.

Tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn

Thứ Ba, 04/04/2017, 10:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, công tác khuyến công và xúc tiến thương mại (KC&XTTM) ở Quảng Bình đã góp phần tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh của các làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là việc hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn.

Cùng với sự phát triển của cả nước, những năm gần đây, kinh tế tỉnh Quảng Bình đã có sự phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hàng năm, đạt mức cao (7,5%). Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, nên so với mặt bằng chung của cả nước, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh còn chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đặc biệt là các địa bàn khó khăn. Ở những vùng khó khăn, số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành lập cũng còn rất ít và chậm phát triển.

Trước thực tiễn đó, ngày 14-12-2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định số 13698/QĐ-BCT về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công Quốc gia 2016 cho đề án “Hỗ trợ thành lập 30 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn”, giao Trung tâm KC&XTTM Quảng Bình làm đơn vị thực hiện. Mục tiêu chính của đề án là hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các cá nhân để thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn của Quảng Bình.

Nhiều doanh nghiệp may mặc ở khu vực nông thôn sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp may mặc ở khu vực nông thôn sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ông Dương Văn Minh, Trưởng phòng KC&XTTM (Trung tâm KC&XTTM, Sở Công thương) cho biết, sau khi ký Hợp đồng thực hiện đề án “Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn” với Cục Công nghiệp địa phương, theo yêu cầu đặt ra là hỗ trợ 30 doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 trên địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Bình, Trung tâm KC&XTTM đã rà soát và phối hợp với Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã để lựa chọn tư vấn và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn theo đúng các nội dung của Hợp đồng.

Nhờ sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương, lãnh đạo Sở Công Thương và sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Đăng ký kinh doanh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn trong quá trình triển khai, thực hiện đề án, đến nay, Trung tâm đã tư vấn và hỗ trợ được cho 30 doanh nghiệp thành lập mới với các nội dung: Chi phí hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án thành lập doanh nghiệp và chi phí tư vấn cho doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động, chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, phí bố cáo thành lập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được thành lập với các ngành nghề sản xuất công nghiệp nông thôn chủ yếu, như: sản xuất hàng may sẵn; may trang phục; sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ dùng kim loại thông dụng; sản xuất cửa nhôm kính, cửa cuốn, cửa nhựa các loại; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; sản xuất chế tác trầm hương mỹ nghệ; sản xuất các sản phẩm khác từ gỗ; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản... Hiện, các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục thành lập và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trầm hương Hiếu Thảo (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: “Gia đình tôi theo nghề sản xuất trầm hương mỹ nghệ đã rất lâu, tuy nhiên trước đây chỉ là một cơ sở nhỏ, ít người biết đến. Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của Trung tâm KC&XTTM tỉnh, ngày 28-4-2016, cơ sở của tôi được phát triển lên thành công ty. Với quy mô lớn, diện mạo mới, các sản phẩm trầm hương của công ty đã có nhiều cơ hội hơn trong việc quảng bá đến thị trường trong và ngoài nước. Cũng rất vinh dự khi bộ sản phẩm trầm hương của công ty được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2016“.

Chia sẻ về mục đích khi tham gia tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, ông Dương Văn Minh cho biết, trong quá trình thành lập doanh nghiệp, các cá nhân sau này là chủ doanh nghiệp sẽ được tư vấn để nắm phạm vị trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức quản lý, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp, nguyên tắc và phương pháp quản lý tài chính doanh nghiệp và các kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh để đem lại hiệu quả khi hoạt động.

Cùng với đó là các vấn đề về hồ sơ thành lập, hình thức đầu tư, loại hình doanh nghiệp, các lựa chọn loại công nghệ, thiết bị phù hợp để đầu tư sản xuất. Như vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về quản lý và điều hành doanh nghiệp, từ đó có phương pháp quản lý phù hợp, tạo sự ổn định trong sản xuất.

Được biết, trong năm 2017, Trung tâm KC&XTTM tiếp tục thực hiện đề án “Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn” với Cục Công nghiệp địa phương, theo yêu cầu đặt ra là hỗ trợ 30 doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 trên địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Lê Mai