.

Giỗ ông Táo, về làng cá chép đỏ

Thứ Hai, 01/02/2016, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày cuối năm lạnh buốt, chúng tôi về thôn Hữu Hậu (Võ Ninh, Quảng Ninh) tìm gặp những người nông dân làm nghề nuôi cá chép đỏ-“tín vật” trong ngày giỗ ông Táo, 23 tháng Chạp. Trong ánh mắt của những con người quanh năm “một nắng hai sương” nơi đây lấp lánh niềm tin về một cái tết ấm. Với họ, một vụ thu hoạch tràn trề hy vọng lại bắt đầu.

Nuôi cả năm, bán một ngày

Không khí những ngày trước giỗ ông Táo ở Hữu Hậu rộn rã lắm. Từ khắp nơi, mọi nẻo đường làng, ngõ xóm, người dân bắt đầu tấp nập, mỗi người một việc để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Người lo tát ao, người lo chuẩn bị sửa sang xe cộ, người lo sắm sửa gánh gồng, rồi túi nilon trắng đựng cá cho khách… Cứ những dịp này hàng năm, thôn Hữu Hậu ngày đêm nhộn nhịp tiếng xe máy, ôtô, tiếng gọi nhau ý ới của dân làng và các hộ tiểu thương.

Ao nuôi cá chép đỏ của gia đình ông Nguyễn Lương Quốc
Ao nuôi cá chép đỏ của gia đình ông Nguyễn Lương Quốc.

Công việc cũng khá khẩn trương, bởi như ông Nguyễn Lương Quốc-một hộ dân nuôi cá chép đỏ lâu năm nơi đây thì nếu chỉ lơ là để chậm ngày tát ao, tìm mối lái… thì coi như công chăm cá cả năm đổ xuống sông, xuống biển. Ông Quốc bảo, “chẳng có nghề nào bấp bênh như cái nghề nuôi cá chép này, chăm chút từng tý một suốt gần một năm trời, chỉ để bán trong một ngày cúng ông Táo. Nên ăn Tết sung túc hay thiếu thốn cũng phụ thuộc vào việc bán buôn trong một ngày ni thôi”.

Nói đoạn, ông Quốc lại bắt đầu công việc thường ngày là cho cá ăn, sửa soạn bắt đầu cho vụ mùa mới. Khi cám vừa được thả xuống ao, cả hàng nghìn con cá chép đỏ với đủ kích cỡ bơi đặc kéo nhau đến đớp mồi. Trong diện tích mặt hồ chưa đầy 100m2, được ông xây bê tông vuông vắn, làn nước hồ khá trong nên thấy rõ cả từng đàn cá dày đặc bơi lội dưới nước. Màu cá chép đỏ khá lạ và đẹp mắt.

Ông chủ trang trại chăn nuôi này chia sẻ rằng nghề nuôi cá chép đỏ rất đặc thù, cũng có những khó-dễ riêng trong cách chăm sóc. Dễ là bởi thức ăn của cá chép đỏ khá đơn giản, chủ yếu là tận dụng nguồn thực vật phù du, ít tốn kém nhưng cái khó ở chỗ là thời gian nuôi kéo dài, cá lại chậm lớn mà lẽ thường, thời gian nuôi càng kéo dài thì nỗi lo dịch bệnh lại càng tăng lên, nhất là khi thời tiết luôn biến động thất thường.

Bao sự đầu tư, nỗi hy vọng họ dồn cả vào một mùa thu hoạch nhưng đôi khi tình hình thị trường cũng bấp bênh, khó đoán. Năm nay được mùa, giá cao, thu nhập hàng chục triệu đồng nhưng năm sau có thể sẽ ế ẩm, mất giá cũng không biết chừng. Nên với những hộ dân nuôi cá chép đỏ làng Hữu Hậu, việc đầu tư nuôi loại cá đặc biệt này cũng tựa như một sự “đánh cược”, chấp nhận nổi nênh cùng nghề.

Gia đình anh Trần Văn Hiền là hộ dân nuôi cá chép đỏ lớn nhất, nhì làng Hữu Hậu. Bởi vừa nuôi cá bán ngày giỗ ông Táo, anh Hiền còn là địa chỉ cung cấp giống cá chép đỏ cùng nhiều giống cá khác cho bà con trong làng và nhiều địa phương lân cận khác. Anh bảo, một vụ mùa mới bắt đầu khi thời tiết ấm dần lên, thường là vào tháng 2 âm lịch. Đó là thời điểm đẹp nhất cho mùa sinh sản của cá. Sau một thời gian ngắn, cá giống được thu hoạch, với giá bán 200 đồng/con.

Với diện tích ao hồ gần 500m2, hàng năm, gia đình anh xuất bán hàng nghìn con cá giống, số còn lại để nuôi bán trong dịp 23 tháng Chạp. Vụ mùa năm ngoái, chỉ trong ngày giỗ ông Táo, gần 1 tạ cá chép đỏ được bán ra, thu về cho gia đình anh chị 15 triệu đồng. Nếu theo giá cả hằng năm thì một con cá chép đỏ to bằng 3 ngón tay đã có giá 10.000 đồng/con.

Làng thoát nghèo nhờ…cá

Đã từng được đặt chân đến nhiều làng quê khác nhau, nhưng điều đặc biệt thu hút những người khách đường xa như chúng tôi ở chính mảnh đất sát quốc lộ 1A-thôn Hữu Hậu, xã Võ Ninh này là hầu như gia đình nào cũng có ao, hồ ngay cạnh nhà. Anh Phạm Xuân Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Võ Ninh tự hào bảo, truyền thống của làng Hữu Hậu và nhiều làng quê khác ở Võ Ninh này là thế, ngoài nghề nông, người dân thường tận dụng diện tích đất vườn để đào ao, thả cá nên đời sống cũng khấm khá hơn nhờ nghề.

Toàn thôn Hữu Hậu có 85 hộ, chủ yếu làm nghề nông, nhưng ngay trước vườn nhà, họ luôn đào một ao nhỏ để nuôi cá. Hộ ít thì một ao, có hộ nhiều thì 3, 4 ao. “Làm ăn kinh tế cũng có phong trào, từ một vài hộ tiên phong cho hiệu quả kinh tế cao thì từ đó, mô hình được nhân rộng. Người này rỉ tai người kia, dần dần, kinh nghiệm nuôi cá được người dân truyền cho nhau. Họ thi nhau đào ao, thả cá, mỗi năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng”.

Cá chép đỏ - “tín vật” trong ngày giỗ ông Táo
Cá chép đỏ-“tín vật” trong ngày giỗ ông Táo.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. 

Lễ vật cúng ngày ông Táo thường không thể thiếu ba chú cá chép đỏ-phương tiện để ông Táo có thể bay về trời.

Loài cá này được nhiều gia đình lựa chọn bởi nó là biểu tượng "vượt Vũ Môn hóa rồng"-biểu tượng của sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ đi tới thành công. 

Nhiều hộ mạnh dạn ra vùng ruộng chuyển đổi xây dựng trang trại, đào ao, thả cá, tôm, nuôi ếch, giun đất… Những mô hình này đã phá thế độc canh cây lúa trong sản xuất nông nghiệp của Hữu Hậu.

Từ đói khổ, họ vươn lên thoát nghèo, rồi từ chỗ thoát được nghèo, họ vươn lại lên làm giàu. Những ngôi nhà ngói đỏ, nhà cao tầng bắt đầu mọc lên ngay chính mảnh đất từng được mệnh danh “nhì sợ ruộng lầy Võ Xá” năm xưa. Chiếc áo khởi sắc đã khoác áo lên bộ mặt của khó nghèo thuở trước.

Theo anh Phạm Xuân Thiết, trước đây, thôn Hữu Hậu chủ yếu nuôi cá chép đen, cá trắm, rô phi… Nhưng hơn chục năm trước, khi tục thả cá chép đỏ trong ngày giỗ ông Táo bắt đầu phổ biến ở các làng quê trong tỉnh, bà con Hữu Hậu lại nhạy bén với thời cuộc, “bắt mạch” được thị trường, nên loại cá này là lựa chọn số một của nhiều chủ ao.

Anh Thiết bảo, những năm 2010-2011, thôn Hữu Hậu 80 hộ thì có khoảng 1/3 trong số đó nuôi cá chép đỏ. Anh đã tận mắt chứng kiến nhiều nông dân trong làng có trong tay cả khoản tiền lớn sau mỗi vụ thu hoạch loại cá này phục vụ dịp Tết ông Táo. Thế nhưng, vụ mùa năm trước, hàng tấn cá từ miền Bắc đổ vào, tràn ngập các chợ lớn nhỏ trong toàn tỉnh làm giá thành giảm đi đáng kể. Cả năm chăm chút nhưng đến ngày thu hoạch, thu nhập chẳng được là bao khiến nhiều hộ dân nản lòng. Vụ mùa năm nay, cả thôn Hữu Hậu cũng chỉ chừng 10 hộ còn duy trì mô hình này.

Và vụ mùa này, khi cái Tết bắt đầu chạm ngõ, trong những đôi mắt lấp lánh hy vọng của những người nông dân nơi đây vẫn thấp thoáng nỗi lo. Vậy mới hiểu, cái nghề “nuôi suốt năm, bán một ngày” ấy cũng bấp bênh, nổi nênh khó lường.

Diệu Hương