.

Định hình thương hiệu du lịch Lệ Thủy

Thứ Tư, 05/04/2017, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Không phải bàn cãi nhiều về thế mạnh sản xuất nông nghiệp của huyện Lệ Thủy bởi không nhiều vùng quê sở hữu được những đồng lúa trĩu vàng, thẳng cánh có bay như nơi đây. Và không chỉ có thế, tên gọi Lệ Thủy đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn bởi một tiềm năng khác đang được đánh thức: du lịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Thị Hòa trong một lần gặp gỡ chúng tôi đã khái quát rằng, với đặc điểm địa hình hội tụ đủ các yếu tố rừng núi, sông ngòi, đồng bằng, bờ biển và một hệ thống đường giao thông thuận lợi, Lệ Thủy đang có những thế mạnh riêng về du lịch mà không nhiều địa phương khác sánh được.

Rước nước nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Di tích cấp Quốc gia Chùa Hoằng Phúc.
Rước nước nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Di tích cấp Quốc gia Chùa Hoằng Phúc.

Quả thực như vậy, bởi không ai có thể phủ nhận Lệ Thủy là vùng đất “địa linh nhân kiệt” gắn với tên tuổi của những nhân vật kiệt xuất có công lớn với quê hương qua các thời kỳ lịch sử, như: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – người có công đầu mở cõi phương Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng tài ba nổi tiếng thế giới...

Ngoài ra, Lệ Thủy cũng là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, như: Chùa Hoằng Phúc với bề dày hơn 700 năm tuổi, Miếu Thần Hoàng – nơi ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên phía Nam Quảng Bình, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đặc biệt, những năm trở lại đây, tên gọi Lệ Thủy được nhắc đến nhiều hơn, gắn với những địa danh có thể phát triển loại hình du lịch sinh thái, như: Suối nước nóng Bang, Bàu Sen...

Và hơn thế nữa, văn hóa truyền thống với những bản sắc riêng của Lệ Thủy, như: làn điệu hò khoan 9 mái, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, lễ hội chùa Hoằng Phúc... đang hứa hẹn một tiềm năng phát triển du lịch to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đang tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa để phát triển kinh tế.

Đến Lệ Thủy, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra những nét văn hóa đặc trưng riêng có của người dân nơi đây. Tất cả đều gắn bó với hình ảnh cây đa, bến nước, những con đường rợp bóng cây, tiếng trẻ con nô đùa lẫn trong tiếng cười sảng khoái của các bác nông dân sau một ngày vất vả việc đồng áng. Hệ thống các làng nghề truyền thống của huyện Lệ Thủy cũng rất đa dạng với nhiều sản phẩm gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Dòng sông Kiến Giang hiền hòa tắm mát ruộng đồng mùa lúa trổ bông hay rộn ràng tiếng mái chèo khua nước hòa trong điệu hò khoan của các mẹ, các chị mỗi mùa gặt.

Từ bao đời nay, dòng Kiến Giang đã trở thành một phần máu thịt của người dân Lệ Thủy. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống làm nức lòng người dân cả nước. Vì thế, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống là điều mà các thế hệ lãnh đạo huyện Lệ Thủy vẫn luôn trăn trở. Và để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1198/KH-UBND về việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn; Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phát triển dịch vụ, du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để làm được điều này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2276/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình phát triển dịch vụ du lịch giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 423/KH-UBND về phát triển du lịch năm 2016. Trong đó, địa phương xác định sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, như: Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng bán hàng lưu niệm, hàng tiểu thủ công nghiệp, tổ chức các làng nghề tại các điểm du lịch để quảng bá sản phẩm của địa phương; đồng thời củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông; xây dựng bến xe trung tâm huyện, phát triển các loại hình phương tiện công cộng; đẩy mạnh dịch vụ bưu chính viễn thông và hệ thống điểm lắp đặt máy rút tiền tự động để phục vụ du khách.

Mặt khác, huyện cũng đã đẩy mạnh khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách thập phương khi đến địa bàn. Một nhiệm vụ quan trọng nữa mà UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng và địa phương tập trung thực hiện là xây dựng các mô hình sản xuất gắn với dịch vụ du lịch bằng việc khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống để hình thành các điểm tham quan cho du khách.

Theo chúng tôi, đây chính là cách làm hay bởi vừa tạo điều kiện cho khách du lịch tìm hiểu quá trình sản xuất ra sản phẩm, vừa trực tiếp mua hàng hoặc đặt hàng tại chỗ theo nhu cầu chủng loại, như: làm nón, chiếu cói, đan lát, mộc mỹ nghệ...

Ông Nguyễn Dương, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện khẳng định, muốn khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, Lệ Thủy sẽ phải hình thành một chiến lược phát triển hợp lý. Nghĩa là phải đào tạo được nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đồng thời chú trọng phát triển một cách đa dạng các loại hình du lịch gắn với dịch vụ; và cuối cùng là phải xây dựng thương hiệu du lịch Lệ Thủy.

Thời gian qua, chính quyền địa phương huyện Lệ Thủy đã có những nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc nghiên cứu nhằm xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch vùng phía Nam tỉnh Quảng Bình. Mục tiêu đặt ra là cơ bản đến năm 2020 sẽ xây dựng được điểm đến du lịch huyện Lệ Thủy.

Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp 2-9 luôn thu hút hàng vạn người dân tham gia cổ vũ.
Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp 2-9 luôn thu hút hàng vạn người dân tham gia cổ vũ.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, quảng bá du lịch; trong đó, chú trọng chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm quảng bá và phương tiện thông tin hiện đại có sức lan tỏa nhanh, rộng. Đồng thời, đẩy mạnh việc xúc tiến du lịch theo hướng có lựa chọn và mang tính chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Dương, trên cơ sở Lễ hội Di tích cấp Quốc gia Chùa Hoằng Phúc hiện có, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và việc đề nghị công nhận Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, sắp tới, chính quyền địa phương sẽ nghiên cứu, kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển tuyến du lịch trải nghiêm trên sông Kiến Giang gắn với Hò khoan Lệ Thủy; đồng thời kêu gọi đầu tư dự án du lịch khám phá và trải nghiệm Khe Nước Trong và khu du lịch nghỉ dưỡng Suối nước nóng Bang tại xã Kim Thủy. Đối với tuyến du lịch trải nghiệm lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện sẽ nghiên cứu đầu tư, tổ chức bài bản để tạo thêm dấu ấn và phục vụ nhu cầu của du khách.

Bên cạnh lợi thế về phát triển nông nghiệp, tiềm năng phát triển du lịch của huyện Lệ Thủy là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, để tiềm năng này thực sự được đánh thức, bên cạnh những nỗ lực cố gắng của chính quyền địa phương, rất cần sự hợp tác của các nhà đầu tư và định hướng sát đúng của tỉnh.

Nguyễn Hoàng