.

Chàng kỹ sư say mê làm vườn

Thứ Tư, 05/04/2017, 14:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong khi nhiều bạn trẻ khác sau khi tốt nghiệp đại học bôn ba tìm kiếm việc làm, anh Cao Thanh Chiến, tiểu khu 4, thị trấn Quy Đạt, lại chọn con đường phát triển kinh tế ngay ở quê nhà, để vừa có điều kiện chăm sóc gia đình, vừa tận dụng quỹ đất hiện có. Tuy mới bước đầu hình thành, mô hình kinh tế hứa hẹn nhiều triển vọng.

Sinh năm 1982, anh Cao Thanh Chiến cũng đã từng có 5 năm công tác ở xã biên giới Hóa Sơn huyện Minh Hóa theo chương trình tuyển chọn đội viên – những tri thức trẻ giúp các xã nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Vừa thực hiện nhiệm vụ, anh Chiến tranh thủ những ngày nghỉ, cải tạo đất vườn nhà.

Trước đây, đất vườn chủ yếu để trồng sắn, trồng rau theo mùa vụ, nhưng thu nhập cũng không đáng kể. Với những kiến thức đã học, kinh nghiệm công tác và sự nhạy bén với xu thế phát triển của xã hội hiện nay, anh đã bàn với gia đình cải tạo đất vườn để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Bắt đầu từ năm 2014, hơn 8 sào đất với trên 4.000m2  được quy hoạch để trồng các loại cây, bao gồm: mít thái, ổi, chuối. Hết thời hạn 5 năm làm tri thức trẻ cống hiến cho mảnh đất Hóa Sơn, anh Chiến trở về chăm sóc vườn cây mình đã tạo dựng.

Một góc vườn Mít của gia đình anh Chiến.
Một góc vườn Mít của gia đình anh Chiến.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, vì sao anh không xin việc vào làm ở một cơ quan nào đó phù hợp với tấm bằng Đại học, anh Chiến cho biết; thực ra trước đây sau khi đi học về, mơ ước của anh là muốn có được việc làm ổn định trong một cơ quan Nhà nước nào đó. Nhưng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một tri thức trẻ theo chương trình 30a, bắt tay vào làm kinh tế và thấy đam mê, mô hình chỉ mới bắt đầu nhưng anh nghĩ đây sẽ là con đường lập nghiệp lâu dài của mình.

Đất vườn rộng, nhưng lại nằm rải rác ở nhiều nơi, anh Chiến đã nghiên cứu điều kiện về đất đai, địa hình để bố trí trồng các loại cây phù hợp. Chỉ với 3 lao động, anh cùng gia đình không quản ngày nắng mưa, đầu tư hàng chục triệu đồng để làm hàng rào, mua cây giống, phân bón. Dần dần mô hình kinh tế hình thành và phát triển rất tốt.

Hiện anh Chiến có trong tay trên 100 cây mít thái gần 3 năm tuổi, trong đó có 40 cây là giống mít không hạt, 200 gốc ổi bắt đầu ra hoa kết quả, trên 150 gốc chuối đang cho thu hoạch hàng ngày. Tận dụng đất ở vườn mít, anh đầu tư làm chuồng trại nuôi trên 100 con gà, vừa có thu nhập vừa sử dụng phân gà để bón cho cây trồng. Tại vườn ổi, gia đình anh trồng xen các loại rau, như: cà chua, rau dền, bầu, bí, mướp đắng....vừa có thực phẩm cho bữa ăn gia đình, vừa bán ra thị trường quanh năm.

Để có được vườn cây xanh tốt, trĩu quả như ngày hôm nay, anh Chiến đã mang hết kiến thức của một kỹ sư nông nghiệp ra áp dụng, từ kỹ thuật trồng, bón phân, tỉa cành, làm cỏ, cắt bỏ bớt quả không đạt yêu cầu để chọn những quả có chất lượng. Mặc dù mới ở thời kỳ đầu, thu nhập chưa nhiều so với công sức bỏ ra, nhưng theo anh Chiến, khoảng tháng 5 âm lịch năm nay gia đình anh sẽ thu hoạch từ cây mít và ổi.

Ngoài làm vườn, anh Chiến còn đầu tư gần 700 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hoàn, máy làm đất phục vụ nhu cầu gieo cấy lúa của bà con nông dân trong và ngoài huyện. Hết vụ mùa ở huyện, anh lại đưa máy ra các tỉnh phía Bắc, như: Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, để gặt lúa cho bà con, mỗi năm nguồn thu từ hai chiếc máy này, trừ mọi chi phí cũng trên 100 triệu đồng.

Với sức trẻ của mình và với đam mê sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Chiến mong muốn tạo ra thói quen mới trong sản xuất là không cần nhiều diện tích đất và sản phẩm đến tay người tiêu dùng càng ít khâu trung gian càng tốt. Vì vậy, ngoài việc bán sản phẩm ngay tại chợ, anh sẽ tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.

Sự lựa chọn của chàng kỹ sư nông nghiệp Cao Thanh Chiến là làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, Với quyết tâm và kinh nghiệm đã học hỏi, vườn cây gồm mít, ổi, chuối hứa hẹn sẽ đem lại cho anh Cao Thanh Chiến những thành công mới.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)