.

Người dân khốn đốn vì rau màu chết rạc

Thứ Tư, 03/02/2016, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Mưa dầm kéo dài kèm theo rét đậm đã ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng, đặc biệt là các loại rau màu vụ đông-xuân ở tỉnh ta. Hàng trăm ha rau màu bị chết rạc, khiến nguồn rau xanh cung cấp dịp Tết bị thiếu hụt, nhiều hộ trồng rau thất thu.

Đợt rét đậm, rét hại kỷ lục trong thời gian qua đã khiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt, trong đó có các sản phẩm rau củ quả. Trước tình hình “khát” rau xanh như hiện nay, các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị nguồn rau củ quả để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt trong những ngày này lại khiến người nông dân rơi vào nghịch cảnh không có hàng bán dù giá rau xanh đang tăng cao.

Ở tỉnh ta, các vựa rau lớn như xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Hồng Thủy, Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy),... rau xanh cũng bị héo hoặc chết rạc khiến người dân không đủ rau xanh để cung cấp cho thị trường.

Được biết tổng diện tích gieo trồng rau màu vụ đông-xuân này toàn tỉnh đạt khoảng 4.000 ha, tuy nhiên theo thống kê của Sở NN&PTNT sau đợt ảnh hưởng thời tiết mưa lạnh vừa qua, khoảng 200 ha rau màu đã bị thiệt hại, nhiều loại rau củ bị giảm sút về năng suất lẫn chất lượng.

Ảnh 2 : Những luống dưa leo chưa kịp thu quả đã bị chết do thời tiết.
Những luống dưa leo chưa kịp thu quả đã bị chết do thời tiết.

Đến xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), một trong những vùng canh tác hoa và rau màu lớn trong tỉnh, chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt cảnh tượng mất mùa của bà con nông dân. Nếu cũng ngày này những năm trước đến đây, những mảnh ruộng dù nhỏ hay lớn của các hộ gia đình cũng tràn ngập rau xanh hoặc hoa cúc, hoa ly, không khí thu hoạch, mua bán rất nhộn nhịp. Thế nhưng năm nay hình ảnh các cô, các chị đưa rau, su hào, hoa ra bán dọc đường đã “vắng bóng”.

Để mua rau, chúng tôi phải đi khắp xóm mới tìm được một mớ rau xanh tốt mà giá bán cao không kém ngoài chợ là bao. Trao đổi với chúng tôi về tình hình sản xuất rau màu vụ đông-xuân năm nay, chị Nguyễn Thị Nở, một người trồng rau lâu năm ở thôn An Định chia sẻ: “Năm nào vào dịp Tết Nguyên đán gia đình tôi cũng cung cấp cho thị trường chợ Tréo (thị trấn Kiến Giang) và thị trường thành phố Đồng Hới hàng tạ rau củ quả xanh sạch. Nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi đã làm cho vườn rau củ quả nhà tôi kém phát triển và năng suất thấp. Không có rau để bán nên thu nhập của gia đình cũng bị ảnh hưởng khá lớn”.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình chị Nở, nhiều hộ dân trồng rau màu khác ở Hồng Thủy cũng như nhiều địa phương trong tỉnh đang lâm vào tình cảnh hàng loạt rau màu bị héo, chết khô, sâu bệnh... trong khi giá rau tăng gấp 3-5 lần so với những năm trước, người dân chỉ còn biết ngồi thở dài.

Bên cạnh sự khốn đốn của người dân trồng rau, những hộ dân trồng hoa, đặc biệt là hoa ly cũng lỗ vốn nặng vì thời tiết mùa đông năm nay nhiệt độ cao nên hoa nở sớm, không đúng dịp Tết. Anh Nguyễn Văn Thìn ở thôn An Định, xã Hồng Thủy, cho biết gia đình anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa với diện tích trên 5 ha, trồng rất nhiều loại hoa như: hoa ly, hoa hồng, hoa cúc...

Hy vọng Tết năm nay sẽ cung cấp cho thị trường và mang lại nguồn kinh tế lớn cho gia đình nên anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 500 chậu hoa ly. Nhưng do thời tiết mùa đông năm nay nhiệt độ cao hơn mọi năm nên hoa ly đã nở trước Tết Nguyên đán hai tuần. Bên cạnh đó, do thời tiết thay đổi đột ngột cũng làm cho các loại hoa hồng, hoa cúc của anh bị thối nụ và hoa kém chất lượng. Thiệt hại của gia đình ước tính trên 60 triệu đồng.

Càng ngày, do sự biến đổi của khí hậu nên thời tiết có nhiều thay đổi bất thường. Hy vọng các cấp chính quyền sẽ sớm có các biện pháp khắc phục, giúp đỡ,  liên kết với các hộ nông dân để xây lắp được những hệ thống nhà lưới, nhà kính nhằm chủ động trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm thiểu những thiệt hại do thời tiết gây ra.

Cát Nhiên-Minh Điền