.

Công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển ở Bố Trạch: Tạo sự đồng thuận cao

Thứ Sáu, 07/07/2017, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng dân vận chính quyền, công tác chi trả, bồi thường thiệt hại ở Bố Trạch đã diễn ra khẩn trương, công bằng, đúng đối tượng, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tăng cường bám cơ sở

Bố Trạch là huyện có đường bờ biển dài 24km đi qua 6 xã, trong đó có 4 xã có nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra đã làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống người dân. Ước tính tổng thiệt hại của huyện do sự cố môi trường biển lên đến 6.552 tỷ đồng. Theo quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bố Trạch có 13 xã, với 19.084 đối tượng nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Có tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, ngư dân Bố Trạch vững tin vươn khơi.
Có tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, ngư dân Bố Trạch vững tin vươn khơi.

Trước thực tế, trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng thống kê, giải quyết công tác chi trả đền bù thiệt hại, lợi dụng tình hình, các thế lực thù địch đã cấu kết với những phần tử cực đoan kích động nhân dân có những hành động chống phá làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn huyện.  

Ông Phạm Văn Thắng, Phó trưởng Ban Dân vận huyện Bố Trạch cho biết; để ổn định tình hình ở các địa phương và công tác chi trả đền bù sự cố ô nhiễm môi trường biển được thực hiện đúng người, đúng đối tượng, tạo sự đồng thuận cao, Ban Dân vận huyện đã tập trung chỉ đạo Khối Dân vận cấp xã phát huy vai trò tổ công tác dân vận của Đảng ủy, bám địa bàn; hướng dẫn cấp ủy chi bộ chỉ đạo Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Quyết định số 1880/QĐ-TTg đến với nhân dân.

Bên cạnh đó, lực lượng các tổ chức, đoàn thể đã tích cực nắm bắt tình hình tư tưởng, vận động nhân dân không để các phần tử cực đoan kích động, lôi kéo, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối với những xã có xảy ra thắc mắc hoặc khiếu kiện về công tác chi trả đền bù sự cố môi trường biển, Ban Dân vận huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền và đối thoại trực tiếp với nhân dân. Những phương pháp đối thoại phù hợp được thực hiện dựa trên những nhóm đối tượng khác nhau, như: đối tượng đánh bắt, nhóm đối tượng thu mua, nuôi trồng hải sản...

Trên cơ sở những thắc mắc và khiếu kiện của nhân dân, Ban Dân vận huyện đã tiến hành chỉ đạo khối Dân vận xã rà soát, thống kê thiệt hại để báo cáo các cơ quan chức năng, đề xuất việc bổ sung thêm những nhóm đối tượng được đền bù nhằm ổn định đời sống của bà con. Với những đối tượng không thuộc diện đền bù phải đưa ra khỏi danh sách, chính quyền các xã đã phân tích để người dân hiểu, tránh ảnh hưởng đến tình hình chung.

Nhờ được tuyên truyền, vận động, giải thích kịp thời nên những thắc mắc và khiếu kiện của người dân đã giảm hẳn. Tại những xã có số lượng người dân theo nghề biển đông như Hoàn Trạch số lượng đơn khiếu kiện lên đến 65 đơn, nhưng sau khi được vận động, tuyên truyền người dân đã tự nguyện rút 34 đơn; Thanh Trạch có 5 đơn rút 5 đơn, Nhân Trạch có 3 đơn rút 3 đơn.

Ổn định tình hình

Là địa phương chịu thiệt hại nặng sau sự cố môi trường biển, tuy nhiên, do kịp thời nắm bắt tình hình và tâm tư của nhân dân, đến thời điểm hiện tại, xã Thanh Trạch đã chuẩn bị hoàn thành công tác chi trả đền bù cho nhân dân.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch cho hay, mặc dù là xã có số lượng người dân theo đạo công giáo tương đối đông (766 giáo dân), tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên, công tác kê khai, thẩm định và lưu trữ hồ sơ tại xã được tiến hành khẩn trương, thận trọng, đúng người đúng đối tượng. Đến nay, công tác chi trả đền bù cơ bản đang thực hiện đúng theo quy định. Đa số người dân đều đồng thuận cao nên không còn trường hợp nào gửi đơn khiếu kiện, khiếu nại.

Không chỉ riêng xã Thanh Trạch, 12 xã còn lại nằm trong diện được chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, đặc biệt là các xã có lao động trực tiếp liên quan đánh bắt, nuôi trồng chế biến hải sản, như: Nhân Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch, đều cơ bản tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và có tư tưởng vững vàng, không bị các phần tử cực đoan xúi dục lôi kéo vi phạm pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Cờn, thôn Nhân Tiến, xã Nhân Trạch cho biết, gia đình bà có 1 tàu đánh bắt gần bờ, sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển đã được Nhà nước chi trả đền bù số tiền hơn 120 triệu đồng. Số tiền này là sự động viên về mặt vật chất và tinh thần giúp gia đình bà vượt qua khó khăn trước mắt để tiếp tục bám biển.

Người dân các xã biển ở Bố Trạch tiếp tục cuộc sống lao động, sản xuất dựa vào nghề biển của mình sau sự cố môi trường biển.
Người dân các xã biển ở Bố Trạch tiếp tục cuộc sống lao động, sản xuất dựa vào nghề biển của mình sau sự cố môi trường biển.

Là đối tượng buôn bán hải sản nhỏ lẻ, nhưng trong hai đợt chi trả bồi thường thiệt hại của xã Nhân Trạch vừa qua, chị Nguyễn Thị Thoại cũng được nhận số tiền 16 triệu đồng. Chị vui mừng cho biết, mặc dù số tiền không lớn, nhưng sự quan tâm của chính quyền và Nhà nước khiến chị rất vui. Số tiền này chị dùng làm vốn để tiếp tục nghề buôn bán hải sản của mình.

Ông Phạm Văn Thắng, Phó trưởng Ban Dân vận huyện Bố Trạch cho biết: việc chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển cho gười dân Bố Trạch cơ bản hoàn thành. Theo thống kê của UBND huyện Bố Trạch, sau khi Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bố Trạch đã tiến hành thẩm định và phê duyệt, chi trả 580,347 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại cho người dân; trong đó, đã cấp kinh phí cho các xã chi trả 552,776 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện Quyết định 309/QĐ-TTg, đã có quyết định phê duyệt 100% đối tượng với số tiền 50,225 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện chế độ miễn giảm học phí cho 5.349 học sinh với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

“Trong thời gian tới, Ban Dân vận huyện cùng Khối dân vận các xã sẽ tăng cường bám địa bàn, nắm chắc tình hình tư tưởng nhân dân, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy định hướng dư luận, đồng thời xử lý những vướng mắc của nhân dân, qua đó tạo tâm lý yên tâm để người dân lao động sản xuất, ổn định đời sống!”, ông Phạm Văn Thắng cho biết thêm.

Đ.Nguyệt