.

Rừng trồng, "lá chắn" cho rừng tự nhiên - Bài 2: Những bước tăng trưởng ngoạn mục

Thứ Ba, 25/04/2017, 07:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 120 nghìn ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là thông nhựa, keo, tràm... Năm 2016, thu hoạch từ rừng trồng hơn 430 nghìn m3 gỗ các loại... Điều đáng nói là một bộ phân dân cư đã “tạm biệt” rừng tự nhiên để “sống tốt” với rừng trồng. Nhưng, để có được diện tích rừng như hôm nay, cả tỉnh đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong mấy thập kỷ...

>> Bài 1: Thăng trầm cửa rừng

Nhọc nhằn trồng rừng

Sau chiến tranh, nhận thức về rừng đã có những chuyển biến, đặc biệt các cấp chính quyền đã nhìn thấy mồn một rừng đã “cao chạy xa bay” về phía tây, vì vậy “cuộc chiến” phủ xanh đất trống đồi núi trọc sớm được triển khai.

 Trồng rừng ở Trường Thủy (Lệ Thủy).
Trồng rừng ở Trường Thủy (Lệ Thủy).

Những năm 70-80 của thế kỷ trước, có lẽ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh những công nhân các lâm trường quốc doanh (tất nhiên lúc ấy chỉ có quốc doanh) cần mẫn trồng cây trên những vùng rừng vừa bị xóa sổ. Đấy là thế hệ những người vừa rời tay súng (từ chiến trường và từ các đội tự vệ của cơ quan, đơn vị trên vùng đất lửa Quảng Bình) trở về với đồi nương. “Nước sông, công lính” những công nhân lâm trường ăn lương ngân sách, cây giống từ tiền ngân sách và với “thời gian không hạn chế” đã gieo mầm xanh lên những vùng đất trống, đồi núi trọc.

Trong một lần gặp ông Lê Đăng Dụng ở thôn Trầm Kỳ (Sen Thủy, Lệ Thủy) cùng vợ là công nhân trồng rừng những năm 70-80 của thế kỷ trước, được ông kể lại: “Chúng tôi trồng thông ngày qua ngày trên vùng rừng trọc Sen Thủy suốt cả mấy năm trời. Trồng theo chỉ đạo của trên chứ có biết đến lúc nào thì thu hoạch, mà lúc đó chúng tôi cũng chẳng biết thu hoạch cây thông như thế nào.

Nhưng, tinh thần thi đua giữa các tổ, nhóm về các chỉ tiêu: trồng cây bảo đảm quy trình, tỷ lệ cây sống cao... sôi nổi lắm”. Tưởng như công dã tràng, bởi đất rừng bao la, sức người bé nhỏ, thiên nhiên khắc nghiệt... Nhưng rồi, qua năm tháng, những đồi trọc đã xanh lại phi lao, bạch đàn, đặc biệt là những rừng thông ngút ngàn. Những đơn vị trồng rừng này số còn, số “mất”, số thay tên đổi họ, nhưng cũng có thể điểm danh một số đơn vị, đó là Lâm trường Đồng Hới, Lâm trường Bồng Lai, Lâm trường Quảng Trạch, Lâm trường Bến Hải...

Nói đến tên một lâm trường “ngoại tỉnh”, Lâm trường Bến Hải, chắc hẳn ai cũng thấy lạ. Vâng, ngoài cái sự lạ về tên còn kéo theo sự lạ khác mà “di chứng” để lại đến bây giờ. Chẳng là những năm nhập tỉnh BìnhTrị Thiên, lâm trường này trồng rừng trên vùng đất giáp ranh giữa tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Vì cái sự chung tỉnh này, nên ngày nay cây thông lại ở trên đất tỉnh ta nhưng phía bạn lấy nhựa...

Nhưng thôi, đấy là chuyện khác. Chỉ cần biết rằng rừng trồng đang lớn lên từng ngày. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã có rừng thông Ba Trại đẹp như thung lũng Tình Yêu của Đà Lạt; rừng thông phía tây bắc thành phố Đồng Hới thực sự là lá phổi xanh làm dịu mát đô thị náo nhiệt; rừng thông vùng giáp ranh Quảng Bình –Quảng Trị xanh ngút ngát... Có lẽ, chúng ta phải cảm ơn những cán bộ, công nhân các lâm trường trồng rừng trong tỉnh của những năm 70-80, họ là “thế hệ vàng”trong hành trình làm xanh lại những vùng đồi trọc...

Lấy nhựa thông ở Lệ Thủy.
Lấy nhựa thông ở Lệ Thủy.

Nghị định... mở lối đi

Nhưng, khi các lâm trường “hết vốn” thì việc trồng rừng cũng bắt đầu chững lại. Lúc này, những chính sách mới về rừng, đất rừng đã tạo ra những bước đổi mới mạnh mẽ. Nghị định 02/CP của Chính phủ tháng 1 năm 1994 đã mở ra những chân trời mới cho rừng, đất rừng trong đó có rừng trồng... Nội dung cốt lõi của Nghị định mang tính bước ngoặt này trong sản xuất lâm nghiệp nước nhà là giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Cùng với đó, các dự án lớn về trồng rừng được khởi động. Có dự án là có tiền nhưng làm gì chứ trồng rừng không phải dễ, bởi liên quan đến đất đai, nhân lực, chủ rừng và điều quan trọng nữa là... lâu lắm mới “kiếm ăn” được từ rừng.

Anh Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy, lúc bấy giờ là cán bộ đi thực hiện giao đất rừng cho dân trồng rừng ở các xã phía tây huyện Lệ Thủy, nhớ lại: “Việc giao đất cho dân trồng rừng không dễ, dân không muốn nhận đất. Vì sao? Có lẽ, vì dân nghèo quá, muốn có cái gì gần với hạt lúa, củ khoai hơn để giải quyết cái đói trước mắt, còn trồng rừng ư, lâu quá!”

Cũng theo anh Quế, lực lượng Kiểm lâm đã có công lớn trong việc “ép” dân nhận đất trồng rừng. “Chúng tôi đến từng nhà, kêu từng người đi nhận đất. Đội nắng mưa với dây thừng, cây tre dài làm thước đo lặn lội đến từng nhà. Thấy anh em đồng cam cộng khổ cùng dân, bà con thương đi nhận đất trồng rừng. Sau này, nhờ rừng, bà con khá lên, gặp lại anh em kiểm lâm họ mừng lắm, cứ bắt ghé vô nhà uống rượu”.

Anh Nguyễn Văn Lợi, nguyên Chủ tịch xã Thái Thủy lúc ấy cũng đã từng kêu trời với dân: “Tại sao người ta mở hướng làm ăn cho mình mà mình lại thờ ơ đến thế...” Thái Thủy là xã đặc biệt khó khăn, đất rộng người thưa, đất trồng rừng bao la. Có lẽ, ai đã từng đi những chuyến tàu chợ qua ga Thượng Lâm vào mùa hè những năm 90 của thế kỷ trước đều thấy một màu tím của hoa sim, mua bát ngát một vùng đồi núi mênh mông... Dân chưa nhận thì cán bộ phải đi đầu nhận trước...

Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn người dân phòng chống cháy rừng.
Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn người dân phòng chống cháy rừng.

Bao công sức tuyên truyên truyền, vận động mới có được những hộ “đầu tàu” nhận đất trồng rừng. Mưa lâu thấm đất, dần dà người dân cũng nhận đất trồng rừng. Dự án Việt Đức đã tiếp sức cho xã Thái Thủy trồng được hơn 1.000 ha thông nhựa thay cho rừng sim mua, dâu rừng.

Trong những năm cuối thế kỷ 20 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, các dự án trồng rừng nối tiếp, xen kẽ nhau thực sự tạo cú hích cho việc trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Càng về sau nhận thức về rừng trồng có những chuyển biến mạnh mẽ, vì vậy, việc xã hội hóa trồng rừng đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành phong trào có chiều sâu và rất thực chất.

Từ năm 2000 đến nay, theo báo cáo của UBND tỉnh, hàng năm tỉnh ta đã trồng mới khoảng 4-5 nghìn ha rừng. Nếu năm 1999, cả tỉnh chỉ có khoảng 39 nghìn ha rừng trồng thì đến cuối năm 2007 con số đó là 93 nghìn ha và đến nay, con số này đạt hơn 120 nghìn ha. Cùng với rừng tự nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của rừng trồng đã góp phần đưa độ che phủ của rừng tỉnh ta đạt tỷ lệ trên 70%, cao nhất toàn quốc. Những địa phương có diện tích rừng trồng lớn là Minh Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy...

Về những trọng điểm rừng trồng, chúng ta mới thấy ý nghĩa lớn lao của nó đối với cuộc sống người dân. Những cánh rừng lớn lên theo năm tháng đã tiếp sức cho nhiều gia đình từng bước đẩy lùi đói nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Thói quen dân nghèo lâu nay dựa vào rừng tự nhiên nay đã bước sang trang mới.

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm

Bài 3: Rừng trồng thay đổi quê nghèo