.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: 13 năm đi "gieo vốn"

Thứ Hai, 01/02/2016, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến nay, đã 13 năm Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) Quảng Bình đồng hành với người dân nghèo trên địa bàn. Các chương trình vay vốn dành cho bà con ngày càng được thể hiện rõ nét và cụ thể hơn.

Trải qua 13 năm hoạt động, NHCSXH Quảng Bình dần khẳng định được vai trò và nhiệm vụ của mình. Từ những khó khăn, NHCSXH tỉnh đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra trong mỗi năm. Nếu như năm 2003 dư nợ các chương trình tín dụng chỉ đạt 237.337 triệu đồng thì cuối tháng 11 năm 2015, tổng dư nợ NHCSXH tỉnh Quảng Bình lên đến gần 2.302 tỷ đồng và luôn đảm bảo chất lượng tín dụng.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Trong 13 năm qua, ngân hàng đã thường xuyên bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, sâu sát với cơ sở, quyết liệt triển khai các văn bản chỉ đạo của Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam.

Giải ngân đúng hạn, đúng đối tượng góp phần giúp người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.
Giải ngân đúng hạn, đúng đối tượng góp phần giúp người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.

Mặt khác, giao chỉ tiêu, phân công trách nhiệm cụ thể đến các phòng giao dịch và từng cán bộ tín dụng; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, chỉ đạo các phòng giao dịch huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực hiện công tác tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay trả nợ quá hạn, thu nợ, thu lãi đến hạn. Bên cạnh đó, ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm tra, giám sát, nhằm giảm những hạn chế, sai sót trong thực hiện các chương trình tín dụng.

Ngay từ đầu mỗi năm, NHCSXH các cấp đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác cấp tỉnh, huyện, thành phố tổ chức tổng kết công tác cho vay ủy thác và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm tiếp theo. Duy trì có chất lượng công tác giao ban trực báo định kỳ, đặc biệt là việc giao ban thường xuyên giữa các tổ chức hội cấp xã với NHCSXH huyện theo lịch trực giao dịch của NHCSXH tại xã để nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện ủy thác cho vay, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại xã. Phối hợp chỉ đạo các tổ chức trong mạng lưới đẩy mạnh giải ngân cho vay các chương trình tín dụng và đôn đốc xử lý nợ quá hạn.

Từ năm 2003 đến nay, chi nhánh tỉnh và các phòng giao dịch huyện luôn đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, thực hiện công tác tập huấn, kiện toàn chức năng, năng lực hoạt động của cán bộ tổ chức hội, tổ trưởng tổ vay vốn. Kết quả, 100% cán bộ tổ chức hội phụ trách tín dụng, tổ tiết kiệm và vay vốn đã được nâng cao nghiệp vụ quản lý vốn. Công tác kiểm tra, kiểm soát được thực hiện đúng quy định, kế hoạch...

Có thể thấy rõ sự nỗ lực cố gắng của hệ thống NHCSXH tỉnh nhà, khi năm 2003 toàn tỉnh chưa phát triển được thêm điểm giao dịch nào thì đến 2015 đã phát triển được 147 điểm giao dịch, đưa số tổ tiết kiệm và vay vốn từ 1.082 tổ lên đến 2.743 tổ. Hàng năm để hoạt động tín dụng đạt kết quả tốt, NHCSXH tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hàng trăm lượt ở cơ sở.  Ngoài ra, thông qua công tác tập huấn và kiểm tra, kiểm soát, NHCSXH tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực quản lý vốn, chỉnh sửa, khắc phục kịp thời những sai sót, hạn chế trong thực hiện các chương trình vốn.

Từ đó, các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ hơn với ngân hàng. Tại các buổi giao dịch, 100% tổ trưởng tham gia đầy đủ việc họp giao ban, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình sử dụng vốn. Nhờ đó, những đổi mới về lãi suất cho vay, mức cho vay... được phổ biến rất kịp thời; việc đôn đốc, nhắc nhở các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, công tác tín dụng vốn ưu đãi được gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế của cơ sở như: chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Từ nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng. Trong đó, tăng trưởng nhiều là chương trình vốn hộ nghèo có tổng dư nợ 720 tỷ đồng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 440 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tăng 216 tỷ đồng, hộ cận nghèo 480 tỷ đồng...Từ các chương trình vốn này,  theo thống kê chưa đầy đủ, trong 13 năm tỉnh Quảng Bình có khoảng 30 nghìn hộ nghèo; được giúp đỡ thoát nghèo, có 90.282 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; 774 ngôi nhà phòng tránh bão lụt.... được xây dựng.

Có thể nói, hoạt động của NHCSXH đã thiết thực góp phần giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Đó cũng chính là nguồn vui, là động lực để những cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh tiếp tục nỗ lực, phát huy vai trò là điểm tựa cho các hộ dân phát triển sản xuất.

Phương Hiền