.

Người nông dân vượt khó khởi nghiệp

Thứ Hai, 10/04/2017, 14:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Bắt đầu làm kinh tế từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ và bản tính chăm chỉ, cần cù, dám nghĩ dám làm, anh Dương Duy Mướn, thôn Cà, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) đã xây dựng cho mình cơ ngơi kinh tế khiến nhiều người mơ ước.

Sau khi xây dựng gia đình, cuộc sống vợ chồng anh Dương Duy Mướn và chị Dương Thị Liên gặp không ít khó khăn, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Nhiều đêm liền anh Mướn suy nghĩ, trăn trở phải làm gì để thoát cảnh đói nghèo.

Năm 2015, giữa lúc chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo các hướng đi mới, anh Mướn đã mạnh dạn bàn với chị Liên tận dụng diện tích đất trồng lúa ở vùng chiêm trũng khó canh tác để phát triển mô hình trang trại VAC tổng hợp.

Khi đưa ra ý tưởng, anh Mướn được con cái và người thân ủng hộ, ngoài diện tích đất trồng lúa sẵn có của gia đình, anh động viên một số hộ dân trong thôn bán đất cho mình để chuyển đổi đất mở rộng thêm diện tích trang trại. Có được diện tích đất theo dự định, anh Mướn nhanh chóng thực hiện kế hoạch, vừa thuê máy xúc đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu các loại giống vật nuôi phù hợp với xu hướng, nhu cầu thị trường...

Đàn lợn được chăm sóc, phòng bệnh kỹ lưỡng nên mỗi năm đem lại lợi nhuận cho gia đình anh Dương Duy Mướn gần 100 triệu đồng.
Đàn lợn được chăm sóc, phòng bệnh kỹ lưỡng nên mỗi năm đem lại lợi nhuận cho gia đình anh Dương Duy Mướn gần 100 triệu đồng.

Hiện nay, ngoài nuôi 7 con lợn nái giống, hơn 120 con lợn thịt bán thương phẩm, mỗi năm gia đình anh bán được khoảng 9 tấn lợn thịt. Anh còn nuôi 2 con trâu, 2 con bò, 50 gà đẻ trứng  (xuất khoảng 1.000 con gà/năm). Ngoài ra, tận dụng nguồn thức ăn từ chăn nuôi, anh Mướn để nuôi thả cá tại 3 hồ có diện tích khoảng 2.000m2. Trong đó, anh Mướn nuôi chủ yếu là cá rô, trắm, mè, gáy. Mỗi năm, từ 3 ao cá này, anh cho thu mua được hai lứa, 1 lứa bán khoảng 60 triệu đồng (chưa kể chi phí).

Nhớ lại thời gian đầu xây dựng mô hình VAC tổng hợp, gia đình anh Mướn gặp nhiều khó khăn: nguồn vốn eo hẹp khiến việc đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, con giống gặp trở ngại; kinh nghiệm chăn nuôi hạn chế, vì vậy, mấy năm đầu gia đình anh rất vất vả. Song với sự chăm chỉ, cần cù, quyết tâm học hỏi kinh nghiệm ở những người có mô hình phát triển chăn nuôi đi trước và qua tìm hiểu sách vở, thông tin trên ti vi, anh Mướn đúc kết cho mình những kinh nghiệm chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tâm sự về những kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi có được, anh Dương Duy Mướn cho biết: "Để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, sau mỗi lứa bán lợn, gà, vịt, cá, gia đình tôi đều bơm nước vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực trang trại và rắc vôi bột xuống ao để phòng, chống các loại dịch bệnh cho đàn cá; đặc biệt phải chú ý thật kỹ từ khâu lựa chọn đầu vào con giống, vì đây là yếu tố quyết định đến năng suất hiệu quả trong chăn nuôi.

Ngoài ra, mô hình kinh tế của gia đình tôi có được như hôm này cùng nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch. Ngân hàng đã tạo điều kiện cho gia đình vay theo chính sách giải quyết việc làm nên, phần nào giúp vợ chồng tôi có thêm động lực để phát triển gia trại hiệu quả hơn".

Được biết, hàng ngày, vợ chồng anh Mướn còn chạy chợ buôn bán lợn con giống, vừa cung cấp cho gia đình, vừa để bán cho bà con trong, ngoài xã có nhu cầu. Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi trong phát triển chăn nuôi và buôn bán, mỗi năm gia đình anh Dương Duy Mướn thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế , anh Mướn còn là Tổ trưởng tổ vay vốn rất nhiệt tình, năng động của thôn Cà, đồng thời là hội viên nông dân gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.

Hiền Phương