất là trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã, phường để mọi người dân nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm các bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc gia cầm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp nuôi an toàn dịch bệnh và phòng, chống bệnh hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh, ngành Nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng kế hoạch, nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh và ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra. Mặt khác, đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm tại các đầu mối giao thông, các chợ trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ. Đáng chú ý, khi có gia súc gia cầm ốm, bệnh chết bất thường, người dân không được tự ý giết mổ, vận chuyển mà cần khai báo cho chính quyền cơ sở, nhân viên thú y.

Các địa phương trong tỉnh cũng cần tích cực tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc gia cầm theo kế hoạch 2017 và đợt 1 năm 2018 đạt hiệu quả cao. Trong đó, ưu tiên phòng các bệnh có nguy cơ cao, như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh. Riêng dịch cúm gia cầm, hiện nay, do vi rút đã lưu hành trong đàn thủy cầm, chim hoang dã và chim di trú tại rất nhiều nơi, biện pháp chủ yếu vẫn là tiêm vắc xin, đồng thời tăng cường giám sát ổ dịch cũ, giám sát lưu hành và biến đổi của vi rút cúm gia cầm.

Đến thời điểm này, cùng với việc người dân các địa phương chủ động tái đàn, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, công tác kiểm soát dịch bệnh gia súc gia cầm đang được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh triển khai tích cực.

N.Lưu-Lê Mai