.

Hướng đi mới từ mô hình trồng rau thủy canh

Thứ Sáu, 21/04/2017, 08:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Mô hình trồng rau thủy canh của anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) là điển hình về trồng rau sạch và bảo vệ môi trường, đồng thời mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng cát.

Trồng rau thủy canh là một phương pháp mới, rất tiết kiệm đất, hiệu quả, đặc biệt còn giúp rau cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh độc tố. Xuất phát từ ý tưởng trồng rau sạch để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình và qua thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ sách, anh Dương Trí Quang đã quyết định mở rộng sản xuất để phục vụ thị trường.

Khởi đầu vào năm 2016, anh Quang chỉ có 250m2 nhà lưới, nhưng đến nay, trên diện tích đất vườn nhà, gia đình anh đã xây dựng được 1.000m2 nhà lưới cùng hệ thống tưới tiêu. Riêng đối với hệ thống giá trồng rau thủy canh, do sử dụng thiết bị, vật liệu nhập ngoại giá thành rất cao nên anh Quang đã tìm tòi, sáng tạo, tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương. Nhờ đó, giảm được giá thành, mà hiệu quả sử dụng không thua kém vật liệu nhập ngoại.

Mô hình trồng rau thủy canh của anh Dương Trí Quang (Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy) cho thu hoạch 15kg rau quả/ngày.
Mô hình trồng rau thủy canh của anh Dương Trí Quang (Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy) cho thu hoạch 15kg rau quả/ngày.

Qua 1 năm thực hiện, mô hình trồng rau thủy canh của anh Quang đa dạng, phong phú với nhiều loại rau xanh, như: cải ngọt, cải xanh, đậu bắp, xà lách, cà chua, dưa leo... Mỗi ngày, mô hình cho thu hoạch hơn 15kg rau quả, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các chợ, quán ăn trên địa bàn.

Tuy đầu tư trồng rau thủy canh mất thời gian thu hồi vốn khoảng 4-5 năm, nhưng rau sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, anh Quang vẫn quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là thiếu vốn và hạn chế về kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo ông Ngô Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, hiện nay, trên địa bàn xã, nguồn rau xanh phục vụ người dân hàng ngày luôn thiếu, chủ yếu là lấy rau xanh từ các chợ lớn của huyện nên giá khá cao. Vì vậy, việc người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng rau, tiêu biểu là mô hình trồng rau thủy canh, đã góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch đang khan hiếm trên địa bàn.

Mô hình trồng rau thủy canh với những ưu điểm nổi bật, như: không tốn công làm đất, không cần tưới nước, cũng không phải quan tâm đến việc bón phân, nhổ cỏ hay diệt sâu hại... đang mở ra hướng đi mới cho người dân vùng biển phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, muốn nhân rộng mô hình trồng rau xanh theo cách thủy canh, ngành chức năng cần quan tâm  tạo điều kiện hỗ trợ người dân về vốn, giống, kỹ thuật để phát triển sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ tiêu dùng của địa phương.

Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)