.

Canh tác lúa cải tiến ở Yên Hóa: Hiệu quả thấy rõ

Thứ Bảy, 22/04/2017, 19:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) tại xã Yên Hoá, huyện Minh Hoá. Qua một năm triển khai, mô hình cơ bản hoàn thành, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng lúa của địa phương.

Xã Yên Hóa có diện tích đất trồng lúa trên 40ha. Trước đây, các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Về mùa khô, cả 5 hồ chứa nước trên địa bàn xã đều cạn nên diện tích lúa ở đây chỉ gieo trồng được vụ đông - xuân, còn vụ hè - thu thì bỏ hoang hoặc chuyển đổi giống cây trồng.

Cánh đồng lúa theo mô hình cải tiến SRI tại xã Yên Hóa (Minh Hóa).
Cánh đồng lúa theo mô hình cải tiến SRI tại xã Yên Hóa (Minh Hóa).

Mặt khác, tập quán canh tác của bà con thường sạ dày và hầu hết không bón phân chuồng, lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giữ nước thường xuyên trong ruộng lúa, đốt phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch. Từ những hạn chế này đã làm tăng giá thành sản xuất lúa, lợi nhuận thu lại không cao, gây bùng phát dịch hại, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người...

Trước tình hình đó, vụ đông – xuân năm 2015 -2016, được sự hỗ trợ của dự án SRDP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI). Đây là địa phương đầu tiên của Minh Hóa triển khai mô hình canh tác này. Vụ đầu tiên, mô hình trồng thí điểm 10 ha ở thôn Tân Tiến, Kiều Tiến và Tân Lợi. Đây là những thôn thường xuyên thiếu nước.

Để triển khai thực hiện mô hình, Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, UBND xã tổ chức họp dân phổ biến chủ trương xây dựng cánh đồng lúa SRI và lấy ý kiến nông dân. Sau đó, Dự án hỗ trợ giá giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc diệt chuột cho các mô hình... Nhờ vậy, việc triển khai đã được sự đồng thuận cao của bà con.

Các đơn vị triển khai còn mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con, cử cán bộ về trực tiếp bắt tay làm cùng với nông dân; xây dựng lịch tưới tiêu gửi về cho các thôn để cung cấp nước tưới đúng quy trình; tổ chức thăm đồng để kiểm tra, đánh giá tình hình chăm sóc ruộng lúc.

Qua quá trình triển khai cho thấy, việc áp dụng SRI giảm được khoảng 50-60% lượng giống so với phương pháp canh tác truyền thống (nếu trồng lúa theo kiểu thông thường phải mất từ 10 đến 12 kg giống, còn trồng theo mô hình SRI chỉ tốn khoảng từ 4 đến 5 kg giống). Các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể. Nếu như trước đây, mỗi vụ, xã Yên Hóa phải xả nước vào ruộng liên tục thì nay chỉ xả mỗi vụ 3 lần, mỗi lần từ 7 đến 10 ngày. Nhờ tiết kiệm được nguồn nước mà xã Yên Hóa đã gieo trồng lúa từ 1 vụ lên 2 vụ.

Những hộ nông dân không tham gia mô hình nhưng thấy rõ hiệu quả mang lại cũng học tập làm theo. Bà Đinh Thị Điều, ở thôn Tân Sơn phấn khởi: “Nhờ trồng lúa cải tiến theo mô hình SRI nên 3 sào lúa nhà tôi đạt năng suất, sản lượng, chất lượng cao hơn trước. Năm 2016, lúa cải tiến SRI của gia đình tôi đạt năng suất 54 tạ/ha. Còn lúa ngoài mô hình đạt năng suất khoảng 52 tạ/ha.

Ông Đặng Văn Hiếu, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Minh Hóa cho biết: “SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái nhằm tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư cho giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới trên cùng diện tích.

Nguyên tắc cơ bản của SRI là bảo đảm sự phát triển tối đa của bộ rễ lúa nhờ việc sử dụng mạ non ở tuổi từ 2 - 3 lá, giảm đến mức thấp nhất sự tổn thương hoặc cạnh tranh của bộ rễ trong và sau khi cấy với yêu cầu phải cấy một dãy, vuông mắt sàng, mật độ thưa tùy theo chất lượng đất trồng, đồng thời phải rút cạn và điều tiết nước hợp lý trong quá trình sinh trưởng của cây lúa”.

Nông dân xã Yên Hóa đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Nông dân xã Yên Hóa đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Với thành công từ mô hình thí điểm canh tác lúa SRI ở 3 thôn, đến nay xã Yên Hóa đã nhân rộng mô hình trong toàn xã với 8 thôn, diện tích trên 40 ha. Nhờ tiết kiệm được nguồn nước tưới, nên mỗi năm bà con trong xã đã gieo trồng được 2 vụ, năng suất lúa lại cao hơn.

Bà Cao Thị Chế, ở thôn Yên Nhất tâm sự: “Đây là vụ thứ 2 nhà tôi trồng lúa theo mô hình cải tiến SRI. Mô hình cho năng suất cao hơn, giảm chi phí so với trước đây, tôi rất phấn khởi”. Nếu như trước đó, gần 3 sào lúa nhà bà Chế chỉ đáp ứng được lương thực trong vòng 6 tháng, nhưng từ khi trồng lúa theo mô hình cải tiến, nhà bà đã trồng được 2 vụ nên thóc gạo tăng lên gấp đôi, đủ gạo ăn cả năm.

Hiện, toàn huyện Minh Hóa có trên 450 ha đất trồng lúa. Năng suất lúa hàng năm trên địa bàn đạt khoảng 50 tạ/ha. Nhiều nơi không triển khai sản xuất được vụ hè-thu do thiếu nước dẫn đến nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền trong huyện cần quan tâm, sớm triển khai trồng lúa theo mô hình cải tiến SRI để giảm chi phí sản xuất cho bà con, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp...

Xuân Vương