Nỗ lực vượt qua khó khăn và thách thức

Cập nhật lúc 09:49, Thứ Năm, 24/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2012 đi qua với nhiều biến động về giá cả, thị trường trong nước và quốc tế đã khiến cho tình hình kinh tế-xã hội tỉnh ta gặp không ít khó khăn. Riêng đối với lĩnh vực công thương, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ngừng hoạt động hoặc phá sản dẫn đến giá trị sản xuất toàn ngành không đạt kế hoạch đề ra. Với quyết tâm thực hiện thành công các chỉ tiêu năm 2013, Sở Công thương đã có những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể để đưa ngành từng bước vượt qua khó khăn thực tại, đón nhận những thời cơ và tiềm năng, triển vọng mới.

Năm 2012, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, sản xuất thu hẹp, sản phẩm tồn kho nhiều... đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (tính theo giá cố định năm 1994) đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2011, đạt 94% kế hoạch. Theo đó, công nghiệp quốc doanh đạt 361 tỷ đồng, giảm 79%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 17,7 tỷ đồng, tăng 14%; công nghiệp ngoài quốc doanh 4.035 tỷ đồng, tăng 76,4%.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp, chúng tôi được biết một thực trạng chung của các doanh nghiệp là việc huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do hạn mức tín dụng cho vay ngân hàng thấp.

Hầu hết, các doanh nghiệp tỉnh ta đều có vốn sở hữu thấp nên quá trình hoạt động đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng, trong khi 6 tháng đầu năm 2012, lãi suất  vẫn ở mức trên dưới 20%. Mặc dù hiện nay mức lãi suất đã được các ngân hàng điều chỉnh xuống 13%-15% nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn. Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, cụ thể như: điện tăng 6%, xăng dầu tăng 6%, than tăng 8%... dẫn đến chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Nằm trong khó khăn chung của ngành xi măng cả nước, hiện nay, các nhà máy sản xuất xi măng Quảng Bình đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Do chính sách thắt chặt đầu tư công, thị trường bất động sản đóng băng, các công trình xây dựng dân dụng và nhà ở đều tăng trưởng ở mức thấp nên hiện tại nguồn cung toàn ngành dư thừa khoảng 18.000 tấn xi măng và 90 tấn clinke. Hiện nay, Nhà máy xi măng Áng Sơn 1 đã phải ngừng sản xuất do thiếu vốn, cơ cấu nợ vay quá cao dẫn đến càng sản xuất, càng thua lỗ.

Năm 2012, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 14.150 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch.
Năm 2012, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 14.150 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch.

Được biết, Nhà máy xi măng Áng Sơn phải gánh số tiền dư nợ hơn 100 tỷ đồng, nợ lương 698 công nhân từ cuối năm 2011 đến nay chưa trả, gần 300 công nhân phải nghỉ việc. Nhà máy xi măng Sông Gianh là một trong những đơn vị được đầu tư bài bản với dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại của châu Âu, có nguồn nguyên liệu dồi dào cùng với đội ngũ kỹ sư tay nghề cao nhưng qua hơn 6 năm đi vào hoạt động, số dư nợ của Nhà máy xi măng Sông Gianh vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, công tác duy tu bảo dưỡng không được đơn vị tiến hành thường xuyên nên một số thiết bị đã vượt qua thời hạn bảo dưỡng định kỳ, có lúc nhà máy phải ngừng sản xuất. Theo lãnh đạo nhà máy thì số tiền cần thiết cho hoạt động duy tu bão dưỡng khoảng 70 tỷ đồng, trong khi đó nguồn lực của nhà máy chỉ đủ để duy trì cho sản xuất và trả nợ vay ngân hàng.

Trong năm 2012, sản lượng tiêu thụ xi măng Sông Gianh chỉ đạt 74% so với kế hoạch. Trước tình hình này, lãnh đạo nhà máy đã đẩy mạnh sản xuất clinke. Hiện nay, ngoài cung cấp clinke cho các đơn vị sản xuất xi măng trong ngành, Nhà máy xi măng Sông Gianh đã xuất khẩu clinke sang các nước Đài Loan và Băng La Đet.

Bên cạnh xi măng, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác cũng đang phải sản xuất cầm chừng do Chính phủ thắt chặt chi công, các công trình xây dựng bị cắt giảm. Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng 1-5 là một ví dụ. Nếu như trước đây, sản phẩm gạch của công ty chủ yếu cung cấp cho các công trình xây dựng lớn trong và ngoài tỉnh thì nay sản phẩm chủ yếu bán cho các công trình xây dựng dân dụng nhỏ lẻ. Để sản phẩm gạch 1-5 đứng vững trên thị trường, đơn vị luôn áp dụng sáng kiến khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nhưng giá cả vẫn phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Nhằm thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp-thương mại giai đoạn 2011- 2015, bao gồm cả phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó đặc biệt quan tâm các làng nghề.

Ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho chúng tôi biết thêm: Năm 2012 là năm đầu tiên tỉnh ta tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chọn sản phẩm tham gia bình chọn cấp khu vực Miền Trung-Tây Nguyên. Kết quả đã có 14 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, 4 sản phẩm được chọn đi tham dự khu vực Miền Trung-Tây Nguyên và đã có 2 sản phẩm đạt giải. Nhìn chung, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt tiêu chí năm 2012 của tỉnh đều đáp ứng các yêu cầu đặt ra đó là: sản phẩm do các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn sản xuất, có chất lượng, có giá trị cao, có tiềm năng phát triển sản xuất mở rộng thị trường và đáp ứng được các tiêu chí về doanh thu, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, tính văn hóa, thẩm mỹ, giải quyết việc làm cho người lao động và thỏa mãn các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Trên lĩnh vực thương mại, năm qua tỉnh ta bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và trong nước, dẫn đến sức mua thị trường giảm mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch đề ra (đạt 125 triệu USD, bằng 84% kế hoạch, giảm 20% so với năm 2011). Năm 2012 là một nằm đầy khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giá những mặt hàng được xem là thế mạnh của tỉnh ta như cao su và nhựa thông giảm mạnh so với năm 2011. Riêng sản phẩm dăm gỗ vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất hiện nay với 202 ngàn tấn, tăng 31%. Thị trường xuất khẩu sản phẩm dăm gỗ chủ yếu là các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh ta trong thời gian qua đã có tín hiệu tích cực. Nhiều dự án đã và đang được triển khai có hiệu quả như: Nhà máy gỗ MDF liên doanh giữa tập đoàn Kim Tín và Công ty một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại, Nhà máy may xuất khẩu với 1.000 công nhân và dự án trồng bông nguyên liệu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Dự án khu công nghệ cao của Tập đoàn Zenta- Plan, Hàn Quốc...

Cùng với công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cũng được ngành công thương đẩy mạnh như: ưu tiên các hoạt động thương mại với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Cửa khẩu Cà Roòng và khu vực các tỉnh đông bắc Thái Lan, tổ chức thành công hội chợ thương mại du lịch quốc tế 3 nước Việt Nam- Lào- Thái Lan với sự tham gia của 300 gian hàng và hàng ngàn lượt khách mua sắm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội chợ trong nước và khu vực nhằm quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo dự báo năm 2013, ngành Công thương vẫn tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế trong nước và thế giới. Hy vọng với những giải pháp cụ thể, thiết thực về mặt quản lý nhà nước của Sở Công thương như: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển thương mại nội địa và quản lý thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu... cùng với những dự án lớn đang được triển khai trên địa bàn, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tỉnh ta sẽ có bước chuyển biến tích cực, góp phần đưa Quảng Bình trở thành một tỉnh có nền công nghiệp phát triển trong tương lai.

                                                                    Hiền Chi






 

,
.
.
.