.

Bố Trạch: Đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ Sáu, 21/04/2017, 10:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng là một trong những yếu tố bảo đảm thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng giai đoạn 2014-2020, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị sản xuất..., qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: sản lượng lương thực đạt bình quân 46.000 tấn/năm; năng suất các loại cây trồng không ngừng được cải thiện; lúa chất lượng cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn so với tổng diện tích lúa của huyện. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 đạt hơn 2.000 tỷ đồng (chiếm 38,4% giá trị sản xuất của huyện); cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cây dược liệu, hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch.
Cây dược liệu, hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch.

Đồng thời, Bố Trạch đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung trên một số loại cây trồng như lúa, sắn, ngô, lạc; bước đầu đã tạo liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân... Có được kết quả đó là nhờ trong thời gian qua, huyện Bố Trạch đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa các cây con, giống mới vào sản xuất; chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện.

Mặt khác, huyện đã thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đồng thời ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, nền sản xuất nông nghiệp nói chung và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Bố Trạch còn bộc lộ nhiều bất cập, như: quy mô sản xuất nhỏ, diện tích manh mún, năng suất và chất lượng thấp, chưa có thương hiệu. Sản phẩm mang tính hàng hóa nổi bật ít nên hiệu quả và sức cạnh tranh kém; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả vào sản xuất chưa mạnh...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết, bám sát đề án chung của huyện, hiện đa số các xã trên địa bàn đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lồng ghép hiệu quả các chương trình trên cơ sở bám sát thực tế của từng địa phương.

Quá trình triển khai, bước đầu đã xây dựng được một số mô hình khá hiệu quả.

Trước thực trạng đó, nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, huyện Bố Trạch đã chú trọng triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 với những giải pháp cụ thể và mang tính bền vững.

Theo đó, đối với nhóm cây trồng nông nghiệp chủ lực, huyện chủ trương sử dụng đất lúa linh hoạt, có hiệu quả; duy trì sản lượng lương thực hằng năm trên 45.000 tấn/năm, tập trung phát triển chất lượng, nâng cao giá trị lúa hàng hóa. Với các chân ruộng khác nhau, tùy theo điều kiện mà có phương án cụ thể theo định hướng chuyển đổi.

Chẳng hạn, đối với ruộng 2 vụ ăn chắc, nông dân sẽ tập trung chuyển đổi mạnh sang cơ cấu giống lúa chất lượng cao đồng thời áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa.

Riêng đối với ruộng 1 vụ vùng thấp trũng, thường bị ngập úng trong vụ hè-thu, nông dân sẽ tập trung sản xuất vụ đông-xuân ăn chắc, để lúa tái sinh, kết hợp nuôi cá, vịt, cua đồng...; từng bước nghiên cứu, thử nghiệm đưa giống lúa cực ngắn, đột biến vào sản xuất vụ hè-thu để thay thế dần lúa tái sinh khi có đủ điều kiện phù hợp.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng bỏ ruộng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 chuyển đổi được 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Đại Trạch, Vạn Trạch, Hòa Trạch, Tây Trạch, Đồng Trạch, Hạ Trạch, Cự Nẫm, Hưng Trạch..., huyện chủ trương đa dạng hoá các loại cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chuyển đổi sang gieo trồng ngô, lạc, ớt, đậu xanh, vừng, rau các loại; đồng thời trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò tại các ruộng cao, bị thiếu nước ở Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, Liên Trạch...

Riêng đối với diện tích trồng lạc, ngô kém hiệu quả, huyện khuyến khích bà con nông dân chuyển sang trồng sắn nguyên liệu theo mô hình trồng lạc xen canh sắn; đồng thời tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn các giống sắn năng suất và hàm lượng tinh bột cao dần thay thế các giống cũ năng suất thấp; kết hợp trồng sắn rải vụ để đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn.

 Hồ tiêu, loại cây tiềm năng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch.
Hồ tiêu, loại cây tiềm năng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch.

Từng bước mở rộng diện tích trồng ngô làm cây thức ăn phục vụ chăn nuôi; phát triển ngô thực phẩm ở các vùng đủ điều kiện để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; áp dụng nhanh khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn sản xuất với thu mua và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Đối với nhóm cây trồng tiềm năng, như: hồ tiêu, rau quả, huyện chủ trương mở rộng và chuyển đổi sang diện tích trồng hồ tiêu trên các chân đất phù hợp, tập trung ở các xã phía Tây huyện Bố Trạch.

Huyện đẩy mạnh áp dụng khoa học, nhân rộng mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nhằm nâng hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu đến năm 2020 có 500 - 600 ha tiêu, sản lượng đạt 264 tấn; quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất rau quả ở các xã ven Quốc lộ 1, ven thị trấn, khu vực du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng , trong đó vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và BasicGAP có quy mô đạt khoảng 50 -100 ha; chú trọng phát triển các loại cây ăn quả có lợi thế, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có thị trường tiêu thụ tốt; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương. Ngoài ra, với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khá thích hợp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây dược liệu, cũng được xem là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giảm nghèo ở Bố Trạch.

Thanh Hải