.

Chăm sóc lúa đông-xuân sau rét

Thứ Ba, 02/02/2016, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh ta đã chịu ảnh hưởng của không khí lạnh gây rét đậm rét hại, nhiệt độ từ 7-12oC, cá biệt một số địa phương ở Minh Hóa, Tuyên Hóa dưới 6oC. Đây là đợt rét có nhiệt độ thấp nhất trong những năm gần đây, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng cũng như tiến độ gieo cấy lúa đông-xuân.

Theo thống kê từ Phòng NN và PTNT các huyện, thị xã, thành phố và báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét hại và ngập úng là 2.637 ha, trong đó Lệ Thủy 1.000 ha, Quảng Ninh 230 ha, Đồng Hới 37 ha, Bố Trạch 50 ha, Ba Đồn 150 ha, Quảng Trạch 230 ha, Tuyên Hóa 900 ha và Minh Hóa 40 ha.

Nhiều ruộng lúa của nông dân đã bị ảnh hưởng nặng như gia đình chị Điều ở thôn Tân Tiến, xã Yên Hóa (Minh Hóa). Chị Điều cho biết: "Ruộng nhà tôi sau khi gieo được 2 ngày thì bị rét hại nên cây lúa không phát triển được, chắc phải gieo lại toàn bộ”. Còn với ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Xuân Tháp, thôn Rẫy, xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) cũng bị ngập nước nặng. Ông Tháp chia sẻ: "Gia đình tôi có 6 sào lúa mới gieo, lúa đã lên được khoảng 1-2 lá nhưng hiện đang ngập nước khiến cho nhiều cây bị úng và chết, hiện chưa khắc phục được".

Ảnh 3 : Bà con nông dân tỉa dặm lại lúa sau rét.
Bà con nông dân tỉa dặm lại lúa sau rét.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân (đầu tháng 2-2016), có một đợt không khí lạnh tăng cường mới, các tỉnh miền Trung có thể có mưa và trời rét ở Bắc Trung bộ. Trước tình hình này, Sở NN và PTNT đã có công văn đôn đốc, chỉ đạo các địa phương phòng chống rét vụ đông-xuân 2015-2016. Trên cây lúa, biện pháp cấp bách hiện nay là tập trung chăm sóc để giúp cho lúa nhanh phục hồi, tạo mọi điều kiện để có bộ rễ khỏe, giúp cây lúa hấp thu tối đa dinh dưỡng, đẻ nhánh sớm, tập trung, góp phần quyết định cơ bản đến năng suất cuối vụ.

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo cụ thể đối với từng ruộng lúa. Với diện tích trà xuân sớm, chính vụ tập trung ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch và các huyện khác, hiện tại lúa đã được chăm sóc đợt 1 và đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Diện tích này cần tiếp tục duy trì mực nước hợp lý trên mặt ruộng để tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh tập trung, nếu trên cùng một diện tích mà lúa sinh trưởng phát triển không đồng đều, bà con có thể áp dụng biện pháp bón và bổ sung bằng phân đạm hoặc phun phân qua lá để bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa đẻ nhánh thuận lợi.

Với diện tích trà muộn: Ở huyện Lệ Thủy, vùng nam thị xã Ba Đồn, Minh Hóa... Hầu hết đều bị ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại từ ngày 23 đến 27-1 vừa qua. Trước tiên, bà con cần thường xuyên kiểm tra để dặm tỉa bổ sung những chỗ khuyết dảnh, khuyết khóm để bảo đảm mật độ.

Với những diện tích lúa bị chết nhiều thì cần dồn lại và cấy bổ sung bằng mạ của những giống có cùng thời gian sinh trưởng để tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ. Bón thêm phân chuồng hoai mục và tro bếp để chống rét cho lúa. Với những diện tích lúa sinh trưởng phát triển chậm, khả năng phục hồi kém, bà con có thể dùng 5-7 kg supe lân/sào để bón nhằm tăng cường phát triển của bộ rễ giúp cho cây lúa phục hồi nhanh hơn. Đồng thời kết hợp với phun phân qua lá, kích thích ra rễ như Munti-K, KH, Yogen, BioHumate...

Sau khi kiểm tra thấy lúa ra rễ trắng và vươn lá mới thì tiến hành chăm sóc như bình thường với lượng cho 1 sào như sau: Đối với lúa lai bón 4 - 5 kg đạm urê + 3 kg kali. Đối với lúa thuần bón 3 - 4 kg đạm urê + 2 kg kaliclorua; kết hợp làm cỏ sục bùn để vùi lấp phân, giải phóng các khí độc, tiêu diệt cỏ dại, tăng cường oxy trong đất, giúp cho lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung. Nếu nhiệt độ dưới 150C thì không nên bón các loại phân vô cơ.

Đồng thời với việc chăm sóc, bà con cần thường xuyên theo dõi dự tính, dự báo cũng như các hướng dẫn biện pháp kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật để kịp thời phòng trừ có hiệu quả các đối tượng gây hại như: Chuột, rệp muội, tuyến trùng ...

Lê Mai-Đặng Thảo