Siết chặt quản lý thị trường hàng hóa thời điểm giáp Tết

Cập nhật lúc 10:29, Thứ Hai, 28/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) -  Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đang đến gần. Đây là lúc thị trường hàng hóa diễn ra khá sôi động, đồng thời cũng chính là thời điểm nhạy cảm dễ xuất hiện tình trạng gian lận thương mại, bán hàng trái pháp luật. Do đó việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, siết chặt thị trường hàng hóa thời điểm giáp Tết là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong những ngày này, tại các siêu thị, chợ, quầy tạp hóa..., các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết đã được bày bán tràn ngập với nhiều mẫu mã và chủng loại phong phú.

Tuy nhiên theo các ngành chức năng, đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại như: bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không có nhãn mác, hàng hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Đặc biệt, đối với một số mặt hàng khô như: măng, miến, mộc nhĩ, các loại kẹo, mứt bán theo kiểu cân ký rất dễ bị tiểu thương trà trộn cùng với hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng để bày bán trong dịp này.

Theo báo cáo từ Chi cục Quản lý thị trường, năm 2012 trên tuyến biên giới Việt-Lào, tình trạng vận chuyển xăng dầu trái phép qua biên giới, một số doanh nghiệp lợi dụng phân luồng xanh để khai báo sai so với số lượng thực tế... vẫn còn diễn ra. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, buôn bán tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến khá phức tạp.

Đặc biệt, càng gần những ngày giáp Tết, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ lại càng “nở rộ”, xâm nhập mạnh vào thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý.

Trong năm 2012, Chi cục đã thực hiện kiểm tra 2.256 trường hợp, phát hiện 524 vụ vi phạm; xử phạt cảnh cáo 28 vụ; phạt tiền 496 vụ với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng tịch thu trên 992 triệu đồng. Đặc biệt, Chi cục đã tham gia với đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra 42 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở không đạt do hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, bị biến chất; giao cho chủ cơ sở tự tiêu hủy gồm 12,5 kg sữa dê, 18 kg cà phê, 20 kg đường, bánh kẹo, nước giải khát, mắm và nước mắm các loại.

Thị trường hàng hóa Tết phong phú, đa nhưng cũng tiềm ẩn nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Thị trường hàng hóa Tết phong phú, đa nhưng cũng tiềm ẩn nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Để kiểm soát tình hình thị trường thời điểm giáp Tết, Chi cục Quản lý thị trường đã chủ động phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gian lận thương mại, không đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm...; tổ chức theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa và giá cả (nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết) để chủ động tham mưu cho Sở Công thương, UBND tỉnh, kịp thời ổn định thị trường khi cần thiết; kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của hàng hóa (trong đó chú trọng các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá) tại các cửa hàng, điểm bán lẻ, bán buôn, siêu thị...; xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng thời điểm giáp Tết để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán hàng lên cao, gây bất ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường còn kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các trường hợp gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá. Các đội quản lý thị trường tiếp tục thực hiện đấu tranh có trọng tâm trọng điểm, tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại trên các tuyến quốc lộ và mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Để kiểm soát chặt hàng giả, hàng nhái ở thị trường nội địa, Chi cục sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Quý Tỵ. Bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra ở các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại các chợ bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng, các điểm trung chuyển hàng hóa..., Chi cục sẽ tăng tần suất kiểm tra các điểm “nóng” nhằm nắm tình hình địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm...

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác và kiên quyết tẩy chay đối với những hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo chỗ đứng cho hàng Việt trong lòng người Việt.

                                                                                  Thanh Hải








 

,
.
.
.