Niềm vui ở miền đất cát

Cập nhật lúc 07:38, Thứ Ba, 29/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đi dọc Quốc lộ 1A từ xã Gia Ninh (Quảng Ninh) đến Hồng Thủy, Thanh Thủy (Lệ Thủy) vào một ngày đông, đang là mùa su hào chính vụ, một màu xanh ngút ngàn trải khắp các cánh đồng...

Vụ mùa được giá

Tỉnh ta có rất nhiều nơi trồng rau màu, tuy nhiên su hào thì chỉ có ở xã  Hồng Thủy là được trồng phổ biến và một số ít ở xã Thanh Thủy, xã Gia Ninh.

Những ngày này ở Hồng Thủy, người dân đã bắt đầu thu hoạch su hào. Theo người dân trồng su hào ở đây cho biết, năng suất bình quân của mỗi sào su hào đạt khoảng 5 đến 7 tạ. Với năng suất này trên tổng diện tích gieo trồng gần 30ha, vụ đông năm nay người dân xã Hồng Thủy đã có một vụ su hào được mùa.
Bên cạnh đó, giá su hào năm nay lại cao, đây là niềm vui lớn đối với người dân Hồng Thủy. Những năm trước, giá su hào chỉ dao động từ 3.000-7.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, từ đầu vụ đến giờ giá su hào luôn giữ mức 12.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn bán được với giá 15.000 đồng/kg. Trong khi chi phí cho vụ su hào này cũng gần giống các năm trước, đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng/sào.

Gia đình anh Lê Công Thiệu (thôn Đông Hải) có 2,5 sào su hào, thu hoạch được khoảng 17 tạ, bán với giá trên 12.000 đồng/kg, trừ chi phí anh cũng có hơn 20 triệu đồng. Anh Thiệu phấn khởi: “Vụ su hào năm nay được giá. Dù thời tiết vào đầu vụ không được thuận lợi, mưa nắng thất thường nên một số su hào củ bị nứt, tuy nhiên nhờ việc trồng giống ngắn ngày, thu hoạch sớm, bán được giá cao nên nhà ai cũng có lãi”.

Mô hình su hào trồng xen với ớt cho thu nhập cao tại Hồng Thủy (Lệ Thủy).
Mô hình su hào trồng xen với ớt cho thu nhập cao tại Hồng Thủy (Lệ Thủy).

Bên cạnh gia đình anh Thiệu, gia đình anh Nguyễn Tuyên Huấn cùng nhiều gia đình khác cũng thu được lãi khá lớn từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng nhờ su hào. Anh Huấn cho hay, nguyên nhân của việc được giá su hào năm nay là do su hào trồng giống ngắn ngày (chưa đầy 2 tháng đã có thể thu hoạch) nên thu hoạch sớm, trong khi các tỉnh khác chưa thu hoạch. Hiện gia đình anh Huấn đã thu hoạch gần xong lứa su hào năm nay. Trong lúc thời tiết đang thuận lợi và thời gian vụ mùa còn dài, vốn bỏ ra cũng không lớn, anh dự tính sẽ tranh thủ trồng thêm một vụ nữa trong năm nay.

Chị Châu Thị Anh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hồng Thủy cho biết: Vụ đông - xuân năm nay có trên 40% số hộ tham gia trồng su hào với diện tích gần 30 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Đông Hải, Thạch Hạ, Mộc Định, An Định... Do nguồn su hào ở thị trường các tỉnh bạn nhập về tỉnh ta chưa nhiều nên nhu cầu thu mua su hào của các thương lái tại tỉnh ta lớn với giá cao nên bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, chị Anh cũng cho biết thêm, theo dự đoán thì mức giá này chỉ giữ được vào đầu vụ, còn đến chính vụ thì có khả năng sẽ giảm xuống còn khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, tùy vào thị trường cung - cầu.

Xen canh tăng thu nhập

Dẫu được mùa, được giá là vậy, nhưng cái khó của nghề trồng su hào là đầu ra không ổn định, giá lên xuống thất thường. Không riêng người dân Hồng Thủy mà hầu như toàn bộ nông dân tỉnh ta vốn xưa nay đều đã quen với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kiểu tự quyết. Đa số người dân thấy cái gì được giá, nhu cầu thị trường cần nhiều thì chuyển đổi việc sản xuất theo, do đó tình trạng “thừa cung thiếu cầu” hoặc ngược lại thường xuyên xảy ra.

Để cải thiện tình hình trên và tránh những thiệt hại có thể xảy ra cho người nông dân, Hội Nông dân xã Hồng Thủy đã khuyến khích bà con trồng xen canh trên cùng một diện tích trồng su hào. Với đặc tính trồng su hào trên luống cao, khoảng cách giữa mỗi luống, mỗi cây khá rộng nên khá thuận lợi cho việc trồng xen canh thêm một số loại cây khác có cùng đặc tính phù hợp với vùng đất cát như: ớt, hành, cải...

Nhờ việc xen canh này, những diện tích đất trống giữa các luống su hào đã được tận dụng triệt để, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình. Nếu chỉ tính riêng su hào và ớt, một vụ cũng thu được trên 200 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc trồng xen canh ớt, hành với su hào cũng làm giảm bớt nguy cơ thiệt hại cho các gia đình nếu xảy ra tình trạng mất mùa, rớt giá...

                                                                              Lê Mai

 

,
.
.
.